SearchNews

Thu hồi ngay các căn hộ chung cư vi phạm

25/04/2017 08:30

Thực hiện chương trình giám sát năm 2017, chiều 24-4, ông Nguyễn Xuân Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng chủ trì phiên họp của Thường trực HĐND TP để nghe báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về công tác xây dựng, bố trí, quản lý và sử dụng chung cư (CC) trên địa bàn TP Đà Nẵng.

thu hồi chung cư
Ông Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP chủ trì hội nghị.

Bao cấp chung cư quá lớn

Theo báo cáo của Đoàn Giám sát thì tính đến tháng 3-2017, trên địa bàn TP Đà Nẵng có 9.764 căn hộ CC, nhà liền kề đã được đưa vào sử dụng, bố trí cho thuê, trong đó đã giao cho Công ty Quản lý nhà chung cư  (CTQLNCC) quản lý 9.216 căn, còn 548 căn chưa cho thuê. CTQLNCC cho thuê tổng cộng 8.033 căn (trong đó  có 4.186 hộ giải tỏa, 1.249 hộ CBCC-VC, 2.401 hộ khó khăn, 197 hộ gia đình chính sách), một số căn dùng  cho mượn, dùng bố trí trụ sở làm việc, bán đấu giá, hiện còn lại 478 căn. Theo đánh giá của Đoàn giám sát thì với tổng kinh phí đầu tư trên 2.800 tỷ đồng từ nguồn ngân sách, thành phố đã tạo ra quỹ nhà ở khá lớn, giải quyết nhu cầu nhà ở cho gần 7.000 hộ thuộc diện gia đình chính sách, hộ dân có thu nhập thấp, CBCC-VC công tác lâu năm chưa có chỗ ở ổn định.

Qua giám sát cũng đã chỉ ra một số hạn chế như: Phần lớn các khu CC không đảm bảo các công trình phúc lợi xã hội như: bãi để xe,  sân tập thể dục thể thao, nhà trẻ, hệ thống khuôn viên cây xanh rất hạn chế. Về chất lượng xây dựng căn hộ về cơ bản ổn định về mặt kết cấu, tuy nhiên có một số khu CC được xây dựng trong thời gian 1997-2000 có dấu hiệu hư hỏng: Cột, dầm, sàn; một số khu CC chất lượng thi công chưa đảm bảo nên nhanh xuống cấp, công tác duy tu, bảo dưỡng chậm, không có nguồn kinh phí phục vụ cho việc sửa chữa, nâng cấp nên công trình càng xuống cấp trầm trọng.

Về công tác quản lý nhà CC hiện chưa chặt chẽ, chủ yếu thông qua vai trò nhà trưởng trong khi nhiều người trong đội ngũ này không phát huy vai trò, không thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ; việc quản lý nhân khẩu đang sinh sống trong các khu CC còn lỏng lẻo, còn tình trạng được cấp nhà nhưng không ở, đã có nhà riêng nhưng vẫn không trả lại căn hộ CC mà đem cho thuê lại. Về ý thức người dân vẫn còn tình trạng chây ì, không ký hợp đồng thuê nhà, nợ tiền thuê nhà kéo dài; sử dụng thang máy, điện, nước sai quy định, lãng phí; thậm chí có 150 trường hợp hộ giải tỏa ở không chính chủ do các căn hộ này đã được cho thuê lại.

thu hồi các căn hộ
Đà Nẵng kiên quyết thu hồi các căn hộ chung cư vi phạm trong quản lý, sử dụng.

Sau khi nghe ý kiến thảo luận, đề xuất của đại diện các sở, ngành, ông Nguyễn Xuân Anh cho rằng: Hiện nay bao cấp về nhà CC quá lớn, ngân sách không thể lo mãi được mà cần suy nghĩ có mô hình mới về quản lý chứ để như hiện nay là không được. “Một số hộ dân ở nhà CC mà không trả tiền là không công bằng, trong khi Nhà nước phải bỏ tiền ra để sửa chữa là rất bất cập. Mặt khác giá thuê một căn hộ CC chỉ vài trăm ngàn một tháng như hiện nay thì quá thấp, gần như là cho không nên ai cũng thích vào ở chung cư, như vậy thì rất lãng phí...” - ông Nguyễn Xuân Anh nói.

Ông Nguyễn Xuân Anh yêu cầu UBND TP và các cơ quan liên quan phải nghiên cứu lại giá thuê nhà CC cho phù hợp. Đối với các trường hợp có tên nhưng không có người ở, bỏ trống không sử dụng, phải kiểm tra và thu hồi ngay; đồng thời đề nghị phải mở rộng hình thức thuê mua, tăng cường việc bán nhà CC thu hồi vốn để tiếp tục tái đầu tư. Theo ông Nguyễn Xuân Anh, bao cấp chung cư như hiện nay sẽ gây nên tâm lý chây ì, ỷ lại, thiếu động lực phấn đấu. Ông đề nghị phải quan tâm, tạo điều kiện và mở rộng quy định về thuê CC đối với  CBCC-VC vì nếu không có nơi ở ổn định thì làm sao yên tâm làm việc được. Về công tác xét duyệt bố trí CC, ông Nguyễn Xuân Anh cho rằng giao cho Sở LĐ-TB-XH như hiện nay là không phù hợp mà nên giao cho UBND TP, HĐND TP chỉ thực hiện chức năng giám sát.

Quy hoạch trạm BTS và ngầm hóa mạng lưới điện

Cùng ngày, ông Nguyễn Nho Trung- Phó Chủ tịch HĐND TP đã chủ trì phiên họp giải trình về công tác quy hoạch trạm BTS (Trạm thu phát sóng di động) và kế hoạch ngầm hóa hệ thống lưới điện. Theo báo cáo của lãnh đạo Sở Thông tin truyền thông (TTTT) thì hiện nay địa bàn TP Đà Nẵng có 1.435 trạm BTS, tăng 140% so với năm 2008, gồm 3 loại: BTS loại 1 (có cột ăng ten cồng kềnh, xây dựng trên nền đất), BTS loại 2 (xây dựng trên nóc nhà) và trạm BTS thân thiện với môi trường. Trước những lo ngại của người dân về ảnh hưởng của sóng điện từ của các trạm BTS đối với sức khỏe, lãnh đạo Sở TTTT khẳng định: Các văn bản của Tổ chức Y tế Thế giới, Bộ Khoa học-Công nghệ, Bộ TTTT đều cho rằng chưa phát hiện sóng điện từ của các trạm BTS ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Vấn đề là cần chủ động tuyên truyền, giải thích, cung cấp thông tin cho người dân bằng nhiều hình thức như: Qua báo chí, truyền thông, phổ biến đến tận phường, xã, tổ dân phố để người dân yên tâm.

Về ngầm hóa lưới điện, theo quyết định của UBND TP phê quyệt quy hoạch cấp điện thành phố thì phấn đấu đến năm 2020 ngầm hóa 50%, đến năm 2030 ngầm hóa 80% lưới điện trung thế 22kv tại các tuyến đường chính khu vực trung tâm TP; năm 2020 ngầm hóa 20%, đến năm 2030 ngầm hóa 50%  lưới điện tại các tuyến đường chính khu vực ngoại thành. Đường dây 22kv xây dựng mới dọc tuyến đường có mặt cắt 10,5m trở lên phải đi ngầm. Đối với đường dây hạ thế 0,4kv xây dựng mới tại các quận: Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn phải đi ngầm, các quận, huyện còn lại đi ngầm các tuyến đường trung tâm, tuyến đường cảnh quan, khu phố chính. Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo Sở Công Thương TP thì hiện nay tỷ lệ ngầm hóa lưới điện trên địa bàn TP còn thấp, mới chỉ thực hiện ở một số tuyến đường chính như; Trần Phú, Trường Sa, Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Võ Chí Công, Lê Duẩn...

Khó khăn lớn nhất là nguồn kinh phí để ngầm hóa lưới điện rất lớn, suất đầu tư để hạ ngầm 1km đường dây trung, hạ thế phải mất khoảng 34 tỷ đồng, gấp khoảng 5 lần so với chi phí khi xây dựng trên không. Sở Công thương TP kiến nghị UBND TP hỗ trợ Công ty Điện lực Đà Nẵng được vay vốn từ nguồn Quỹ đầu tư phát triển thành phố, lãi suất trong suốt thời gian vay do ngân sách thành phố hỗ trợ. Ngoài ra đề nghị UBND TP kiến nghị với tập đoàn điện lực Việt Nam để bảo lãnh, hỗ trợ Công ty Điện lực Đà Nẵng được vay vốn ODA để ngầm hóa lưới điện.

thu căn hộ
Các Trạm BTS trên nóc các nhà cao tầng gây lo ngại cho người dân. 

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Nho Trung nhấn mạnh: Công tác quy hoạch trạm BTS phải gắn với thực trạng và phải có dự báo phát triển trong tương lai, đặc biệt là sự phát triển của KH-CN để có định hướng đúng, gắn với đảm bảo môi trường, cảnh quan chung của đô thị. Cần tháo gỡ các trạm BTS không đảm bảo an toàn và nghiên cứu các giải pháp hạn chế các trạm BTS loại 1, loại 2 và hướng đến dùng chung hạ tầng và tăng cường công tác hậu kiểm. Đối với các vị trí trạm BTS có kiến nghị, Sở TTTT phải kiểm tra, rà soát và trả lời công khai cho người dân.

Sau khi có quy hoạch phải công khai, minh bạch xuống tận phường, xã tổ dân phố để người dân hiểu và chia sẻ. Đối với việc ngầm hóa hệ thống lưới điện, ngoài việc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư thì phải xây dựng quy hoạch công trình hạ tầng ngầm, tránh việc đào phá vỉa hè nhiều lần, gây lãng phí, tốn kém, mất mỹ quan đô thị, không đảm bảo TTATGT. Đối với các công trình xây dựng khu đô thị, khu dân cư mới, các công trình cải tạo đường, nút giao thông chưa triển khai thì phải thực hiện ngầm hóa đồng bộ theo quy định.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu