Quy hoạch phát triển cấp nước đô thị và KCN thích ứng
với biến đổi khí hậu
Bộ Xây dựng đánh giá, định hướng thoát nước đô thị và KCN Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2009. Sau gần 7 năm thực hiện, hệ thống thoát nước tại các đô thị đã đạt được những thành quả nhất định. Tuy vậy, sự phát triển kinh tế - xã hội, những thay đổi, biến đổi khí hậu có những diễn biến bất thường, tình trạng ngập úng đô thị, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường diễn ra ngày càng gia tăng. Thực tế, đầu tư cho lĩnh vực thoát nước không theo kịp tốc độ đô thị hóa... Do đó, nhiều mục tiêu cơ bản của Định hướng năm 2009 không còn phù hợp với thực tiễn.
Sự phát triển các đô thị và các KCN tại Việt Nam trong thời gian vừa qua đã đặt ra yêu cầu cấp bách về đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị nói chung, hệ thống cấp nước nói riêng. Điều chỉnh Định hướng phát triển cấp nước đô thị và KCN Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là cơ sở cho việc phát triển dài hạn hệ thống cấp nước ở các đô thị, KCN và khu vực phụ cận đô thị một cách hiệu quả, đúng hướng. Điều này góp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước tại các địa phương nhằm bảo đảm đáp ứng yêu cầu dịch vụ cấp nước cấp nước an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trước thực trạng và yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, Chính phủ giao Bộ Xây dựng nhiệm vụ rà soát Điều chỉnh Định hướng cấp nước nhằm điều chỉnh lại một số chỉ tiêu nêu trong Định hướng 2009 để phù hợp và đáp ứng tình hình phát triển kinh tế - xã hội, phát triển hạ tầng kỹ thuật có tính đến việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc Điều chỉnh Định hướng phát triển cấp nước đô thị và KCN Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 là phù hợp và cần thiết.
Định hướng phát triển cấp nước đô thị và KCN có bàn đến nội dung biến đổi khí hậu, phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người và sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Trên cơ sở đó, định hướng đề ra các giải pháp cụ thể nhằm cấp nước ổn định, chất lượng bảo đảm, dịch vụ tốt đáp ứng cho các nhu cầu sử dụng nước theo từng giai đoạn.
Theo đó, năm 2020, tỷ lệ bao phủ dịch vụ cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung tại các đô thị từ loại IV trở lên đạt 95%, các đô thị loại V đạt 80% với tiêu chuẩn cấp nước 120 lít/người/ngđ, chất lượng nước đạt quy chuẩn quy định. Các KCN được cấp nước đầy đủ theo yêu cầu áp lực và lưu lượng. Tỷ lệ hệ thống cấp nước khu vực đô thị lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt 45%. Tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch dưới 18% đối với các đô thị loại IV trở lên, dưới 25% đối với các đô thị loại V. Dịch vụ cấp nước liên tục, đủ áp lực 24 giờ trong ngày đối với các đô thị loại IV trở lên và cấp nước phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế đối với đô thị loại V.
Đến năm 2025, tỷ lệ bao phủ dịch vụ cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung tại các đô thị đạt 100%, với tiêu chuẩn cấp nước bình quân đạt 120 lít/người/ngđ, chất lượng nước đạt quy chuẩn quy định. Các KCN được cấp nước đầy đủ theo yêu cầu áp lực và lưu lượng. Tỷ lệ hệ thống cấp nước khu vực đô thị lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt 75%. Tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch tại các đô thị dưới 15%. Dịch vụ cấp nước liên tục, đủ áp lực 24 giờ trong ngày.
Để thúc đẩy ngành cấp nước phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, cần có sự tiếp tục định hướng phát triển của Chính phủ rà soát, cập nhật, rà soát các giải pháp cơ bản đảm bảo tính khả thi và phù hợp với điều kiện thực tiễn kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn phát triển như: Hoàn thiện các quy định quản lý ngành cấp nước. Quy hoạch, đầu tư phát triển và quản lý vận hành hệ thống cấp nước. Quản lý, sử dụng nguồn nước thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu và phát triển công nghệ, vật tư, thiết bị lĩnh vực cấp nước; Truyền thông, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Tổ chức quản lý lĩnh vực cấp nước. Tăng cường hợp tác quốc tế…
Trong giai đoạn vừa qua, việc đầu tư phát triển hệ thống cấp nước chủ yếu sử dụng nguồn vốn ngân sách, trong đó vốn vay ODA là chính, trong khi nguồn vốn của khu vực kinh tế tư nhân tham gia đầu tư còn rất khiêm tốn. Thực tế, cả hai nguồn vốn này chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển ngành nước. Do vậy, cần phải có những giải pháp phù hợp hơn nữa để huy động tối đa các nguồn lực, trong đó tập trung thu hút sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân đầu tư phát triển hệ thống cấp nước nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước...