Dự án trên được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội sở hữu nhà ở cho hàng nghìn công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp.
Giới chuyên nhận định, hiện nhu cầu về nhà ở xã hội đang rất lớn. Thế nhưng, so với khả năng tài chính của người dân, mức giá của loại hình nhà ở này vẫn còn quá cao nên người mua khó tiếp cận được. Mặt khác, khách mua nhà cũng đang thiếu sự hỗ trợ của tín dụng giá rẻ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, người dân cũng e ngại với nhà ở xã hội bởi chất lượng nhà chưa đảm bảo.
|
Người thu nhập thấp vẫn khó tiếp cận nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội do mức giá còn quá cao so với khả năng tài chính. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet). |
Theo TS. Lê Duy Hiếu (Viện Kinh tế Việt Nam), dịch vụ sau bán hàng của nhà ở xã hội hiện còn rất kém. Chất lượng nhà ở không cao so với các phân khúc khác. Sau một thời gian sử dụng, nhà có hiện tượng thấm dột, xuống cấp, hư hỏng. Mặt khác, theo quy định, loại hình nhà ở này phải sau 5 năm mới được chuyển nhượng.
Ông Hiếu cho rằng: “Tất cả những yếu tố đó đang gây ấn tượng xấu cho người tiêu dùng là nhà ở xã hội không phải là một ngôi nhà mong ước. Nếu như trước đây người ta choáng ngợp với nhà ở xã hội là giá rẻ, thấp và tốt cho người tiêu dùng thì nay những quan điểm đó đang dần dần bị phai mờ”.
Trước thực trạng đó, các chuyên gia đề xuất, Nhà nước cần thành lập cơ quan quản lý, phát triển nhà cấp quốc gia với các đại diện là Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên - Môi trường. Theo đó, các bộ này cần đưa ra những chính sách, giải pháp cụ thể trong việc phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội để phân khúc nhà ở này thực sự dành cho người nghèo, người có thu nhập thấp trong xã hội.