SearchNews

Quy hoạch bất cập là nguồn gốc của xây dựng sai phép

07/08/2017 13:21

Quy hoạch là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến vi phạm xây dựng trên địa bàn Tp.HCM, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM cho biết tại hội nghị sơ kết tình hình thực hiện công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn Tp.HCM 7 tháng đầu năm 2017.

Vì vậy, để hạn chế tình trạng này, lãnh đạo Tp.HCM yêu cầu cơ quan liên quan phải tính toán lại quy hoạch, đồng thời coi đó là biện pháp cơ bản nhất.

Vẫn cấp phép xây dựng dù không có quy hoạch 1/500

Ông Tuyến cho rằng, quy hoạch hạ tầng đô thị phải luôn đi trước, tránh để tình trạng liên tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh quy hoạch chạy theo những dự án cụ thể như hiện nay. Nếu phát triển tốt thì không sao, ngược lại chắc chắn sẽ có nhiều hệ lụy.

Mặc dù quy hoạch có cây xanh, đường, trường học... hoàn toàn có ý nghĩa nhưng có khả thi hay không lại là chuyện khác. Tỷ lệ đất phải đảm bảo an ninh nông nghiệp, tuy nhiên vấn đề là Tp.HCM có phải nơi cần thiết đảm bảo an ninh nông nghiệp không? Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM cho biết: "Thành phố đang để tỷ lệ đất nông nghiệp khá lớn trong khi người dân có nhu cầu nhà ở rất lớn, họ bức xúc nên xây dựng không phép để làm nhà ở".

Trên thực tế, do vướng quy định trong Luật xây dựng 2014, một số huyện, quận trên địa bàn TP đã phải tạm ngưng cấp phép xây dựng. Người dân muốn cấp giấy phép xây dựng phải có quy hoạch chi tiết 1/500. Thế nhưng, nghịch lý là nhiều khu vực trên địa bàn còn chưa lập quy hoạch 1/500.

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc Tp.HCM, TP khó có thể phủ kín quy hoạch 1/500. Trong vòng 24 năm qua, TP mới lập được quy hoạch 1/500 cho khoảng 30.000 ha trong số gần 100.000 ha đất đô thị toàn địa bàn.

Ông Toàn lý giải, để lập được quy hoạch 1/500 phải dựa vào quy hoạch chung và quy hoạch phân khu 1/2.000. Song, cả hai loại quy hoạch này 5 năm phải rà soát, điều chỉnh một lần, do đó việc lập quy hoạch chi tiết 1/500 rất khó.

Thế nên, vị này cho rằng, UBND cấp quận huyện có thể dựa vào hai tiêu chí quy chế quản lý kiến trúc đô thị và thiết kế đô thị để cấp giấy phép xây dựng cho người dân. Hai tiêu chí này nằm trong quy hoạch chung và quy hoạch phân khu 1/2.000. Để cấp giấy phép xây dựng cho người dân, địa phương sẽ căn cứ vào các tiêu chí đó.

xây dựng sai phép
Công trình tại phường Thảo Điền (quận 2, Tp.HCM) phải nhận quyết định xử
phạt do xây dựng sai phép. (Ảnh: Quang Định)

Ngay cả các cơ quan cấp phép cũng không thể định nghĩa rõ và không biết loại đất này có phù hợp quy hoạch, được cấp giấy phép xây dựng tạm hay chính thức. Theo lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở đã thống nhất với các huyện, quận, đơn vị tư vấn từ nay sẽ xóa bỏ khái niệm đất dân cư xây dựng mới trong các đồ án quy hoạch phân khu 1/2.000.

Thay vào đó, Tp.HCM sẽ phân rõ các khu vực đất dân cư quy hoạch ngắn hạn hoặc dài hạn và đất ở hiện hữu. Mặt khác, trong tháng 8/2017, Sở sẽ đề xuất UBND TP cho hướng dẫn UBND các huyện, quận hiểu rõ khái niệm các loại đất trên, làm cơ sở cho các đơn vị cấp giấy phép xây dựng có thời hạn hay là cấp chính thức cho người dân.

