Đến năm 2020, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu hình thành 42 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.425,6 ha, bình quân gần 34ha đất/1 cụm.
Chỉ tiêu trên nằm trong của Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Theo Kế hoạch, năm 2010, tỉnh tiếp tục hoàn chỉnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp đã phê duyệt địa điểm. Bên cạnh đó, các cụm công nghiệp sẽ tập trung thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư phát triển sản xuất và kinh doanh dịch vụ, lấp đầy 50-60% diện tích đất có thể cho thuê.
Đến năm 2020, dự kiến sẽ có 42 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.425,6 ha, bình quân gần 34ha đất/1 cụm.
Theo tính toán, nếu diện tích đất cụm công nghiệp có thể lấp đầy như dự kiến, nghĩa là các dự án đầu tư sản xuất được bố trí hết trên diện tích từ 600ha đến 700ha, tính theo giá cố định năm 1994, hàng năm riêng khu vực này có thể đem về từ 1.300 đến 1.500 tỷ đồng giá trị sản xuất công nghiệp (tương đương với giá trị sản xuất ngoài quốc doanh cả tỉnh mấy năm gần đây). Điều đáng kể là các cụm công nghiệp có thể tạo công ăn việc làm cho 100 đến 120 ngàn lao động, phần lớn là lao động tại chỗ.
Theo kế hoạch của Quảng Ninh, việc quy hoạch phát triển cụm công nghiệp sẽ được thực hiện bằng 3 giải pháp tập trung: Tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng lớn, có tiềm lực đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn; Xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp thuê đất trong cụm công nghiệp; Tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho các cụm công nghiệp, xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ công, tăng cường công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong các cụm công nghiệp, nâng cao năng lực quản lý nhà nước ngành công nghiệp trên địa bàn trong lĩnh vực quản lý và phát triển cụm công nghiệp.
Đồng thời, để đảm bảo thực hiện tốt quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh giao các Sở: Công Thương, Kế hoạch – Đầu tư, Tài nguyên – Môi trường, Nội vụ, Xây dựng và UBND các địa phương phối kết hợp tổ chức xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp trên địa bàn, nghiên cứu, thành lập Ban Quản lý cụm công nghiệp của địa phương, xem xét đề xuất với tỉnh bổ sung quy hoạch cụm công nghiệp trên địa bàn nếu cần.
Theo tính toán, quy hoạch phát triển cụm công nghiệp của tỉnh Quảng Ninh với quy mô phù hợp theo từng giai đoạn sẽ đáp ứng được nhu cầu mở rộng mặt bằng sản xuất, thu hút các nguồn lực về vốn, công nghệ… để phát triển mạnh công nghiệp của tỉnh, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động và góp phần cơ bản khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường của sản xuất tiểu thủ công nghiệp gây ra.
(Theo Chinhphu.vn)