SearchNews

Quy hoạch ga Hà Nội: “Bộ sẽ có ý kiến riêng với thành phố”

04/10/2017 13:55

“Liên quan đến quy hoạch khu vực ga Hà Nội, khu vực này không chỉ riêng ga Hà Nội mà khoảng 98 ha, riêng ga chỉ khoảng 17 ha. Chúng tôi đang nghiên cứu và sẽ có ý kiến riêng với thành phố”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, đất dành cho giao thông trong đô thị của Hà Nội và Tp.HCM theo quy định được khuyến cáo trên 20%, theo luật là 16-17%, tuy nhiên, hiện tại con số này chỉ có 7-8%. Thông tin này được Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đưa ra tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 3/10, khi trả lời báo giới về quan điểm của Bộ trước đề xuất quy hoạch lại khu vực ga Hà Nội của UBND thành phố.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, vừa qua TP. Hà Nội có triển khai lấy ý kiến về việc quy hoạch lại khu vực ga Hà Nội của các bộ, ban, ngành, trong đó có Bộ Giao thông Vận tải. Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo Hà Nội “cần thận trọng” trong quy hoạch.

Thứ trưởng Đông bày tỏ quan điểm: “Quan điểm của của chúng tôi về việc UBND thành phố Hà Nội quy hoạch phân khu chức năng trong quy hoạch đô thị là cần thiết. Quy hoạch về tổng thể phát triển Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011 bằng Quyết định 1259. Nhìn chung các quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết đều phù hợp với quy hoạch chung và phù hợp với quy hoạch chuyên ngành”,

Tuy vậy, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng nêu rõ, hạ tầng giao thông ở Hà Nội và Tp.HCM đang quá tải. Vì thế, việc kiểm soát phát triển không gian đô thị rất cần thiết, không phải chỉ riêng một khu vực nào mà còn các khu vực lân cận.

Vì thế, khi quy hoạch, cần xem xét mật độ người trong khu vực đó, chỉ tiêu đất dành cho giao thông trong quy hoạch như thế nào, mật độ đường/1.000 dân hay mật độ đường/km2… Ông Đông cho biết, Bộ vẫn đang nghiên cứu để đề xuất ý kiến với UBND Hà Nội trong thời gian tới. 

Ga Hà Nội
Ga Hà Nội

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết, theo quy hoạch chuyên ngành đã quy định, ga Hà Nội là ga trung tâm liên vận quốc tế, cũng là đầu mối giao thông kết nối quốc gia và đô thị. Vì thế, cũng cần xem xét tổ chức giao thông trong khu vực này, bao gồm giao thông nội khu quy hoạch lân cận đó và giao thông quốc gia, mật độ hành khách... Ông Đông thông tin thêm: “Chúng tôi sẽ có ý kiến trong thời gian tới. Nhìn chung quy hoạch là cần thiết. Ý kiến các bộ, ngành sẽ được tổng hợp lại để phù hợp quy hoạch chung, quy hoạch chuyên ngành phù hợp với sự phát triển đô thị, quốc gia”.

Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản xin ý kiến các bộ, ngành liên quan về Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận với đề xuất xây dựng lại ga Hà Nội có chức năng là ga trung tâm tàu khách và liên vận quốc tế đi tất cả các hướng.

Theo đồ án, ga Hà Nội được quy hoạch 9 phân vùng chức năng gồm: Khu văn hoá thấp tầng; Các khu tài chính cao 40 -70 tầng; Khu thương mại quốc tế, Khu lối sống mới cao 40 - 60 tầng; Khu nghỉ dưỡng đô thị 40 - 60 tầng; Khu ga đường sắt 40 -70 tầng. Các công trình được xây dựng quanh hồ Linh Quang với chiều cao từ 100 - 200m, trong đó có một công trình cao 200m tại phía Tây Bắc hồ làm điểm nhấn.

Theo đại diện Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, dự kiến chi phí để thực hiện đồ án là khoảng 23.800 tỷ đồng, trong đó Hà Nội đảm nhận nguồn vốn khoảng 700 tỷ đồng cho toàn bộ hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật. Về phân kỳ đầu tư, đồ án chia thành ba giai đoạn: Giai đoạn một đến năm 2020 sẽ tập trung xây dựng các công trình tái định cư tại khu vực nhà máy nước Ngô Sỹ Liên và tập thể Văn Chương; tái thiết ga Hà Nội và khu vực hồ Linh Quang; đồng thời xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ bản và mạng lưới bãi đỗ xe ngầm.

Giai đoạn hai từ 2020 - 2030 sẽ tiến hành xây dựng mạng lưới đường giao thông và đường ngầm cho người đi bộ; xây dựng các khu truyền thông, khu lối sống mới, khu thương mại quốc tế, khu ga đường sắt.

Giai đoạn ba từ 2025 - 2035 gối đầu với giai đoạn hai đảm bảo 100% nhà tái định cư để thúc đẩy phát triển; xây dựng các trung tâm tài chính trong khu quy hoạch.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu