Trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng.
Bộ Xây dựng vừa ra công văn gửi 5 địa phương có nhiều chung cư cũ là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nghệ An và Thanh Hóa quy định cấm người dân, doanh nghiệp sử dụng căn hộ chung cư làm văn phòng. Xung quanh vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng.
Dường như dư luận không đồng tình với quyết định trên, vậy quan điểm của Bộ Xây dựng như thế nào về vấn đề này?
Các công trình xây dựng khi thiết kế phải đăng ký mục đích sử dụng, xác định công năng làm gì. Việc thiết kế căn hộ để ở khác với thiết kế văn phòng, kinh doanh… Do đó, những căn hộ chuyển làm văn phòng, kinh doanh… là làm sai công năng đã thiết kế, điều này sẽ gây nhiều phiền toái cho người sống trong các chung cư đó. Chính vì vậy, bộ đã yêu cầu các địa phương có nhiều chung cư rà soát, kiểm kê, đánh giá tình trạng sử dụng căn hộ làm văn phòng và chuyển đổi công năng sử dụng sai mục đích của căn hộ để có biện pháp xử lý, đảm bảo đưa nhà chung cư vào sử dụng đúng mục đích ban đầu.
Như vậy có quá bất ngờ cho người dân và doanh nghiệp?
Công văn của Bộ Xây dựng mới yêu cầu các địa phương rà soát, kiểm tra, đánh giá tình hình sử dụng chung cư hiện nay, chứ không nói rằng các nhà đó lập tức phải trả lại chức năng ban đầu của nó. Tuy nhiên, nếu nói đột ngột là không đúng, vì quy chế sử dụng chung cư đã được ban hành trong Luật Nhà ở năm 2005 và Thông tư 08 của Bộ Xây dựng đã được ban hành năm 2008. Ngoài ra, công năng của chung cư là thiết kế cho nhà ở chứ không phải làm văn phòng. Tuy nhiên, trong thời gian dài, việc quản lý chung cư chưa được tốt nên Bộ Xây dựng mới yêu cầu các địa phương rà soát, kiểm tra, đánh giá lại để đảm bảo lợi ích của các hộ dân sống trong các chung cư.
Chuyện này nên chăng để cho cư dân ở chung cư tự quyết định?
Không thể có chuyện đó được, vì như tôi đã nói chung cư là thiết kế làm nhà ở, còn phần nào thiết kế làm văn phòng, khu thương mại đã được đăng ký thì vẫn sử dụng. Nhưng nếu thiết kế làm nơi ở thì không thể chuyển được.
Nhiều người nói, do nhà của họ nên họ có quyền sử dụng làm gì tùy ý?
Nói thế cũng không đúng hẳn, vì thực ra quyền sở hữu bất động sản có những hạn chế, quy định nhất định chứ không phải như loại tài sản khác (không có giấy chứng nhận chủ quyền, không giấy đăng ký) thì muốn sử dụng sao cũng được. Đối với nhà ở, muốn xây phải xin phép và sử dụng đúng như đã được cấp phép.
Vậy bộ đưa ra lộ trình cụ thể cho vấn đề này như thế nào?
Bây giờ phải kiểm tra trước, tổng kết báo cáo về tình hình sử dụng thực tế như thế nào. Chúng tôi nghĩ cũng phải có một lộ trình. Tuy nhiên, bộ cũng chưa có lộ trình cụ thể về vấn đề này vì hiện nay mới có hiện tượng thế thôi, nhưng số lượng bao nhiêu, quy mô sử dụng như thế nào, các căn hộ chung cư đang được sử dụng vào mục đích gì... các cơ quan chức năng chưa nắm được nên chúng tôi vẫn chưa đưa ra được một giới hạn nào cho vấn đề này.
Nếu phát hiện những trường hợp vi phạm thì bộ sẽ xử lý ra sao?
Những hộ sử dụng hoặc cho người khác sử dụng căn hộ sai mục đích thì sẽ bị xử phạt tiền từ 15-20 triệu đồng. Ngoài ra, những trường hợp này sẽ bị xử lý hành chính theo luật định.
Vậy ai sẽ đứng ra để kiểm tra xử phạt?
Các Sở Xây dựng, thanh tra xây dựng các địa phương, các cấp chính quyền nằm trong trách nhiệm, quyền hạn của mình sẽ đứng ra xử lý.
Xin cảm ơn ông!
(Theo KTĐT/TNTT)