Cuối năm 2009, đầu năm 2010 TPHCM đã khánh thành và đưa vào sử dụng nhiều hạng mục hạ tầng giao thông quan trọng như cầu Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ, đường cao tốc Trung Lương - TPHCM…
Những công trình này được kỳ vọng sẽ cải thiện tình trạng quá tải ở các cửa ngõ ra vào thành phố nhưng trên thực tế do việc đầu tư chưa đồng bộ nên những công trình này chưa thực sự mang lại hiệu quả.
Trước thực trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng tại TPHCM nên đầu năm 2010, UBND TPHCM đã khánh thành và đưa vào sử dụng một loạt các hạng mục giao thông quan trọng như đường trục Bắc-Nam dẫn xuống cảng Hiệp Phước, cầu Phú Mỹ, cầu Thủ Thiêm.
Mặc dù, đã được khánh thành nhưng trên thực tế các công trình này mới chỉ xong giai đoạn 1, các hạng mục còn lại vẫn tiếp tục được thi công.
Đường rừng Sác huyện Cần Giờ chẳng hạn được đưa vào khánh thành ngày 26-12-2009 nhưng mới chỉ hoàn thành giai đoạn 1 là kè hai bên và rải dá dăm; các hạng mục còn lại như trải nhựa, lắp đặt hệ thống biển báo tại các nút giao vẫn chưa hoàn thành.
Trong khi đó đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa-Nguyễn Văn Trỗi được đưa vào khánh thành ngày 07-02 sau gần 4 năm thi công cũng mới chỉ hoàn thành giai đoạn 1, còn giai đoạn 2 là lát đá vỉa hè và trồng cây xanh hai bên đường vẫn chưa hoàn thành.
Bên cạnh đó một số hạng mục quan trọng khác như cầu Phú Mỹ đã được thông xe vào ngày 09-09-2009 nhưng cho tới nay phần đường dẫn lên cầu nối từ đường Nguyễn Văn Linh, quận 7 vẫn đang được nhà thầu thi công mặt đường và lắp đặt lan can.
Ngoài ra đường cao tốc Trung Lương - TPHCM cũng mới chỉ được thông xe tạm từ ngày 03-02 nhằm giải tỏa giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Canh Dần.
Cầu Phú Mỹ - cây cầu dây văng dài nhất TPHCM nối quận 7 và quận 2 để lưu thông ra cảng Cát Lái và xa lộ Hà Nội. Mặc dù đã được thông xe vào ngày 9-9-2009, nhưng qua gần 6 tháng cây cầu này chỉ cho xe 2 bánh và xe ô tô dưới 9 chỗ lưu thông. Theo ông Nguyễn Thành Thái, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ, theo thiết kế sau khi hoàn thành sẽ có 10.000 lượt xe/ngày nhưng đến nay lượng xe qua cầu chỉ lác đác vài loại xe nhỏ. Sở dĩ công ty chưa cho các loại xe có trọng tải lớn lưu thông qua cầu Phú Mỹ vì đến nay phương án thu phí qua cầu này vẫn chưa được UBND TPHCM phê duyệt.
Một cây cầu khác cũng nối từ trung tâm thành phố sang quận 2 là cầu Thủ Thiêm được khánh thành giai đoạn 2 từ ngày 31-1, trong ngày khánh thành cây cầu này ông Lê Quyết Thắng, Giám đốc khu quản lý giao thông đô thị số 1 khẳng định: “Cầu Thủ Thiêm sau khi hoàn thành sẽ phát huy hiệu quả năng lực như mục tiêu dự án đề ra. Đó là kết nối trung tâm thành phố với khu đô thị mới Thủ Thiêm, đặc biệt là giảm bớt áp lực lưu thông qua cầu Sài Gòn”. Thế nhưng, trên thực tế lượng xe qua cầu này rất ít. Một tài xế xe tải tên Tám cho biết, nếu từ trung tâm thành phố đi ra các tỉnh phía bắc mà qua cầu Thủ Thiêm thì khi đến đường Lương Định Của quận 2 có nguy cơ bị kẹt xe do đường quá hẹp. Vì vậy cánh lái xe thường chọn hướng đi đường Điện Biên Phủ qua cầu Sài Gòn cho dù cầu Sài Gòn từ lâu đã bị quá tải và thường bị tắc vào giờ cao điểm.
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Dương Tuấn Minh, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, đơn vị chủ đầu tư đường cao tốc Trung Lương - TPHCM, cho biết đến nay công trình vẫn còn 15 hạng mục trong quá trình hoàn thiện, như hệ thống đường dẫn kết nối với đường hầm, cầu vượt, trạm kỹ thuật...
Ông Khuất Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm tư vấn giao thông vận tải (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) cũng thừa nhận việc thiếu đồng bộ các hạng mục của nhiều công trình giao thông, đồng thời việc mới hoàn thiện một phần đã đưa vào sử dụng nên các công trình này đạt hiệu quả khai thác chưa cao. Nhưng trong điều kiện phương tiện cá nhân ngày càng gia tăng như hiện nay ở TPHCM thì việc đưa vào sử dụng các công trình này đã phần nào làm giảm được ùn tắc.
(Theo TBKTSG)