SearchNews

KTS Nhật và gợi ý cho nhà phố Việt

27/11/2008 08:42

Lấy ví dụ từ các công trình ở quê hương, kiến trúc sư nổi tiếng người Nhật Bản, Tadao Ando, cho rằng Việt Nam cần phải xây dựng nhà ở hài hòa cùng thiên nhiên, không chỉ với những công trình lớn, mà ngay cả các căn nhà phố chật hẹp.

Lấy ví dụ từ các công trình ở quê hương, kiến trúc sư nổi tiếng người Nhật Bản, Tadao Ando, cho rằng Việt Nam cần phải xây dựng nhà ở hài hòa cùng thiên nhiên, không chỉ với những công trình lớn, mà ngay cả các căn nhà phố chật hẹp.

Kiến trúc sư từng đoạt giải thưởng Pritzker danh giá, Tadao Ando, hôm 25/11, đã có mặt tại Hà Nội và giao lưu với các kiến trúc sư, sinh viên kiến trúc. Ông đã đưa ra một số kinh nghiệm trong suốt nửa thế kỷ theo nghề và khẳng định, Hà Nội cũng như các thành phố khác của Việt Nam cần chú trọng tới yếu tố thiên nhiên khi xây dựng, điều mà nhiều công trình ở Nhật Bản không thể thực hiện được trong nhiều năm qua và đang phải hối tiếc. Để có một đô thị bền vững, cần phải có sự kết hợp giữa con người, văn hóa và màu xanh.

Cách đây khoảng hơn 40 năm, khi đang chập chững vào nghề, ông Ando từng nhiều lần gợi ý cho chính quyền thành phố Osaka về ý tưởng xây dựng những tòa nhà cao tầng nên tạo những mảng xanh ở mái, bố trí trên đó những công trình công cộng như bảo tàng, khu triển lãm... Thế nhưng, mọi ý tưởng của ông đều bị phản đối. Cho đến bây giờ, ông vẫn cho rằng, dù là công trình nhà ở tại thủ đô Tokyo hay thành phố Osaka quê hương ông, thì việc xây dựng luôn phải gắn với ý tưởng về những mái nhà xanh. Khi mà hiện tượng hiệu ứng nhà kính xảy ra, nhiệt độ trái đất nóng lên thì tăng thiên nhiên cho đô thị là việc làm hoàn toàn dễ hiểu. Người dân sẽ cảm thấy thoải mái, tự hào và cảm thấy cuộc sống có sức hấp dẫn. Chính vì thế, công trình của ông thường không bao giờ cao quá những ngọn cây trồng hai bên đường, nhưng ngược lại, đi sâu vào lòng đất. Cầu thang luôn được thiết kế rộng và dài để tạo những khoảng lưu thông thoải mái.

Tiểu khu phố Rokko Housing I ở Kobe hoàn thành năm 1983 là một trong những công trình đầu tiên của Tadao Ando gây được sự chú ý của các kiến trúc sư quốc tế. Tổ hợp này nằm trên sườn dốc tới hơn 60 độ của núi Rokko. Cả dự án là một khối bê tông và kính trắng, nhưng điều đặc biệt, thể hiện rõ nhất tư tưởng thiết kế của Ando ở đây là đã tạo được sự tương phản hoàn toàn với vách núi đầy cây xanh phía sau. Mảng xanh không chỉ hiện diện nơi lưng công trình mà xuất hiện cả trên từng nóc các căn nhà dốc bậc. Chính vì vậy, 20 căn nhà ở đây với kích thước 5,4 x 4,8 m, không quá cao, nhưng mỗi căn đều có một tầm nhìn xanh thừa hưởng từ người láng giềng bên dưới và đặc biệt thoáng khi nhìn thẳng ra cảng Kobe. Từ sự thành công của dự án này, Ando gợi ý: "Tôi cổ vũ cho những ý tưởng tận dụng các tầng mái của những công trình cho việc xây dựng những công trình công cộng, tạo những mảng xanh chung, điều mà Hà Nội hoàn toàn có thể thực hiện”.

Với Ando, các công trình đều tìm đến cách sử dụng lớp xi măng tráng đơn giản. Rộng, phẳng và xám có thể không phải là công thức cho sự dễ chịu nếu bạn lần đầu tiên bị ấn tượng bởi một mặt tiền căn nhà của Ando. Nhưng chính những mảng tường lớn, đơn giản của ông luôn tạo nên những giới hạn rõ rệt cho ngôi nhà. Đó là những mảng tường ngăn cách giữa trong và ngoài, giữa những sôi động, hỗn loạn của cuộc sống đô thị và một không gian riêng tư của mỗi gia đình. Căn nhà có tên Azuma House tại Osaka là một ví dụ.

Đây là một công trình điển hình của nhà ở trong đô thị chật hẹp, không khác gì những dãy nhà phố san sát, liền vách tại Việt Nam hiện nay. Nhưng thay vì chọn giải pháp mở bung mặt tiền, trổ càng nhiều cửa càng tốt như cách làm thông thường, Ando đã “thu mình” lại, gói gọn toàn bộ ý tưởng vào không gian bên trong. Thành công được đánh giá cao nhất ở căn nhà được xây dựng từ năm 1975 này, theo ông Ando, là việc đã tạo được khoảng sân vườn giữa ngôi nhà. Đây là cách làm có vẻ không mới so với những căn nhà cổ (diện tích và mặt tiền khá rộng), nhưng có thể được coi là một đột phá rất hiện đại ở thời điểm cách đây hơn 30 năm. Vì thế, với một mặt tiền có vẻ "thiếu thiện cảm", căn nhà không những không bị hạn chế về ánh sáng, nắng và gió, mà ngược lại, các không gian sinh hoạt đều tràn ngập thiên nhiên.

Khẳng định về giải pháp cho nhà phố nói chung, Ando cho biết: "Các ngôi nhà phố ở đô thị, thành phố lớn cần phải đạt được sự cân đối giữa yếu tố thiên nhiên trong nhà và yếu tố cá nhân của chính người sử dụng. Đạt được điều này, chúng mới tồn tại được lâu trong xã hội hiện đại, không trở nên lạc lõng khi thời thế thay đổi”. 

Linh Hương

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu