Điều đáng nói, những chỉ số này được cho là phục vụ người bán nhiều hơn người mua. Trong khi đó người mua vẫn lạc giữa biển thông tin.
Theo Dự thảo Thông tư về xây dựng, quản lý và sử dụng thông tin về nhà ở và thị trường BĐS, các chỉ tiêu thống kê gồm: Giá giao dịch BĐS, lượng giao dịch BĐS, lượng nhà ở khởi công, lượng nhà ở hoàn thành, giá giao dịch bình quân nhà ở xây mới. Các chỉ tiêu này được cập nhật định kỳ hằng tháng và tổng hợp cho cả năm.
Loay hoay
Trách nhiệm của từng đơn vị cũng được dự thảo phân định cụ thể. Trong đó, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc thực hiện các quy định về xây dựng, quản lý, khai thác sử dụng, cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS tại các địa phương.
Trung tâm Thông tin (Bộ Xây dựng) có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Viện Kinh tế xây dựng tổ chức xây dựng hệ thống phần mềm thống nhất để khai thác, vận hành, khai thác hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS.
Dự thảo dự kiến có hiệu lực ngày 1/4/2016. Tuy nhiên, qua 2 tháng, thông tư vẫn chưa được ban hành.
Một lãnh đạo của Viện Kinh tế Xây dựng (đơn vị chủ trì soạn thảo) cho biết, dự thảo đang trong quá trình lấy ý kiến của các đơn vị liên quan. Trước đó, Bộ Xây dựng từng ban hành Thông tư 20 (2010) về việc xây dựng thí điểm chỉ số BĐS tại 4 thành phố lớn (Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ). Tuy nhiên, chương trình thí điểm này sớm thất bại khi thị trường BĐS đóng băng.
Báo cáo về thị trường BĐS liệu có phải là truyền thông ngầm cho chủ đầu tư
Báo cáo hay quảng bá ngầm?
Trong khi cơ quan nhà nước còn loay hoay với bộ chỉ số thông tin, các địa phương còn tùy hứng, nhiều đơn vị tư vấn BĐS đua nhau đưa ra những nhận định khác nhau.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Hà Nội mới chỉ đưa ra được danh sách chủ đầu tư đủ điều kiện bán hàng. Đây là một trong những quy định về Luật kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở. Còn chỉ số thị trường BĐS liên quan đến giao dịch được đơn vị này công bố hằng quý, nhưng chỉ mang tính chất tham khảo và không toàn diện.
Theo một lãnh đạo Sở Xây dựng Hải Dương, đơn vị không đủ người nên thiếu cơ sở dữ liệu thống kê được các dự án nhà ở, diện tích văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại…đang có trên thị trường hoặc sẽ hoàn thành trong tương lai. Sự biến động về giao dịch và giá cả của các loại hình BĐS này cũng không được thống kê hay xác định chính xác.
Trong khi đó, định kỳ hằng quý và năm, các hiệp hội BĐS, đơn vị tư vấn như CBRE, Savills, Cushman&Wakefield... cung cấp đều đặn những báo cáo của riêng mình. Các thông tin thường có sự vênh nhau. Đáng chú ý, chính những đơn vị tư vấn, hiệp hội này lại kiêm luôn chủ đầu tư và liên kết phân phối nhiều dự án BĐS trong cả nước. Và, như vậy việc đòi hỏi tính khách quan trong mỗi bản báo cáo là không thể (vì không chủ đầu tư nào dám nhấn mạnh điểm yếu về sản phẩm của mình).
Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Tổng giám đốc Công ty BĐS Thế Kỷ cho rằng, cần thiết xây dựng bộ thông tin về thị trường BĐS. Không khó để tiếp nhận thông tin nhưng mức độ chất lượng thông tin chính xác, cập nhật đến đâu mới là vấn đề.
Những thông tin quy hoạch hoặc về BĐS sơ cấp, nguồn quỹ đất yêu cầu có độ chính xác cao và tính thực tiễn chứ đưa ra một quy hoạch chung chung quá khó để doanh nghiệp lập dự án chi tiết. Hiện, những số liệu thống kê từ cơ quan nhà nước cho đến đơn vị tư vấn chưa bao quát toàn bộ thị trường.
Còn PGS.TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế cho biết, tại Singapore đang áp dụng khá thành công mô hình Cơ quan Quản lý và Phát triển nhà chịu trách nhiệm kết nối cung – cầu, cập nhật thường xuyên về giao dịch nhà ở, chuyển nhượng dự án. Ở Việt Nam, trách nhiệm này thuộc về Bộ Xây dựng - đơn vị thường trực và được giao thay mặt Chính phủ quản lý nhà ở và thị trường BĐS.
Để phục vụ cho nhu cầu thông tin chính thống của khách hàng, nhà đầu tư và để thị trường BĐS phát triển lành mạnh, an toàn thì cần có dữ liệu chuẩn và cơ chế kiểm tra chính thức các số liệu thu thập được để đưa ra thông tin chính xác về lượng và giá giao dịch BĐS ở các phân khúc.