Nghiên cứu việc đăng ký xây dựng

Thủ tục cấp phép hiện nay có "vấn đề" là một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm xây dựng, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM cho hay.

Theo ông Tuyến, có những nhiêu khê, nếu người ta 'chạy' thì mình mất cán bộ, còn người ta không 'chạy' thì lại thành ra xây không phép. Do đó, nếu muốn hạn chế vi phạm thì thủ tục cấp phép phải tốt hơn và nhanh hơn.

xây dựng sai phép tại Tp.HCM
Quy hoạch bất cập là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến xây dựng sai phép tại Tp.HCM.
(Đồ họa: Vĩ Cường)

Dự kiến, trong tháng 8 này, Sở Xây dựng sẽ trình đề án cấp phép xây dựng trực tuyến. Thủ tục cấp phép sẽ giảm xuống còn từ 144 ngày khi đề án áp dụng vào thực tế. Thậm chí, nếu làm tốt có thể chỉ còn khoảng 40 ngày. Lãnh đạo TP yêu cầu, các huyện, quận chậm nhất cuối tháng 10/2017 phải tổ chức được dịch vụ công trực tuyến trong cấp phép xây dựng, đi đôi với việc cấp phép bằng hồ sơ truyền thống.

Ông Tuyến khẳng định, TP luôn khuyến khích các doanh nghiệp làm dịch vụ công trực tuyến cho người dân, giá dịch vụ niêm yết, tuy cũng là dịch vụ nhưng đàng hoàng chứ không phải “cò” để làm những chuyện sai trái.

Sau khi trao đổi với quận 7, lãnh đạo TP còn giao cho địa phương này nghiên cứu việc không cấp phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ, thay vào đó sẽ là hình thức đăng ký xây dựng giống như tại nhiều nước trên thế giới. Cụ thể, sẽ căn cứ vào chỉ tiêu quy hoạch, đăng ký xây dựng, còn cơ quan nhà nước chỉ kiểm tra.

Ông Nguyễn Văn Tài, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết, huyện luôn chú trọng giảm thời gian giải quyết hồ sơ, nếu quy định 15 ngày nay giảm còn 10 ngày, công trình quy định 20 ngày thì huyện sẽ giải quyết trong khoảng 15 ngày làm việc...

Lãnh đạo huyện Bình Chánh thông tin, huyện còn lập 3 tổ trợ giúp pháp lý, 1 tổ tại nơi tiếp nhận hồ sơ, 2 tổ lưu động ở các xã, thị trấn để phổ biến trình tự, thông tin quy hoạch, hướng dẫn người dân chấp hành quy định.

Cán bộ tiếp tay

Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM đã đưa ra thực trạng này tại hội nghị. Ông Tuyến bày tỏ lo ngại khi cán bộ không sợ kỷ luật, thậm chí sẵn sàng nghỉ việc để 'cố đấm ăn xôi'. Vì thế, ông đề nghị Sở Xây dựng phải chấp nhận phương án có lực lượng mỏng nhưng được trang bị công nghệ kỹ thuật để làm cho tốt.

Đồng thời, lực lượng này cũng cần được tôn vinh, động viên kịp thời. Theo thông tin từ ông Trần Trọng Tuấn, trong quý III/2017, Sở sẽ ban hành quy tắc ứng xử của lực lượng thanh tra xây dựng, lấy đó làm cơ sở để người dân giám sát thực thi công vụ của lực lượng này.

Kiểm tra ngăn chặn từ đầu

Ông Tuấn cho hay, các huyện, quận sẽ phải tổ chức đánh giá lại tình trạng vi phạm tại những nơi không phải là đất nông nghiệp. Ví dụ, nếu có tình trạng xây dựng không phép tại các quận nội thành thì phải phân tích rõ nguyên nhân vì sao người dân không xin phép xây dựng.

Phương án giám đốc Sở Xây dựng đưa ra là phải kiểm tra 100% công trình xây dựng để ngăn chặn ngay từ đầu các vi phạm, tránh thiệt hại.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu