Nhiều “ông lớn”, dự án nghìn tỷ vào danh sách nợ
Những tháng đầu năm 2017, TP Hà Nội tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ đọng. Việc rà soát, đôn đốc và phân loại nợ đối với các khoản nợ thuế phí, nợ nghĩa vụ tài chính về đất được các cơ quan đặc biệt quan tâm.
Số liệu từ Cục Thuế TP Hà Nội, tính đến 23/3/2017, số nợ trên địa bàn đã giảm hơn 1.050 tỷ đồng, giảm gần 6% so với thời điểm cuối tháng 12/2016. Đáng chú ý, tính đến 23/3, 14 chủ đầu tư dự án vẫn còn nợ số tiền sử dụng đất khá lớn là 3.242 tỷ đồng. Trong đó, nhiều chủ đầu tư dự án đã triển khai xây dựng hoặc đang bán hàng và hoàn thiện xây thô nhưng vẫn chậm nộp tiền sử dụng đất hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể, công ty CP Hải Phát nợ hơn 467 tỷ đồng tiền sử dụng đất của Dự án Hải Phát Plaza Đại Mỗ; Công ty CP BĐS Hanovid nợ hơn 43 tỷ đồng tại Dự án khu nhà ở cao tầng 430 Cầu Am (Phường Vạn Phúc - Hà Đông); Tổng Công ty HUD nợ 88 tỷ đồng tiền sử dụng đất tại Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật KĐT Mai Trai - Nghĩa Phủ (Sơn Tây); Dự án KĐT Kim Văn Kim Lũ của Vinaconex 2 nợ 249 tỷ đồng…
|
Dự án Goldsilk Complex 430 Cầu Am đã xây xong thô và đang hoàn thiện, nhưng chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Ảnh: Nha Trang |
Điều đáng nói là nhiều dự án nợ thuế lớn hiện nay chủ đầu tư khá có tiếng tăm, dự án đã xây xong thô, có nguồn thu, bán được hàng nhưng vẫn chây ì nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất. Đơn cử, Dự án nhà ở 430 Cầu Am đã xây xong thô, đã bán hàng và đang trong giai đoạn hoàn thiện. Còn Dự án Khu đô thị Kim Văn Kim Lũ của Vinaconex 2 đã hoàn thành một tòa 36 tầng (tòa D), tòa 36 tầng còn lại đã hoàn thành 60%, tòa 45 tầng đang thi công, khu nhà liền kề đã hoàn thành 90%. Việc bán hàng tại Dự án này khá tốt, thậm chí còn rất đắt hàng nhưng chủ đầu tư vẫn dây dưa nghĩa vụ tài chính với ngân sách.
Có dòng tiền vẫn dây dưa
Nguyên nhân nợ được nhiều DN đưa ra là do khó khăn thực sự về tài chính, một số DN gặp vướng mắc trong quá trình triển khai dự án. Song cũng có một số DN có dòng tiền thu về nhưng chưa tự giác trong thực hiện nghĩa vụ thuế.
Theo đại diện Công ty CP Hải Phát, đến 31/3, Dự án Hải Phát Plaza còn nợ là 95 tỷ đồng. “Hải Phát đã đàm phán với tổ chức tín dụng và được phê duyệt tài trợ nhưng việc thay đổi nhân sự cao cấp của tổ chức tín dụng (thay đổi tổng giám đốc) nên việc giải ngân bị ảnh hưởng” - ông Phạm Minh Tuấn - Phó Giám đốc Công ty CP Hải Phát cho hay.
Còn với Dự án 430 Cầu Am, chủ đầu tư cho biết, cuối năm 2016, Chi cục Thuế Hà Đông đã có văn bản cho phép DN này chậm nộp 78 tỷ đồng tiền sử dụng đất trong vòng 10 tháng, có sự bảo lãnh của ngân hàng. “Chúng tôi hứa thu xếp tài chính để nộp hết số nợ 42,8 tỷ đồng còn lại trong tháng 9/2017”- Chủ tịch HĐQT Hanovid cho biết. Tại Vinaconex 2 và Tổng Công ty HUD, hai chủ đầu tư này cam kết sẽ nộp hết số nợ còn lại chậm nhất vào cuối tháng 4/2017.
Xử lý mạnh
Ông Nguyễn Thế Mạnh - Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho hay, những tháng đầu năm 2017, Hà Nội tiếp tục triển khai nhiều giải pháp quyết liệt đôn đốc thu hồi nợ thuế, đặc biệt rà soát, đôn đốc các khoản nợ thuế, phí và nợ tiền sử dụng đất. Trong tháng 3, Cục Thuế TP Hà Nội đã đăng công khai thông tin nợ thuế của 262 DN với số thuế nợ là 2.203.769 triệu đồng. Đây là các DN đã được công khai nợ năm 2015, 2016 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành hay có cam kết sẽ thực hiện nghĩa vụ với ngân sách.
Sẽ tạo mọi điều kiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn để các DN, chủ đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tuy nhiên, trước tình trạng DN cố tình chây ì, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản khẳng định, TP sẽ áp dụng các biện pháp quyết liệt, kiên quyết không cấp phép dự án mới… để thu hồi nợ theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế. Phó Chủ tịch yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết về việc nộp đầy đủ, đúng tiến độ các khoản nợ vào ngân sách, tránh gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách năm 2017.