Hàng Ngang cũng là một phố lớn của phố cổ Hà Nội. Nhắc đến phố cổ là phải nhắc đến Hàng Đào, Hàng Ngang.
Ca dao Hà Nội xưa còn ghi:
Nhất vui là cảnh bờ hồ
Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Ngang...
Lại có câu
Ba mươi sáu mặt phố phường
Hàng Giấy, Hàng Bạc, Hàng Ngang, Hàng Đào.
Trong Người và cảnh Hà Nội, cụ Hoàng Đạo Thúy, một nhà nghiên cứu có nhiều tác phẩm về Hà Nội, viết: “Trên Hàng Đào là Hàng Ngang. Thời Lê những người khách trú gốc Quảng Đông đến rất đông ở phố này, bán tạp hóa, chè và thuốc.
Họ làm giàu to nên trước đây hai đầu phố làm cổng ngăn rất chắc. Sau nhà có tường cao như thành, chỉ có một số cửa sau kín đáo để thì thọt với Tây, với quan...” (NXB Hà Nội, 1982, trang 53).
Đây cũng là một cách giải thích, bởi có cổng chắn ngang đường nên gọi là phố Hàng Ngang...
Người Pháp xưa đặt tên cho phố Hàng Ngang là “Rue de cantonnais”, phố của những người Quảng Đông. Theo các tài liệu báo chí xưa thì người Trung Quốc vào Hà Nội buôn bán, thường là những người cùng quê với nhau, hay tụ hội gần nhau... Như người Phúc Kiến ở phố Lãn Ông, người Quảng Đông thì ở Hàng Ngang và Hàng Buồm... “Rue de cantonnais” được đặt nguyên do là thế...
Phố Hàng Ngang ở giữa Hàng Đào (gần hồ Hoàn Kiếm) và Hàng Đường cũng là một phố của những nhà buôn có máu mặt. Trước đây trừ cửa hàng của người Quảng Đông, còn có cửa hàng tơ lụa của các thương gia người ấn, tiếp giáp với Hàng Đào...
Sang thời kỳ sau này, người ta còn thấy có những cửa hàng thời trang, cửa hàng mỹ phẩm và trong thời bao cấp còn có cả những cửa hiệu vẽ truyền thần.
Hiện nay, Hàng Ngang là nơi những cửa hàng quần áo đủ kiểu, từ quần bò, comple, veston, blouse, y phục mùa đông, mùa hè, mùa thu... cho người già người trẻ, đàn ông, đàn bà đủ cả...
Cũng có những gian hàng đồng hồ, nữ trang, kim hoàn xen kẽ... Nhưng ấn tượng về quần áo là nhiều hơn cả, nhất là về mùa đông, những lô hàng hạ giá, lạc mốt, bày cả đống ở ngay trước cửa, vỉa hè, không được thoáng như phía Hàng Gai hoặc Hàng Bông...
Phố Hàng Ngang có ngôi nhà số 48, đã trở thành di tích lịch sử đặc biệt. Bởi trong một phòng gác nhỏ (tầng hai), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản tuyên ngôn độc lập, được đọc tại cuộc mít tinh lớn ở quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, và ngày đó đã trở thành ngày quốc khánh. Bản Tuyên ngôn cũng là một áng hùng văn nổi tiếng trong và ngoài nước...
Hàng Ngang, Hàng Đào vẫn được coi là những phố hàng đầu của phố cổ...
Chẳng thế mà các du khách nước ngoài, thăm Hà Nội, cứ hay thích đáp xích lô của hàng Sans-souci khởi hành từ khách sạn Sofitel, ra bờ hồ, qua phố Đinh Tiên Hoàng, qua Hàng Đào, Hàng Ngang rồi mới rẽ sang các phố cổ khác; hoặc đảo sang Hàng Thiếc, hoặc vào Hàng Chiếu, xem và chụp ảnh Ô Quan Chưởng rồi ghé Mã Mây, loanh quanh vào Hàng Bạc, Hàng Bồ, ra Hàng Da, Hàng Bông...
Cho nên, câu ca dao Hà Nội khác, lại vân vi kể rằng:
Rủ nhau chơi khắp Long Thành,
Ba mươi sáu phố, rành rành chẳng sai.
Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai
Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Bài, Hàng Khay...
Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giày
Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đào
Phố Mới, Phúc Kiến, Hàng Ngang
Hàng Mã, Hàng Mắm, Đình Ngang, Hàng Đồng...
Nhắc đến 36 phố phường, phải có mặt Hàng Ngang...
(Theo ANTĐ)