Những tiếng leng keng của tàu điện dường như đã ăn sâu vào tiềm thức những ai đã sinh sống ở Hà Nội vào thời kì đó như một ký ức mê say.
Ngày 13 tháng 9 năm 1900 tuyến đường tàu điện đầu tiên Bờ Hồ - Thuỵ Khuê đưa vào vận hành thử. Chợ Đồng Xuân đông hẳn lên và suốt ngày nhộn nhịp. Sang năm 1901 có thêm đường Bờ Hồ - Thái Hà ấp, lúc đó đường tàu chạy dọc Hàng Bông sang Cửa Nam, theo đường Sinh Từ (nay là Nguyễn Khuyến) rẽ sang trước mặt Văn Miếu rồi ra đường Hàng Bột (nay là Tôn Đức Thắng). Hai năm sau mới bỏ đoạn Cửa Nam – Sinh Từ - Văn Miếu mà cho tàu chạy theo phố Hàng Đẫy (nay là Nguyễn Thái Học) tới lưng Văn Miếu thì rẽ sang Hàng Bột.
Năm 1906 làm đường Bờ Hồ - Chợ Mơ. Ít năm sau, kéo dài đường Bờ Hồ - Thuỵ Khuê lên tận Chợ Bưởi. Năm 1915 đường Bờ Hồ - Thái Hà ấp được kéo vào thị xã Hà Đông nhưng phải dừng ở bên này Cầu Đơ vì cây cầu này yếu, không chịu được tải trọng của tàu. Trong năm 1929 đó có thêm được tuyến Yên Phụ - ngã Tư Đồng Lầm (nay là ngã tư Đại Cồ Việt – Lê Duẩn) để rồi mãi tới tháng 5 năm 1943 mới nối xuống trước cửa nhà thương Vọng (nay là bệnh viện Bạch Mai).
Như vậy là tới năm 1929, từ ga Trung tâm Bờ Hồ (Ga Tàu điện Bờ Hồ nay là ngôi nhà “Hàm cá mập”) toả ra 6 ngã: Lên Yên Phụ, lên chợ Bưởi, sang Cầu Giấy, vào Hà Đông, xuống chợ Mơ và Vọng, tức cũng là toả ra 6 cửa ô nối nông thôn với nội thành.
Tàu điện Hà Nội tồn tại trên chín thập kỷ. Tiếng chuông leng keng của nó tạo nên một nét riêng biệt của thành phố, đi vào tâm thức nhiều người dân Hà Nội. Ai đi xa, khi nhớ về Hà Nội đều phải nhắc đến nó như một cái gì đó rất đặc trưng, không bao giờ phai nhạt trong ký ức.
Thời Pháp thuộc mỗi đoàn tàu có hai hoặc ba toa, ở toa đầu có chia ra hai hạng vé: hạng nhất, hạng nhì. Hạng nhất có ghế đệm, ngồi ngang nhìn thẳng; hạng nhì ngồi dọc ghế cứng. Hàng hoá chất ở dưới ghế, thúng mủng quang gánh móc ở bên ngoài toa cuối.
Thế rồi đến ngày “Hà Nội cháy khói lửa ngập trời”, những ngày tháng Chạp năm 1946, các toa tàu điện trở thành chướng ngại vật rất có hiệu quả ngăn chặn bước đi của các đoàn xe cơ giới của thực dân gây chiến trên các nẻo đường phố phường.
Sau ngày giải phóng Thủ đô 1954, các đoàn tàu được xoá bỏ cách phân chia thứ hạng và dần dần chữ tàu điện được gọi là xe điện. Xe điện phục vụ nhân dân khá đắc lực trong mấy chục năm ròng, nhất là thời gian sơ tán chống Mỹ.
Sau đến đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, xe điện lần lượt ngừng hoạt động nhưng những ai đã từng đi tàu điện vẫn sẽ thấy văng vẳng bên tai tiếng leng keng náo nức một thời mỗi khi nhớ lại.
Mạnh Hùng