Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản cố đô Huế; xây dựng TP Huế trở thành một TP văn minh, hiện đại, xứng tầm quốc gia, khu vực và quốc tế; nâng cao vị thế của TP Huế xứng đáng với tên gọi là TP di sản, là trung tâm văn hóa du lịch của Việt Nam, trung tâm giáo dục, y tế của cả khu vực Trung bộ, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh TT-Huế; tập trung các nguồn lực phát triển kinh tế, phục hồi và nâng cao giá trị của các công trình kiến trúc chứa đựng di sản và văn hóa ở trong khu vực nội thị… là nội dung trong Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung (QHC) TP Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Bộ Xây dựng họp góp ý dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn.
Quy hoạch tổng thể xây dựng TP Huế và Điều chỉnh quy hoạch chung TP Huế đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1999, trong đó xác định xây dựng cố đô Huế trở thành một TP mang đặc tính dân tộc, hiện đại, đậm đà bản sắc và truyền thống; trở thành một trung tâm văn hóa – du lịch của cả nước, trung tâm giáo dục đào tạo và y tế chuyên sâu của khu vực kinh tế trọng điểm của miền Trung, đồng thời là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh TT-Huế…
Tuy nhiên, sau 14 năm thực hiện quy hoạch, cần được điều chỉnh cho phù hợp với tốc độ đô thị hóa và thu hút đầu tư ngày càng cao trong thời gian qua; có nhiều nội dung của đồ án quy hoạch hiện nay không còn phù hợp và không đáp ứng với thực tế phát triển của đô thị, gây ra nhiều khó khăn trong việc quản lý, đặc biệt là chức năng sử dụng đất, mật độ xây dựng, tầng cao… không có đất dự trữ phát triển đô thị
Phát triển theo mô hình cụm đô thị
Theo báo cáo của đơn vị tư vấn Hàn Quốc (Liên danh Cty kỹ thuật Dohwa và Viện nghiên cứu đô thị Han-A), phạm vi và ranh giới lập QHC bao gồm TP Huế hiện hữu (70,99km2) và khu vực định hướng phát triển, mở rộng đô thị thuộc phạm vi của thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và một phần huyện Phú Vang (thị trấn Thuận An và các xã lân cận) với tổng diện tích khoảng 348,54km2.
Dự báo dân số đến năm 2020 khoảng 615 nghìn người, năm 2030 sẽ là 674 nghìn người; đất xây dựng đô thị khoảng 10.412 ha năm 2020 và khoảng 12.190 ha vào năm 2030.
Với tính chất đô thị là một trong những trung tâm văn hóa và du lịch của cả nước đồng thời là di sản văn hóa, TP Festival cấp quốc gia và mang tầm quốc tế; là đầu mối giao lưu kinh tế trong vùng và trong trục hành lang thương mại quốc tế, điều chỉnh QHC TP Huế tập trung phát triển theo mô hình cụm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm và 4 đô thị phụ trợ (Hương Thủy, Thuận An, Hương Trà, Bình Điền); các đô thị được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai, bố trí dải cây xanh giữa các đô thị để phòng tránh lũ lụt và hạn chế sự phát triển đô thị lan tỏa không phù hợp; tạo lập thành cụm đô thị di sản - văn hóa - cảnh quan - thân thiện với môi trường.
Trong đó, định hướng phát triển đô thị trung tâm bao gồm khu vực trung tâm phía nam, phía bắc sông Hương và vùng mở rộng. Tăng cường phát triển các chức năng vốn có cuả trung tâm dịch vụ, du lịch, y tế, hành chính… của trung tâm đô thị hiện tại.
Khu vực mở rộng đô thị đảm nhận các chức năng khác của đô thị trung tâm, gồm giáo dục, công nghiệp tri thức, sinh thái, nghỉ dưỡng… để cung cấp các dịch vụ công cộng cho TP Huế; ưu tiên giữ gìn và phát triển các khu vực bảo tồn sinh thái lịch sử bằng việc mở rộng khu đô thị tới khu nông nghiệp và các khu vực xung quanh.
Tiếp tục nghiên cứu cấu trúc không gian đô thị để phát triển có hiệu quả cao; ưu tiên phát triển đô thị theo trục Bắc – Nam tại các khu vực được phép xây dựng phù hợp quy hoạch; chỉnh trang đô thị tại các khu dân cư hiện hữu của TP Huế.
Bên cạnh đó, trục phát triển kinh tế được củng cố phát triển theo trục Bắc - Nam (hướng Hương Trà - TP Huế - Hương Thủy), được tạo thành từ trục giao thông chính quốc gia, đồng thời theo cấu tạo của hành lang kinh tế Đông - Tây. Trục phát triển du lịch được thiết lập theo hướng từ Thuận An (phía đông TP Huế) và từ khu vực Bình Điền (thượng lưu sông Hương) đến TP Huế.
Ngoài ra, điều chỉnh QHC cũng đề cập đến định hướng phát triển các khu chức năng chính (gồm khu văn hóa, khu phát triển du lịch, khu phát triển giáo dục; phát triển chức năng công nghiệp tri thức; hệ thống không gian xanh; khu vực nông thôn) và định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật (phòng chống thiên tai, giao thông, cấp nước, thoát nước, xử lý CTR và nghĩa trang…)…
Cần làm rõ vai trò đô thị văn hóa đặc sắc của khu vực
Góp ý cho Đồ án, đại diện Hội KTS Việt Nam đánh giá, về mặt cơ sở pháp lý, xét theo Nghị định 37/2010/NĐ-CP về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Luật Quy hoạch đô thị của Việt Nam, tất cả nội dung nghiên cứu đảm bảo về trình tự, cơ sở lập. Hồ sơ sản phẩm, văn bản, bản vẽ trình bày khoa học, đảm bảo quy trình, trình độ, tính khả thi cao.
