Cuối tháng 11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 188/2013/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội với nhiều điểm mới nhằm tạo động lực khuyến khích tăng cung cho phân khúc này.
Vốn sẵn, giải ngân chậm
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết: Một trong những điểm mới đáng chú ý của chính sách này là các tổ chức tín dụng sẽ dành 3% dư nợ tín dụng hàng năm để cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội. Sau khi giải ngân hết gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng thì vẫn còn các chương trình tín dụng khác hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội.
Sự hỗ trợ này được xác định sẽ duy trì thường xuyên đã phần nào thể hiện quyết tâm của Chính phủ về việc chăm lo chỗ ở cho người dân.
Công tác phát triển nhà ở xã hội được xác định là kế hoạch dài hạn và đây cũng là một phần việc nhằm cụ thể hóa Chiến lược nhà ở quốc gia.
Tiêu điểm nổi bật của năm 2013 chính là gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi với lãi suất 6%/năm của Chính phủ dành cho phát triển nhà ở; trong đó, 20.000 tỷ đồng là dành hỗ trợ người dân có thu nhập thấp vay mua nhà để cải thiện chỗ ở. Rất nhiều cơ hội đã đến với các hộ gia đình, tuy nhiên, việc giải ngân nguồn vốn ưu đãi này vẫn còn chậm và chưa như kỳ vọng.
Theo Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), kết thúc quý 3/2013, các ngân hàng thương mại đã cam kết cho 331 khách hàng cá nhân vay vốn với tổng số tiền khoảng 105,32 tỷ đồng, trong đó có 305 khách hàng đã được giải ngân với số tiền vay là 69,4 tỷ đồng.
Cụ thể, các ngân hàng thương mại đã cho 181 khách hàng vay 42,9 tỷ đồng để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và cho 124 khách hàng khác vay 26,5 tỷ đồng để mua, thuê nhà ở thương mại.
Trong các đơn vị tham gia giải ngân gói tín dụng này, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) đang dẫn đầu về giải ngân cho 135 khách hàng cá nhân với hơn 29 tỷ đồng.
Tiếp đến là Ngân hàng Thương mại cổ phẩn Công Thương Việt Nam (Vietinbank) cam kết cho vay 29,47 tỷ đồng; trong đó đã giải ngân 23,65 tỷ đồng cho 92 khách hàng.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cam kết cho vay 16,3 tỷ đồng; trong đó giải ngân 8,023 tỷ đồng cho 40 khách hàng. Kết quả này cho thấy, mặc dù nguồn vốn đã sẵn sàng nhưng tiến độ giải ngân đang rất chậm.
Khuyến khích tăng cung
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, muốn giải ngân nhanh gói tín dụng ưu đãi này cần phải tăng cung, nhanh chóng xây dựng thêm nhiều nhà ở xã hội hoặc nhà ở thương mại có giá dưới 15 triệu đồng/m2 với quy mô diện tích dưới 70m2.
Hiện nhu cầu của người dân về phân khúc nhà ở này còn rất lớn. Cả nước cần hơn một triệu căn hộ nhà ở xã hội, riêng nhu cầu của Thành phố Hồ Chí Minh vào khoảng 130.000 căn và Hà Nội cũng lên tới 115.000 căn. Đó là chưa kể đến nhu cầu của những tỉnh lớn như Đồng Nai, Bình Dương, hoặc các đô thị nằm trong vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ. Trong khi đó, việc cung nhà ở xã hội không thể nhanh được.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng giải thích: Chiến lược Nhà ở quốc gia mới được triển khai thực hiện và việc phát triển nhà ở xã hội là một quá trình dài hạn chứ không thể hoàn thành ngay trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội chưa thu hút được các doanh nghiệp tham gia bởi lợi nhuận đem lại thấp hơn rất nhiều so với đầu tư xây dựng các loại nhà ở khác.
Cùng đó, thủ tục giải ngân gói 30.000 tỷ đồng khá chặt chẽ đây cũng chính là việc bắt buộc phải làm vì nguồn vốn ưu đãi này nhằm hỗ trợ một số đối tượng nhất định theo tiêu chí hỗ trợ. Trong quá trình thẩm định, xét duyệt, nếu không làm chặt chẽ, sai đối tượng sẽ dẫn đến lợi dụng, tham nhũng, làm thất thoát.
Tuy nhiên, trên thực tế không thể viện dẫn lý do thủ tục chặt chẽ để làm chậm quá trình giải ngân nguồn vốn này. Bởi vậy, không chỉ Bộ Xây dựng, Ngân hàng mà cả hệ thống chính quyền địa phương đều phải nhập cuộc để giảm thiểu những thủ tục không cần thiết và hỗ trợ người dân xác nhận điều kiện được mua nhà một cách thuận lợi nhất. Khi người dân có nhu cầu và đã đủ tiêu chuẩn mua nhà rồi thì phải được hỗ trợ; sự ưu đãi được hướng tới đối tượng thuê và mua nhà ở xã hội.
Cùng đó, các loại hình nhà ở xã hội, các doanh nghiệp và cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội sẽ được hưởng các chế độ, chính sách ưu tiên rõ ràng.
Về phía doanh nghiệp, các dự án nhà ở xã hội quy mô lớn, ngoài việc được hưởng các chính sách hỗ trợ còn được để lại 20% diện tích đất để xây dựng nhà ở thương mại nhằm tăng nguồn thu.
Đáng chú ý, điều kiện mua nhà của người dân cũng được “nới lỏng” hơn khi điều chỉnh tiêu chuẩn bình quân dưới 8m2/đầu người là có thể được đăng ký mua nhà ở xã hội thay vì quy định dưới 5m2/đầu người như trước đây.
Phát triển nhà ở xã hội cũng chính là một trong những vấn đề cốt lõi để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, thông qua việc khắc phục lệch pha cung-cầu.
Việc điều chỉnh cơ cấu hàng hóa một cách hợp lý sẽ khiến sản phẩm bất động sản phù hợp và theo sát với nhu cầu thực cũng như khả năng thanh toán của đại đa số người mua. Nhà ở xã hội là thị trường nhà ở phi hàng hóa, có cung, có cầu, có cạnh tranh nhưng được sự hỗ trợ của nhà nước.
Ngày 10/1/2014, Nghị định 188 có hiệu lực với nhiều điểm mới trong phát triển và quản lý nhà ở xã hội sẽ khuyến khích tăng nhanh loại hình nhà ở này.
Theo TTXVN