Số liệu trên được đưa ra trong Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016- 2020) cấp quốc gia của Bộ Tài nguyên và môi trường.
Cụ thể, theo Bộ Tài nguyên và môi trường, để đáp ứng phù hợp tỷ lệ đô thị hóa theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 12, đến năm 2020, sẽ có diện tích là 1.941,74 nghìn ha đất đô thị , tăng 424,59 nghìn so với năm 2010 và tăng 299,32 nghìn ha so với năm 2015.
Riêng đất ở tại đô thị có 199,13 nghìn ha, chiếm 10,25% đất đô thị (bình quân có 50 m2/người).
Mỗi người dân tại Hà Nội, Tp.HCM… sẽ có 50m2 đất ở vào năm 2020
Cũng theo tờ trình trên, Chính phủ đề nghị điều chỉnh đến năm 2020, diện tích đất trồng lúa sẽ giảm để phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, nhất là giao thông theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XII.
Đồng thời các địa phương cũng chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai.
Theo đó, đất trồng lúa, theo quy hoạch được Quốc hội quyết định đến năm 2020, diện tích đất trồng lúa là 3.812,43 nghìn héc ta, trong đó, đất chuyên trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên là 3.221,91 nghìn héc ta.
Chính phủ đề nghị điều chỉnh đến năm 2020, diện tích đất trồng lúa là 3.760,39 nghìn héc ta, giảm 52,04 nghìn héc ta, trong đó, đất chuyên trồng lúa nước giảm 92,95 nghìn héc ta.
Trong số 3.760,39 nghìn héc ta được giữ lại, có khoảng 400 nghìn héc ta được quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng khi cần thiết có thể quay lại trồng lúa.
Diện tích giảm tập trung chủ yếu tại các tỉnh như Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau.
Đồng thời, trong 3.760,39 nghìn héc ta đất trồng lúa, cho phép khoảng 400 nghìn héc ta được quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng được bảo vệ, không làm mất các điều kiện phù hợp để khi cần thiết vẫn trồng lúa trở lại nhằm mục tiêu vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vừa duy trì quỹ đất trồng lúa.
Theo Nhịp sống kinh doanh