Phương pháp nghiên cứu, mang tính đô thị cao, nghiên cứu tổng thể, hệ thống các chiến lược phát triển cho từng phương án, đánh giá các tác động của quy hoạch với môi trường.
Về mô hình định hướng phát triển TP Huế, đồ án đề cập đến các khung liên kết về không gian, hạ tầng, điểm nhấn của định hướng đưa TP Huế trở thành TP trực thuộc Trung ương, nâng cấp đô thị Huế trở thành đô thị loại I.
Những nội dung được nghiên cứu mang tính nổi bật là tiền đề phát triển, chỉ tiêu; phương án bảo tồn văn hóa lịch sử, cảnh quan, phát triển không gian… Đưa ra trường hợp về đô thị lịch sử, tham khảo đô thị nghiên cứu đào tạo, đô thị du lịch ven mặt nước, đô thị thân thiện môi trường rất phù hợp với tính chất chức năng phát triển của TP Huế.
Tuy nhiên, đơn vị tư vấn cần bổ sung thêm xác định các tiền đề động lực phát triển cho TP Huế; ứng xử bảo tồn di tích văn hóa theo hướng phát triển công nghiệp tri thức, công nghệ cao; chính sách đầu tư tạo lập ra không gian linh hoạt ứng phó với biến đổi khí hậu, đô thị xanh, phát triển bền vững.
Bên cạnh đó cũng cần làm rõ trong báo cáo về cơ sở và sự cần thiết phải có vành đai 2. Đối với các đường vành đai phía bắc, lưu ý việc tạo ra vành đai xanh lớn kết hợp với vùng đầm phá phía bắc có đúng hay không; vai trò liên kết chia sẻ đối với Đà Nẵng, là hai cực phát triển đô thị mạnh về kinh tế, giao thương với Lào và Campuchia; lưu ý về giải pháp giao thông đặc biệt là giao thông đường sắt.
Khai thác trục cảnh quan giao thông sông Hương sâu hơn nữa và cụ thể hóa bằng không gian, quy mô, kiến trúc cảnh quan, đóng vai trò là đô thị văn hóa đặc sắc của khu vực.
Bên cạnh đó, Cục Hạ tầng – Kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cũng lưu ý đơn vị tư vấn cần phân tích rõ hiện trạng và đưa vào đồ án đánh giá điều kiện tự nhiên thuận lợi, bất lợi tác động lên xây dựng phát triển đô thị TP Huế; cần có đánh giá tổng quan về địa chất công trình, thủy văn, bản đồ ngập úng đô thị để lựa chọn hướng phát triển; làm rõ hiện trạng xây dựng hạ tầng, nước thải, lấp đầy, giao thông đối ngoại, đô thị mang tính định lượng.
Về phòng chống thiên tai, chuẩn bị kỹ thuật nên phân tích ngập úng đô thị trên bản đồ ngập úng theo quy mô, thời gian, khu vực ngập úng, xây dựng công trình chống ngập… làm rõ chất lượng nguồn, khả năng nhiễm mặn; thoát nước, xử lý nước thải, cáp điện cần bổ sung số liệu mang tính chất định lượng; nhận xét kỹ hơn về sự phân bố hiện trạng nghĩa trang; làm rõ hơn tiêu chí phát triển đô thị theo hướng công nghiệp trí thức…
Đặc biệt, đơn vị tư vấn cần cân nhắc tính toán cao độ nền các khu vực, nên có giải pháp tạo nhiều hồ điều hòa, liên kết bằng các mạng lưới thoát nước.
Qua ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn đánh giá, đây là đồ án có sự tham gia 100% của nước ngoài, khối lượng công việc tương đối lớn, đơn vị tư vấn làm khá công phu.
Tuy nhiên, phần trình bày chưa rõ ràng, thiết kế đô thị có nhắc đến nhưng sơ lược, chưa có phối cảnh, mô hình, cách trình bày từ thuyết minh đến bản vẽ chưa có sự liên kết; định hướng không gian, hạ tầng kỹ thuật, vấn đề về nông thôn chưa được làm rõ; số liệu cập nhật cũ…
Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị đơn vị tư vấn chỉnh sửa lại đồ án theo ý kiến đóng góp của chuyên gia phản biện và thành viên hội đồng thẩm định; đề nghị UBND tỉnh TT-Huế chỉ đạo đơn vị tư vấn làm rõ nét hơn về phát triển du lịch, di sản, đưa thêm chức năng y tế, giáo dục, quy mô, dự kiến làm như thế nào; bổ sung thêm đánh giá thực trạng, dự báo về đất đai, dân số, lao động; đánh giá ứng phó với biến đổi khí hậu đưa vào đồ án mang tính hình thức nên cần phải thêm phần ứng xử với biến đổi khí hậu, kiến trúc nhà ở phòng chống bão lũ…; tập trung chỉnh sửa, bổ sung đầy đủ các nội dung được yêu cầu, sớm hoàn thiện đồ án để thông qua chậm nhất cuối tháng 12/2013.
Theo Baoxaydung.