|
Một góc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai |
Định hướng tổ chức không gian đô thị tại khu vực trong đồ án quy hoạch vùng Long Thành đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Hội đồng Thẩm định quy hoạch xây dựng tỉnh Đồng Nai thông qua. Trong đó, nhấn mạnh tập trung khai thác lợi thế quỹ đất và hạ tầng kinh tế, đồng thời tạo điểm nhấn đô thị tại vùng này.
Nội dung đề án quy hoạch cho biết, Đồng Nai sẽ phát triển toàn bộ huyện Long Thành trở thành đô thị. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, nâng cấp huyện Long Thành lên đô thị loại IV; đến năm 2030 lên đô thị loại III. Điều đó có nghĩa là huyện Long Thành sẽ trở thành thành phố - nơi có sân bay quốc tế, hệ thống giao thông hiện đại.
Đến năm 2040, Long Thành cơ bản là đô thị công nghiệp phát triển; mục tiêu đến năm 2050 sẽ trở thành một trung tâm đô thị - công nghiệp hiện đại, trung tâm thương mại dịch vụ chất lượng cao và vùng nông nghiệp công nghệ cao.
Theo quy hoạch, Long Thành trong tương lai là một đô thị với 5 phân vùng rõ ràng, gồm:
- Vùng công nghiệp đô thị - nông nghiệp công nghệ cao phía Nam sân bay Long Thành;
- Vùng đô thị chức năng đặc thù sân bay Long Thành;
- Khu vực dịch vụ thương mại - hỗn hợp phía Tây của huyện gồm các xã Phước Thái, Long Phước, Long An;
- Vùng đô thị Bình Sơn gồm các xã Bình Sơn, một phần các xã An Phước, Lộc An, Bình An, Long Ðức gần khu sân bay Long Thành;
- Vùng thị trấn Long Thành hiện hữu mở rộng thêm với khu phức hợp công nghiệp - đô thị dịch vụ gồm xã Tam An, một phần các xã Lộc An, Long Ðức, An Phước.
Bàn về đồ án quy hoạch vùng Long Thành, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cho hay, hồi tháng 3 năm ngoái, tỉnh đã phác thảo quy hoạch này với 3 phân khu: Đô thị Bình Sơn; đô thị Long Thành (thị trấn Long Thành mở rộng và khu phức hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ Long Thành); đô thị Phước Thái.
Thủ tướng Chính phủ sau đó đã có quyết định chấp thuận điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất công nghiệp, đất ở tại đô thị trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Trong đó, bổ sung 2 khu công nghiệp tại huyện Long Thành gồm Bàu Cạn - Tân Hiệp và Long Ðức 3 với tổng diện tích xấp xỉ 3.000 ha. Hiện tại, vùng kinh tế này đã có 5 phân vùng rõ rệt.
Lam Giang
Link bài viết gốc
http://thanhnienviet.vn/2021/05/05/nam-2030-long-thanh-se-len-thanh-pho