Xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, đồng thời sử dụng xe buýt tại những nơi mà đường sắt đô thị không phát triển tới là một trong những giải pháp chống ùn tắc hợp lý và hiệu quả.
Tuy nhiên, đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đến nay mới chỉ triển khai được một số đoạn tuyến vì gặp nhiều khó khăn về huy động nguồn vốn, kinh nghiệm quản lý công nghệ...
Đây là nhận định của các nhà quản lý đô thị của Việt Nam đưa ra tại Hội thảo Giao thông đô thị công nghệ và kinh nghiệm của Pháp diễn ra vào ngày 30/10 tại Hà Nội.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng cho rằng, giao thông đô thị đóng vai trò quan trọng phát triển kết nối đô thị xung quanh. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nếu chỉ dựa vào xe buýt, taxi thì không thể giải quyết được ùn tắc giao thông nội đô. “Vì vậy, cần phải nghĩ đến loại phương tiện khác lớn hơn để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng. Do đó, giải pháp hướng tới là xây dựng tàu điện ngầm, đường sắt đô thị. Chính phủ cũng giao Bộ GTVT và hai thành phố trên cần phải đầu tư xây dựng và hoàn thiện đường sắt đô thị” - Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Lý giải cho việc này, Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng cho rằng, hệ thống đường sắt đô thị của Hà Nội sẽ đóng vai trò chính trong hệ thống vận tải công cộng tốc độ cao, khối lượng lớn, có chức năng gắn kết với các khu đô thị, khu công nghiệp, các trung tâm thương mại dịch vụ, du lịch, trường học. Đồng thời các tuyến đường sắt đô thị phải gắn kết với nhau, hình thành mạng lưới bao quát các khu vực đô thị quan trọng của Thủ đô.
Theo ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, vấn đề nan giải nhất hiện nay là nguy cơ tắc nghẽn giao thông chưa được xử lý triệt để. Tỷ lệ đất dành cho giao thông ở Hà Nội mới chỉ đạt khoảng 8% (bằng 1/3 so với tiêu chuẩn của một đô thị hiện đại). Tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân (ôtô, xe máy) ở Hà Nội rất cao, lên tới 12-15% mỗi năm, nhất là sự gia tăng nhanh số lượng xe ôtô cá nhân vài năm gần đây.
Giao thông công cộng ở Hà Nội hiện chỉ có xe buýt và cũng mới đáp ứng được một tỷ lệ rất thấp, khoảng 10% nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn thành phố. Để khắc phục tình trạng trên và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, Hà Nội đang tập trung huy động các nguồn lực, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó ưu tiên cho mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không.
Theo bà Fanny Quertamp, đồng Giám đốc PADDI, Trung tâm Dự báo và Nghiên cứu đô thị, hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt trước thách thức về giao thông đô thị, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, vấn đề lớn cần phải giải quyết là vốn, ngoài vấn đề về kỹ thuật còn cần nguồn tài trợ khác nhau. Để làm giảm tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội, bên cạnh việc phát triển hài hòa hệ thống tàu điện ngầm với hệ thống xe buýt, cần sự thay đổi thói quen của người dân là hạn chế các phương tiện cá nhân, tăng cường phương tiện giao thông công cộng.
Như vậy, phát triển hệ thống giao thông đường sắt là vấn đề được quan tâm, chú trọng trong thời gian tới ở Thủ đô Hà Nội. Trong đó, cần thu hút các nguồn vốn đầu tư từ nhiều nguồn và đào tạo được nguồn nhân lực có kỹ thuật. Mặt khác, để giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông ở Thủ đô Hà Nội không chỉ thực hiện một giải pháp mà cần thực hiện một gói các giải pháp.
(Theo GTVT)