Vừa qua, Kiểm toán Nhà nước đã công bố Kết quả kiểm toán Chương trình nhà ở xã hội tại 3 huyện, quận của TP. Hà Nội là Đông Anh, Thanh Trì và Long Biên giai đoạn từ 2015-2018.
Liên quan tới việc phối hợp của các cơ quan chức năng trong phát hiện xử lý những trường hợp vi phạm mục đích sử dụng nhà ở xã hội, Kiểm toán Nhà nước cho hay, các quy định hiện hành chưa nêu rõ trách nhiệm theo, phát hiện, xử lý trường hợp vi phạm mục đích sử dụng loại hình nhà ở này, cũng không đảm bảo giải quyết đầy đủ các trường hợp vi phạm mục đích sử dụng, chưa đề cập cơ chế trao đổi, phối hợp, cung cấp thông tin giữa các cơ quan chức năng với nhau (Công an, Sở Xây dựng). Mặt khác, quy định hiện hành cũng không ràng buộc được trách nhiệm giám sát, kiểm tra của chủ đầu tư nhà ở xã hội.
|
Kiểm toán Nhà nước cho biết, Hà Nội chưa kiểm tra việc bán nhà ở xã hội sai đối tượng. |
Kiểm toán Nhà nước thông tin: "Sở Xây dựng Hà Nội chưa cung cấp được các kế hoạch kiểm tra cũng như phát hiện xử lý trường hợp vi phạm mục đích sử dụng nhà ở xã hội theo chức năng nhiệm vụ được giao".
Theo thông tin từ cơ quan này, Sở Xây dựng TP. Hà Nội chưa kiểm tra, phát hiện xử lý việc bán nhà ở xã hội sai đối tượng. Do đó, Kiểm toán Nhà nước đề nghị UBND TP. Hà Nội cần chỉ đạo các đơn vị, cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, thanh tra, rà soát nhằm đảm bảo không sử dụng sai mục đích nhà ở xã hội. Những đối tượng mua nhà thông qua hình thức công chứng hợp đồng ủy quyền toàn diện hoặc đã có nhà và không phải thu nhập thấp vẫn được mua nhà ở xã hội cần được xử lý nghiêm.
Có không ít trường hợp nhà ở xã hội trên địa bàn TP. Hà Nội bán sai đối tượng, bán cho người giàu. Những người này sau đó bán lại để hưởng chênh. Đáng chú ý là vụ việc ba người nhà Phó Tổng giám đốc - chủ đầu tư một dự án nhà ở xã hội ở Tây Nam Linh Đàm được xét duyệt mua nhà tại dự án này.
Theo báo cáo kiểm toán, việc phát triển nhà ở xã hội của TP còn tồn tại một số hạn chế. Tính đến tháng 5/2019, TP chưa có văn bản hướng dẫn quy định cụ thể về tiêu chí xét duyệt theo thứ tự ưu tiên với những đối tượng có nhu cầu thuê mua, thuê, mua nhà ở xã hội. Thay vào đó, việc xét duyệt thứ tự ưu tiên với các đối tượng có nhu cầu mua nhà ở xã hội về cơ bản vẫn thực hiện theo quy định của UBND TP từ năm 2010 (trước thời điểm Luật Nhà ở năm 2014 cũng như Nghị định số 100 của Chính phủ chính thức có hiệu lực).