SearchNews

Không để tái diễn nhà siêu mỏng, siêu méo khi mở đường

28/02/2011 09:51

Để bảo đảm mỹ quan đô thị, đối với các dự án đầu tư xây dựng đường giao thông mới, UBND TP chỉ xem xét, phê duyệt khi có quy hoạch hai bên tuyến đường kèm theo; điều này sẽ tránh được tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo xuất hiện theo những tuyến đường mới mở.

Để bảo đảm mỹ quan đô thị, đối với các dự án đầu tư xây dựng đường giao thông mới, UBND TP chỉ xem xét, phê duyệt khi có quy hoạch hai bên tuyến đường kèm theo; điều này sẽ tránh được tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo xuất hiện theo những tuyến đường mới mở.

Kiên quyết, triệt để xử lý

UBND TP giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan khẩn trương rà soát, đề xuất bổ sung quy định về bồi thường, đảm bảo nguyên tắc: dự án khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phải có quy hoạch hai bên tuyến đường kèm theo; tổ chức công bố chỉ giới đường đồng thời với việc công bố quy hoạch hai bên tuyến đường để nhân dân, chính quyền địa phương biết, thực hiện và tổ chức quản lý... Những công việc này phải hoàn thành trước ngày 30/3.

Nhà siêu mỏng mọc lên sau khi mở đường. (Ảnh: Duy Khánh)

Cùng với đó, UBND TP đã đưa ra những biện pháp kiên quyết xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo hiện đang tồn tại trên địa bàn Hà Nội. Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Phí Thái Bình vừa yêu cầu các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn trước ngày 30/3.

Cụ thể, các quận, huyện phải thống kê, lập danh mục cụ thể, chính xác các trường hợp đất và công trình trên đất (nếu có) không đủ điều kiện về mặt bằng để xây dựng dọc theo các tuyến đường thuộc địa bàn mình quản lý, báo cáo UBND thành phố trước ngày 14/3.

Đối với các trường hợp đất và các công trình xây dựng trên đất (nếu có) không đủ điều kiện về mặt bằng để xây dựng (nhà siêu mỏng, siêu méo) phát sinh trước thời điểm Quyết định 26/2005/QĐ-UBND có hiệu lực, UBND TP giao Sở Tài nguyên-Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở Quy hoạch Kiến trúc, Xây dựng, Tư pháp, Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng khẩn trương nghiên cứu, soạn thảo văn bản hướng dẫn trình tự, biện pháp xử lý.

Đối với các trường hợp sau khi có Quyết định trên, thẩm quyền và trách nhiệm xử lý đã được quy định cụ thể, UBND TP yêu cầu các quận, huyện, thị xã tổ chức vận động nhân dân hoàn thành việc hợp khối theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp người sử dụng đất không thực hiện việc hợp khối đúng thời hạn, UBND quận, huyện, thị xã thực hiện việc thu hồi, GPMB theo đúng quy định; chủ động lập và triển khai phương án quản lý, sử dụng, chống tái lấn chiếm phần đất sau thu hồi.

Thanh Xuân được chọn làm "điểm"

Hà Nội hiện có gần 300 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo, đặc biệt các quận như Thanh Xuân, Đống Đa, Ba Đình là nơi có số lượng nhà siêu mỏng, siêu méo lớn nhất. UBND TP Hà Nội đã chọn quận Thanh Xuân để tổ chức thí điểm giải quyết dứt điểm những công trình siêu mỏng, siêu méo, từ đó nhân rộng trên địa bàn thành phố. Hiện nay, trên địa bàn quận Thanh Xuân có 81 trường hợp mặt bằng không đủ để xây dựng nhà theo quy định tại văn bản số 39/2005/QĐ-TTg ngày 28/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo yêu cầu của TP, UBND quận Thanh Xuân cùng các Sở Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường, Qui hoạch Kiến trúc... phải khẩn trương rà soát từng trường hợp cụ thể và báo cáo phương án giải quyết lên UBND thành phố vào ngày 15/4 tới. Sau khi GPMB để thực hiện mở đường giao thông theo quy hoạch tại các nút giao (Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, Thanh Xuân), đường Vành đai 3, đường Lê Văn Lương kéo dài... thì trên địa bàn quận Thanh Xuân có 81 trường hợp mặt bằng không đủ để xây dựng nhà theo quy định tại văn bản số 39/2005/QĐ-TTg ngày 28/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ.

Tính đến thời điểm hiện tại, quận còn 19 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo chưa xử lý được. Trong đó, 7 trường hợp ở dự án đường dọc bờ sông Tô Lịch (diện tích từ 3,42 m2 đến 13,37 m2 ), 5 trường hợp ở dự án đường Lê Văn Lương kéo dài (diện tích từ 2,52 m2đến 15,1m2 )...

Cá biệt nhất là trường hợp trên phố Nguyễn Xiển, diện tích đất còn lại chỉ vẻn vẹn có … 1m2 ! Trong đó, có 8 công trình siêu mỏng, siêu méo tồn tại trước thời điểm Quyết định có hiệu lực. Quận Thanh Xuân đã tuyên truyền vận động 21 trường hợp tự hợp khối, còn lại 19 công trình siêu mỏng, siêu méo chưa xử lý.

Thu hồi các diện tích đất siêu mỏng, siêu méo, không đủ điều kiện để xây dựng là chủ trương đúng đắn và cần thiết để tạo dựng diện mạo khang trang cho đô thị. Vấn đề khó ở đây là việc xác định giá bồi thường.

 

Có hai phương án được đặt ra: một là, áp dụng theo bảng giá đất do UBND TP ban hành hàng năm; hai là, quận, huyện thành lập hội đồng tư vấn để định giá. Nếu theo bảng giá đất do TP ban hành, đơn cử với trường hợp ở mặt đường Khuất Duy Tiến giá đất vào khoảng 40 triệu đồng/m2.

 

Với mức giá này sẽ rất khó GPMB. Nếu định giá cao hơn, sẽ ảnh hưởng tới việc GPMB của các dự án khác trên địa bàn thành phố. Nếu áp dụng mức giá do hội đồng tư vấn của quận, huyện định giá sẽ tạo ra sự chênh lệch so với mức giá trước đó đã áp dụng cho các hộ dân trong diện GPMB, dễ làm phát sinh khiếu kiện.

 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Phí Thái Bình cũng cho rằng, nên áp dụng giá đất do Thành phố quy định nhân với hệ số để hỗ trợ người dân. Với những vướng mắc trong diện hợp khối, các quận, huyện lập hội đồng xem xét, đề xuất thành phố giải quyết.

(Theo KTĐT)
 

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu