SearchNews

Loạn số nhà ở Đà Nẵng

25/10/2007 10:05

Số nhà chẵn, lẻ, tăng, giảm... rối tung và không theo một trật tự nào. Đó là tình trạng đang tồn tại ở các hộ dân đường Hải Phòng (Đà Nẵng) nối dài. Sự lộn xộn này khiến việc làm ăn, sinh hoạt của dân trở nên khốn khổ.

Số nhà chẵn, lẻ, tăng, giảm... rối tung và không theo một trật tự nào. Đó là tình trạng đang tồn tại ở các hộ dân đường Hải Phòng (Đà Nẵng) nối dài. Sự lộn xộn này khiến việc làm ăn, sinh hoạt của dân trở nên khốn khổ.

Đường Hải Phòng (đoạn từ ga Đà Nẵng đến giáp đường Điện Biên Phủ) được mở rộng và nâng cấp từ hẻm thành đường chính từ năm 2001, và cũng từ đó người dân ở đây tự đặt số nhà cho mình. "Thà cứ để như hồi chưa giải tỏa còn có số nhà theo thứ tự. Bây giờ mỗi nhà đặt mỗi số tùy ý thích, rối loạn cả lên", ông Phạm Viết Tám, tổ trưởng tổ 6, nói. Để chứng minh, ông Tám chỉ vào các số nhà cùng một bên đường: "Đang là số 495 tự dưng quay lại 264, 265, rồi 455. Bên kia đường thì 335, 336, 337. Chỗ thì chẵn lẻ cùng dãy, nơi lại tăng giảm không biết theo trật tự gì”.

Cũng theo ông Tám, vì dân ở đây xin số nhà như đi "ăn xin" từ mấy năm nay mà không có đơn vị nào đứng ra "cho số", nên người dân phải nghĩ ra cách cứ theo số trong sổ hộ khẩu của nhà mình mà đặt cho số nhà. Thế mới có chuyện số má rối như canh hẹ thế này. Cũng từ đó bao nhiêu rắc rối nảy sinh.

Chị Phạm Thị Mỹ Liên, chủ Công ty Thành Phước, cho biết nhà chị (cũng là trụ sở công ty) ở mặt tiền, vậy mà số nhà lại là 339B/12 Hải Phòng để khỏi lẫn lộn trong giao dịch với khách hàng, thế nhưng vẫn chưa hết rắc rối. "Có hôm tôi đợi mấy xe hàng mãi không thấy, điện thoại thì đối tác nói đã giao đúng số nhà. Hóa ra họ giao cho nhà 339 bên kia đường và người giúp việc không biết nên cứ nhận hàng. Lại phải thuê công nhân, thuê xe mang hàng về", chị Liên lắc đầu. Chưa hết, những giấy tờ làm ăn do đối tác gửi qua thư phát nhanh SMS, công ty toàn phải xuống nhà cùng số để lấy. Và "bi kịch" vẫn chưa dừng lại. Khi con chị Liên thi đậu đại học đã có kết quả rồi mà chờ hoài chẳng thấy giấy báo. Cả nhà chia nhau đi tìm mãi mới thấy, đúng vào lúc sắp hết hạn nhập trường.

Nằm gần nhà của chị Mỹ Liên nhưng nhà anh Võ Đắc Tân lại mang số 336A. Anh Tân bảo rằng phải gắn thêm chữ A để tránh lộn với nhà số 336 cách đó không xa. "Thằng con tôi đang học đại học ở TP HCM, phải gửi giấy xác nhận đang là sinh viên để xin hoãn nghĩa vụ quân sự. Thế mà giấy tờ vẫn bị lạc, tôi phải lên phường giải thích mãi mới được", anh Tân ngán ngẩm. Lần sau để chắc ăn, anh phải bảo con ghi thêm trên bì thư là nhà ở gần siêu thị Đà Nẵng. Cũng vì số nhà này mà hôm vợ anh đang nấu cơm thì hết gas, gọi xe chở tới nhưng chờ cả buổi không thấy, trong khi người giao gas lại tìm không ra.

Khốn khổ cho cả khách đến nhà chơi, tốn nhiều tiền xe ôm hay taxi mà vẫn tìm không ra. "Sau này chúng tôi buộc phải qui ước cho người quen cứ đến siêu thị Đà Nẵng hay Bưu điện Tân Chính thì gọi để người nhà ra chở về, dù nhà ở ngay mặt tiền", ông Tám cho biết. Thêm những người khốn khổ khác nữa là các nhân viên thu tiền điện, nước, điện thoại mới đổi địa bàn, phải nhờ ông tổ trưởng dân phố mang đến từng người mới yên tâm.

Ai "cho" dân số nhà?

Sau khi nhận được đơn xin gắn số nhà, ngày 30/11/2005, UBND TP Đà Nẵng đã có phiếu chuyển cho Sở Tài nguyên Môi trường yêu cầu kiểm tra, xử lý, trả lời đơn cho công dân và báo cáo UBND TP trước ngày 20/12/2005. Tiếp đó, ngày 19/6, UBND TP Đà Nẵng giao Sở Tài nguyên Môi trường căn cứ nghị quyết của HĐND TP để gắn số đối với nhà mặt tiền và nhà trong kiệt của đường Hải Phòng.

Người dân ở đường Hải Phòng vui mừng vì những tín hiệu tích cực đó, nhưng chờ mãi chẳng thấy số mới đâu. Ngày 10/8, Sở Tài nguyên Môi trường lại có công văn trả lời: việc đánh số và gắn biển số nhà, UBND TP đã giao UBND các quận, huyện thực hiện. Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Đà Nẵng, Nguyễn Điểu, cho biết thêm: "Việc gắn số nhà đã được chúng tôi bàn giao lại chính quyền địa phương thực hiện theo đúng quy định của TP".

Chủ tịch UBND phường Chính Gián Hoàng Quốc Cường cho hay phường đã thu hồi các số nhà cũ ở kiệt đường ray để lắp cho các nhà mặt tiền của đường Hải Phòng. Tuy nhiên, người dân trong kiệt này không chấp nhận với lý do từ lâu nay họ đã quen giao dịch, buôn bán bằng số nhà cũ, nếu thay đổi sẽ đảo lộn mọi thứ. Dù đã vận động bằng nhiều cách, nhưng người dân trong kiệt này vẫn chưa chấp nhận. Phường Chính Gián buộc phải chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên mới quyết định được vấn đề này.

(Theo Tuổi Trẻ)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu