Dự kiến, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, tháng 10/2022; kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2023 và thông qua tại kỳ họp thứ 6, diễn ra vào tháng 10/2023.
|
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội vào tháng 10/2022. Ảnh minh họa |
Theo phân tích của Bộ TN&MT, Luật Đất đai năm 2013 sau hơn 8 năm thực hiện đã bộc lộ những tồn tại, bất cập do thủ tục hành chính rườm rà, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, cản trở trong tiếp cận đất đai. Đặc biệt, nhiều vụ việc liên quan đến đất đai tiềm ẩn thiệt hại kinh tế, tham nhũng liên quan đến đất đai vẫn còn nhiều. Minh chứng là, tỷ lệ số vụ tố cáo, khiếu nại liên quan đến đất đai chiếm trên 70% số vụ tố cáo khiếu nại…
Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội, Bộ TN&MT được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013. Đồng thời, nghiên cứu quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".
Theo đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương với 237 điều. Mục đích của dự thảo là hoàn thiện hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả, tiết kiệm, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều điểm đổi mới đáng chú ý. Dự thảo quy định cụ thể hơn quyền và trách nhiệm của nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý đối với đất đai và quyền, nghĩa vụ của công dân đối với đất đai bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các quy định của Hiến pháp về sở hữu đất đai và quyền con người.
Hoàn thiện đồng bộ các quy định về xây dựng hệ thống quy hoạch sử dụng đất đai đồng bộ ở 3 cấp, gắn với quy hoạch đô thị, xây dựng, hạ tầng để đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau phát triển. Công khai, minh bạch bình đẳng trong giao đất, cho thuê đất, chủ yếu giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất nhằm huy động các nguồn lực xã hội...
Dự thảo nêu rõ, sẽ phân cấp thẩm quyền cho các địa phương trong quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn để khơi thông nguồn lực, đi đôi với kiểm soát chặt chẽ, thiết lập các cơ chế quản lý của trung ương, thông qua quy định về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai tập trung, thống nhất kiểm soát và quản lý mọi biến động của thửa đất được cập nhật theo thời gian thực từ địa phương về trung ương...
Tiếp tục hoàn thiện các quyền của người sử dụng đất để thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, vốn hóa thị trường, phát huy nguồn lực đất đai; mở rộng hạn mức, đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp cùng các cơ chế góp quyền sử dụng đất để thúc đẩy tập trung đất đai, tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp nông nghiệp.
Lam Giang (TH)
Link bài viết gốc
http://thanhnienviet.vn/2022/08/09/luat-dat-dai-sua-doi-phan-cap-tham-quyen-cho-cac-dia-phuong-trong-quan-ly-su-dung-dat-dai