Là đô thị của một đất nước có tốc độ phát triển nhanh, Hà Nội (HN) đang đối mặt với một số vấn đề nghiêm trọng trong quá trình đô thị hoá như nạn ô nhiễm, hạ tầng cơ sở kém, không gian sống chật chội...
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với giáo sư (GS) Jah Gehl (Đan Mạch) - một trong những GS nổi tiếng thế giới về kiến trúc đô thị lấy con người làm trọng tâm - người được Sở Quy hoạch kiến trúc HN mời thăm để tư vấn về vấn đề quy hoạch đô thị ở HN.
- Ở các nước phát triển, việc quy hoạch thành phố (TP) được đánh giá thành công hay không thể hiện ở việc góp phần nâng cao đời sống người dân. Kiến trúc quy hoạch được coi là vấn đề nhân bản nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống tốt hơn. Ông có thể giới thiệu những khái niệm mới về các TP mà Đan Mạch là nước đi đầu?
- Bắt đầu từ những năm 1960 - 1970, cuộc sống hiện đại tràn vào các TP bằng những phương tiện giao thông và các kiến trúc sư đã bắt đầu phải nghĩ cách làm thế nào để TP chứa đựng được các phương tiện giao thông đó. Một nhà kiến trúc tốt phải đảm bảo được sự tương tác giữa kiến trúc và con người. Tôi đã bắt đầu nghiên cứu vấn đề này từ cách đây 40 năm.
TP. Copenhagen (Đan Mạch) thực sự đổi mới từ 1962 và nhiều năm nay liên tục đổi mới. Hiện nay các khu phố đi bộ nhiều hơn tuyến đường ô tô, các phương tiện giao thông công cộng và các khu sinh hoạt cộng đồng ngày càng chiếm ưu thế trong TP. Ở Copenhagen, mỗi năm người ta lại thu hẹp dần chỗ đỗ xe và đường đi của ô tô. Nhiều người thắc mắc: làm thế nào để chúng tôi có thể đỗ được xe trong TP? Càng ngày người ta thấy việc đỗ xe khó khăn thì người ta không dám mua xe ô tô nữa. Hiện nay phương tiện giao thông chủ yếu ở Copenhagen là đi xe đạp và đi bộ, nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người đi xe đạp. Trên đường, người đi bộ và đi xe đạp được ưu tiên nhường đường. Bên cạnh đó, nhà nước cũng khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Chúng tôi phấn đấu đến 2015 ở Copenhagen người đi bộ sẽ nhiều hơn. Trong tương lai HN làm được như vậy thì thật tuyệt vời.
- Được biết ông đã từng đi nhiều nước trên thế giới để nghiên cứu vấn đề kiến trúc đô thị. Ông có thể chia sẻ những điều ông tiếp nhận trong những chuyến đi đó?
- Qua khảo sát chung của nhiều nước trên thế giới, ở các TP trước đây bao giờ đường cũng có vỉa hè rộng dành cho người đi bộ, người ta có thể dắt con đi chơi, đứng lại trò chuyện... Nhưng hiện nay, hình ảnh các TP hiện đại đã khác, các phương tiện giao thông chật kín đường, muốn sang đường đứng mãi mà không dám đi.
Ở TP. Seoul (Hàn Quốc) ngày trước trong TP có một con sông, đã có lúc người ta cho lấp con sông đó để làm đường cao tốc, kết quả là đường lúc nào cũng chật cứng ô tô. Cuối cùng, để giảm bớt lưu lượng xe, người ta đã lại phải khôi phục lại con sông. Còn ở Luân Đôn, người ta thu phí các phương tiện khi đi vào các khu phố làm tắc nghẽn giao thông. TP. Menbern của Úc vốn tai tiếng là TP cũ, bụi bặm (những năm trước 1985), nhưng sau đó họ đã có những thay đổi lớn, phần đường dành cho người đi bộ rất rộng, trồng nhiều cây xanh, xây dựng nhiều công trình công cộng. Hiện nay Menbern được coi là cung điện của thế giới hiện đại, trở thành TP có điều kiện sống tốt nhất thế giới. TP. New York cũng bắt đầu công cuộc đổi mới mạnh mẽ từ 2002, quyết tâm trở thành TP rộng nhất, hiện đại nhất. Lãnh đạo TP quyết định phá bỏ nhiều tuyến đường dành cho ô tô, dành nhiều diện tích để làm vỉa hè và xây dựng công viên. Hay như Brazin - một nước đang phát triển, tương đồng với VN - là nước được coi là thành công nhất trong việc cải thiện giao thông, mọi thứ ưu tiên được dành cho xe buýt, mở rộng không gian cho người đi bộ. Hoặc TP. Bogota (Colombia) có sự thay đổi vượt bậc gắn với cuộc sống người dân. Kiến trúc sư đã đưa ra nhiều phương án thiết kế: ưu tiên đường cho người đi xe đạp, cho phép xe đạp đi với tốc độ 120km/giờ trong TP, phối hợp với các doanh nhân xây dựng các cửa hàng ở những tuyến đường đi bộ...
- GS có thể khuyên gì để có được không gian như vậy và nên giải quyết thế nào giữa tổ chức giao thông với nhu cầu của con người?
- Trong cuộc sống mỗi con người đều có một giấc mơ, giai đoạn đầu người ta mơ có xe đạp, sau đó mơ đến xe 4 bánh, nhưng đến giai đoạn 3 người ta lại chú ý đến vấn đề sức khoẻ và lại muốn trở về đi xe đạp để được hít thở bầu không khí trong lành. Hãy cố gắng làm cho TP chúng ta đẹp và đáng sống, nhưng phải có nét độc đáo riêng. HN đang có nhiều vấn đề về giao thông, nếu cứ để giao thông HN như hiện nay thì rất hỗn loạn. Cần phải đưa ngay ra biện pháp làm cho giao thông tốt lên từng ngày. Phải tìm cách tái tạo những khu vực đang để lãng phí thành công trình công cộng. Ở HN, tôi nhìn thấy còn nhiều công viên hình tam giác nằm ở các khu nhà, chúng ta có thể sử dụng chúng để nối với các toà nhà. Hay khu vườn hoa trước Nhà hát lớn có thể tạo ra không gian công cộng tuyệt vời...
Trong thực tiễn ở VN, phải cân bằng giữa giá trị tinh thần và giá trị kiến trúc, nghĩa là nó chỉ có được khi xã hội chuyển đổi đồng bộ. Phải vận động cả trong nhận thức vì tập quán mỗi nước khác nhau. Những kinh nghiệm và gợi ý của tôi chỉ là sự chia sẻ để các bạn tham khảo.
- Xin cảm ơn ông.
(Theo SKĐS)