Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) vừa có báo cáo kết quả giải ngân gói hỗ trợ thị trường bất động sản 30.000 tỷ đồng.
Theo đó, tính đến hết ngày 15/12/2013, ngân hàng xác nhận đăng ký hợp đồng cho vay đối với 11 doanh nghiệp với số tiền 1.127 tỷ đồng, trong đó giải ngân cho 6 đơn vị 205 tỷ đồng.
Đối với hộ gia đình, cá nhân, 5 ngân hàng cam kết cho 1.450 khách hàng vay 527 tỷ đồng. Trong đó, ngân hàng đã giải ngân cho 1.436 khách hàng với dư nợ 350 tỷ đồng.
Như vậy, tính đến 15.12, gói hỗ trợ nhà ở chi 555,7 tỷ đồng, tăng hơn 100 tỷ đồng so với thời điểm cuối tháng 11. Trong nửa đầu tháng 12, số tiền giải ngân đã lên tới hơn 100 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đánh giá, những giải pháp, chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản đưa ra trong năm qua đã dần phát huy tác dụng. Tình hình thị trường bất động sản nói chung và thị trường nhà ở nói riêng đã có phản ứng tích cực, cơ cấu nguồn cung nhà ở đã bắt đầu có sự điều chỉnh phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường.
Cả nước hiện có 57 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, với quy mô xây dựng khoảng 34.837 căn, tổng mức đầu tư khoảng 20.567 tỷ đồng. Ngoài ra, có 62 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ, với số lượng căn hộ ban đầu là 31.999 căn hộ, điều chỉnh thành 40.500 căn hộ (tăng 8.501 căn).
“Quan điểm nhất quán của Bộ Xây dựng trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản là phải gắn với việc thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thị trường bất động sản phải phục vụ nhu cầu của đại bộ phận người dân, nhất là các đối tượng có thu nhập thấp. Nếu tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, mà không gắn với cải thiện nhà ở cho người nghèo, bỏ mặc người dân thì chưa đạt yêu cầu. Vì vậy, để gỡ khó cho thị trường bất động sản, phải khắc phục được tình trạng lệch pha cung - cầu”, Bộ trưởng Dũng khẳng định và cho biết, việc phát triển mạnh nhà ở xã hội với những ưu đãi của Nhà nước sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng, tạo công ăn việc làm và giải quyết tồn kho bất động sản.
Về giá bất động sản, ông Dũng cho biết, giá nhà ở đã giảm nhiều so với thời điểm sốt giá giai đoạn 2008 - 2010, hầu hết các dự án đã giảm từ 10 - 30%, nhiều dự án giá giảm tới 50%, trở về giá tương đương thời điểm 2006, do đó có lợi cho người mua.
“Giá bất động sản thời gian qua giảm mạnh do giá thời kỳ bất động sản nóng là giá ảo, nên buộc phải giảm để trả lại giá trị thực của nhà đất”, ông Dũng đánh giá.
Cũng theo ông Dũng, với việc điều chỉnh cơ cấu sản phẩm theo hướng phù hợp hơn, giá giảm xuống mức hợp lý, giúp thanh khoản trên thị trường cuối năm 2013 đã tăng mạnh. Lượng giao dịch thành công trong quý III và quý IV gấp hơn 2 lần so với 2 quý đầu năm, nhất là đối với phân khúc căn hộ chung cư có diện tích nhỏ, đã hoàn thiện, giá dưới 15 triệu đồng/m2.
Cùng với thanh khoản tăng, tồn kho bất động sản cũng có xu hướng giảm dần. Tính trên phạm vi toàn quốc, đến ngày 15/12/2013, tổng giá trị tồn kho khoảng 94.458 tỷ đồng, giảm 26,5% so với quý I/2013, tập trung chủ yếu ở phân khúc căn hộ vừa và nhỏ. Các căn hộ có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 tại các đô thị lớn được tiêu thụ mạnh, hầu như không còn tồn kho.
“Niềm tin vào thị trường đang dần được hồi phục, phân khúc nhà ở xã hội và những căn hộ có diện tích nhỏ được người dân quan tâm và đã có nhiều giao dịch thành công hơn trước”, ông Dũng đánh giá.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành xây dựng cũng cho rằng, thách thức ở phía trước dường như vẫn rất lớn. Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, cần sự quyết tâm và nỗ lực không chỉ của ngành xây dựng, mà còn phải có sự phối hợp chặt chẽ và vào cuộc của các ngành, các cấp, các địa phương; các chính sách điều tiết thị trường cũng cần phải có thời gian để có thể đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.
Theo baoxaydung