SearchNews

Không gian xanh trong lòng phố cổ

12/09/2010 07:34

Không chỉ là những ngôi nhà ống với mái ngói rêu phong nằm áp mình trên những con phố bắt đầu bằng chữ “Hàng”, ít người biết được rằng, giữa lòng phố phường chật hẹp và đông đúc kia, giữa nơi đất còn đắt hơn vàng mười, Hà Nội vẫn còn có những khoảng xanh tĩnh lặng và yên bình.

Không chỉ là những ngôi nhà ống với mái ngói rêu phong nằm áp mình trên những con phố bắt đầu bằng chữ “Hàng”, ít người biết được rằng, giữa lòng phố phường chật hẹp và đông đúc kia, giữa nơi đất còn đắt hơn vàng mười, Hà Nội vẫn còn có những khoảng xanh tĩnh lặng và yên bình.

Xuyên qua con ngõ sâu và tối, giữa những mảng tường buồn tẻ, giữa những khối bê tông, những ai lần đầu đến với ngôi nhà vườn trong phố cổ Hà Nội, hẳn không khỏi ngỡ ngàng khi đối diện với cả khoảng xanh mướt mát của cây cối. Giữa trưa hè oi bức, mặt đường ngoài kia hơi nóng bốc lên hầm hập, nhưng trong ngôi nhà vườn còn lại gần như là duy nhất ở phố cổ này, hình như, chưa một lần nắng nóng ghé thăm. Đã hàng chục năm nay, cái sự đặc biệt của ngôi nhà được nhiều người biết đến, và trở thành điểm hấp dẫn du khách khi đến thăm phố cổ, sự nổi tiếng đã được giới thiệu trong một cuốn sách xuất bản tại Nhật Bản với tên gọi “36 phố phường”.

Khác hẳn kiến trúc của nhà ống, nhà vườn 115 Hàng Bạc mang một phong cách kiến trúc rất đặc biệt. Nhìn từ ngoài vào, nhà trông hệt một ngôi đình với mái ngói đầu đao cong cong chạm khắc hình rồng, được bao xung quanh. Độ cao giữa các phòng cũng không giống nhau. Phòng cao, phòng thấp, nhiều du khách khi đến thăm nhà đã ví von rằng, đó là những phím đàn dương cầm.

Cụ Phạm Thị Tề-chủ nhân của ngôi nhà kể, năm 1890, gia đình cụ từ làng Châu Khê - Hải Dương chuyển lên Hà Nội sinh sống mang theo nghề lọc vàng lá. Thời điểm gia đình cụ đặt chân lên đất Thăng Long cũng là lúc mà phố nghề Hàng Bạc bắt đầu hình thành. Mảnh đất này được gia đình mua vào khoảng những năm 1920, khi đó, rộng gần 600m2. Công trình này do Kiến trúc sư nổi tiếng Phạm Hoàng thiết kế và chỉ đạo thi công trong suốt 4 năm từ 1944 đến 1948. Sau năm 1955, ngôi nhà được Nhà nước đưa vào diện cải tạo. Gia đình cụ Phạm Thị Tề và chồng là Phạm Văn Thanh được quyền sở hữu toàn bộ tầng 2, tầng 1 do Nhà nước quản lý và cho 5 hộ dân thuê.

Hiện tại, theo hồ sơ kỹ thuật của Phòng Tài nguyên Môi trường quận Hoàn Kiếm, công trình này rộng 550m2 với diện tích vườn 180m2 phần còn lại là nhà, đường đi, bếp, công trình phụ. Sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà này, gắn bó với nó gần hết cả đời người, những người con của cụ Phạm Thị Tề cảm nhận và hiểu được giá trị tinh thần mà ngôi nhà mang lại cho con người. Mấy chục năm qua, mảnh vườn đó vẫn được cụ Phạm Thị Tề và con trai là ông Phạm Ngọc Giao chăm sóc nâng niu.

Ông Phạm Ngọc Giao kể, khoảng 40 năm trước, Hà Nội vẫn còn một số nhà vườn ở 41 Hàng Đào, 103 Hàng Bạc, 12 ngõ Đào Duy Từ... nhưng nay đều đã tan biến cả. “Tôi yêu nó như yêu chính dòng máu đang chảy trong người tôi vậy” - ông Giao bộc bạch. Ông còn ví von rằng, ngôi nhà của ông như một hoa hậu, nhưng giờ trên khuôn mặt xinh đẹp đó đang hằn lên những nét già nua. Đó là việc một vài nhà dân trong cùng số nhà cơi nới, lấn chiếm rồi sang nhượng trái phép. Xót đấy, nhưng gia đình ông đành bất lực. Cho dù hơn 10 năm trước, ngôi nhà đã được UBND thành phố Hà Nội xếp vào diện có kiến trúc đặc biệt cần được bảo tồn tại Quyết định số 45/QĐ-UB ngày 4-6-1999, ban hành kèm theo “Điều lệ tạm thời về quản lý xây dựng, bảo tồn và tôn tạo khu phố cổ Hà Nội”.

Theo ông Nguyễn Tuấn Long - Phó Trưởng ban Quản lý phố cổ Hà Nội, nhà vườn là một dạng kiến trúc đặc biệt trong phố cổ, với nhiều giá trị. Đây không chỉ là nơi lưu giữ những hình ảnh về một Hà Nội xưa mà còn là nơi lưu giữ cả những giá trị tinh thần, những nét sinh hoạt, cùng truyền thống của người Hà Nội. Ông Long, cũng cho biết thêm, UBND thành phố Hà Nội vừa đồng ý về mặt chủ trương để UBND quận Hoàn Kiếm đầu tư, lập dự án giải phóng mặt bằng, di chuyển 5 hộ dân ở 115 Hàng Bạc, bảo tồn ngôi nhà cổ đặc biệt này. Dự kiến, khi được bảo tồn tôn tạo, toàn bộ tầng 2 vẫn thuộc diện tích sử dụng của chủ cũ. Còn tầng 1 sẽ dành là một trong những địa điểm dừng chân của du khách khi tham quan phố cổ Hà Nội. 10 năm qua, chủ nhân của ngôi nhà vườn 115 Hàng Bạc vẫn cứ kiên nhẫn chờ cho tới ngày vui hôm nay.

Ông Phạm Ngọc Giao kể rằng, từ khi đón nhận tin vui từ UBND thành phố Hà Nội, gia đình ông vui lắm bởi rốt cuộc nó cũng đã được quan tâm đúng mức. Cũng không so đo về quyền lợi, ông Giao cười, nếu được cải tạo và đưa vào phục vụ khách tham quan, thành quả lao động của ông bà, bố mẹ ông bao năm qua nay đã được Nhà nước ghi nhận, được trở thành một địa điểm tham quan của du khách gần xa, được trở thành “người của công chúng”.

(Theo 1000 Thăng Long)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu