SearchNews

Nhiều cơ quan không chịu giao nhà

10/12/2006 15:14

Theo quy định, cuối năm nay các cơ quan quản lý nhà thuộc sở hữu nhà nước (SHNN) phải bàn giao nhà cho cơ quan hữu quan quản lý để hóa giá cho người dân. Thế nhưng đến nay, nhiều đơn vị vẫn chưa muốn bàn giao nhà.

Theo quy định, cuối năm nay các cơ quan quản lý nhà thuộc sở hữu nhà nước (SHNN) phải bàn giao nhà cho cơ quan hữu quan quản lý để hóa giá cho người dân. Thế nhưng đến nay, nhiều đơn vị vẫn chưa muốn bàn giao nhà.

Ông N.Q.T. ở khu nhà tập thể 48C đường Nghĩa Phát (phường 6, quận Tân Bình, TP HCM) cho biết năm 1980 gia đình ông được Xí nghiệp Xây lắp công trình (nay là Công ty cổ phần Xây lắp công trình) cấp cho căn hộ tầng 1, có hợp đồng thuê nhà. Nhiều năm qua, gia đình ông đóng tiền thuê nhà đầy đủ. Trong quá trình thuê, hầu hết người dân tự bỏ tiền sửa chữa nhà để ở. Khu nhà có 31 hộ, trước đây từng là cán bộ nhân viên của công ty. Gần đây, người dân yêu cầu công ty bàn giao nhà cho các cơ quan quản lý nhà đất TP để hóa giá theo nghị định 61 nhưng công ty không đồng ý.

Trong thông báo gửi các hộ dân, Giám đốc Công ty cổ phần Xây lắp công trình, Nguyễn Thanh Hùng, cho rằng khu nhà trên thuộc chủ quyền công ty, không thuộc diện quản lý của Nhà nước nên không hóa giá theo nghị định 61 của Chính phủ. Do vậy công ty không đồng ý giải quyết hóa giá cho tất cả hộ đang cư ngụ tại khu tập thể 48C Nghĩa Phát.

Cũng theo ông Hùng, khu nhà ở này đã được công ty đưa vào cổ phần hóa. Công ty đang lập thủ tục sử dụng đất tại khu nhà ở và một phần đất thuộc công ty xây dựng chung cư, với khoảng 300 căn hộ. Những hộ đủ điều kiện sẽ được bố trí tái định cư, công ty hỗ trợ một phần, phần còn lại người dân trả góp.

Tuy nhiên, các hộ dân tại đây không đồng tình với chủ trương xây dựng chung cư và cho rằng khu nhà ở này là nhà Nhà nước cấp làm nhà ở cho cán bộ nên không thể đưa vào cổ phần hóa. Các hộ dân đặt vấn đề: có hay không sự nhập nhằng giữa tài sản công và tài sản tư khi thực hiện dự án chung cư này?

Không riêng gì khu nhà tập thể trên, hiện nay hàng ngàn hộ dân khác cũng trong tình trạng tương tự. Trong khi người dân sốt ruột mong các cơ quan quản lý sớm bàn giao nhà đất cho các cơ quan hữu quan hóa giá thì các đơn vị đang quản lý lại cứ đủng đỉnh, muốn giữ lại để thu tiền thuê hoặc đề xuất làm dự án kinh doanh...

Không chuyển giao phải chịu trách nhiệm

Từ năm 1994, nghị định 61 của Chính phủ quy định: “Nhà ở thuộc SHNN do các cơ quan hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang, đoàn thể nhân dân, tổ chức chính trị, xã hội, các doanh nghiệp nhà nước hiện đang quản lý mà thuộc diện được bán thì phải lập phương án chuyển giao cho bên bán theo đúng thủ tục do pháp luật quy định”.

Cuối năm 2004, Thủ tướng tiếp tục có chỉ thị yêu cầu tất cả các bộ, ngành... đang quản lý quỹ nhà ở thuộc SHNN phải hoàn thành việc chuyển giao cho UBND tỉnh, thành, chậm nhất là trong quý 1/2005 theo nguyên tắc chuyển giao nguyên hiện trạng diện tích nhà, đất và hợp đồng thuê. Các địa phương có trách nhiệm tiếp nhận và bán nhà cho người thuê theo nghị định 61. Đối với nhà ở thuộc diện không bán được hoặc người thuê không mua, UBND tỉnh, TP lập quy hoạch, kế hoạch để từ năm 2006 di chuyển các hộ dân, cải tạo, đảm bảo chất lượng và khai thác có hiệu quả nhà ở thuộc SHNN.

Gần đây, nghị quyết 23 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy nhanh tiến độ bán nhà thuộc SHNN cho người đang thuê đã đề cập lại vấn đề này. Theo đó, việc bán nhà ở vẫn còn rất chậm, bình quân mới đạt khoảng 45% (tháng 9/2006). Những địa phương có số lượng nhà SHNN đều chưa hoàn thành việc bán nhà theo thời hạn Chính phủ quy định.

Theo Chính phủ, một trong những nguyên nhân là do việc chuyển giao nhà ở từ các cơ quan tự quản sang cơ quan quản lý nhà đất của địa phương còn chậm. Chính phủ yêu cầu các cơ quan, đơn vị đang quản lý quĩ nhà thuộc SHNN có trách nhiệm chuyển giao toàn bộ quĩ nhà ở để UBND các tỉnh, thành tiếp nhận nguyên trạng.

Việc chuyển giao phải hoàn thành trước ngày 30/12. Nếu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị không chuyển giao phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chính phủ về các thiệt hại do nhà ở hư hỏng hoặc do buông lỏng quản lý gây thất thoát, tiêu cực. Dù vậy theo Sở Xây dựng TP HCM, đến nay trên địa bàn TP còn khoảng 1.000 trường hợp chưa bàn giao nhà đất cho các cơ quan quản lý của TP. 

(Theo Tuổi Trẻ)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu