Giấy phép, “chốt chặn” khó qua
Mới đây, trong cuộc hội thảo tiếp xúc với lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp đồng quan điểm, khó khăn nhất trong việc xây dựng nhà giá rẻ mấu chốt nằm ở thủ tục rườm rà, nhiêu khê từ các cơ quan quản lý.
Trước thực trạng xin giấy phép xây dựng gặp rất nhiều vấn đề, hàng loạt doanh nghiệp đã lên tiếng, nêu quan điểm để mong lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh có chính sách điều chỉnh sao cho hợp lý với cơ chế thị trường
Ông Trương Anh Tuấn (Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Quân) cho biết, trên cả nước, Hoàng Quân có 18 dự án nhà ở xã hội. Riêng tại TP.Hồ Chí Minh, công ty đã có 2 dự án đã đưa vào sử dụng là HQC Plaza và HQC Hóc Môn. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, vẫn còn rất nhiều dự án chưa được khởi công vì vướng khâu xin giấy phép xây dựng.
Là “ngọn cờ đầu” với chuỗi dự án nhà giá rẻ cho thuê tại TP.Hồ Chí Minh, ông Lê Hữu Nghĩa (Giám đốc Công ty TNHH Lê Thành) cũng đồng quan điểm với lãnh đạo HQC. Ông Nghĩa dẫn chứng, công ty ông đã nộp hồ sơ lên Sở Xây dựng để xin phê duyệt dự án vào tháng 7/2016. Đến tháng 10/2016, Sở mới có văn bản trình UBND thành phố. Sau đó 2 tháng, thành phố lại có văn bản hỏi ngược lại Sở Xây dựng về việc có nắm rõ thông tin dự án này có hoàn thiện cái khâu đền bù giải tỏa hay chưa...
“Chúng tôi đã có hợp đồng công chứng, mua đất... đầy đủ rồi. Đây là dự án chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Vậy văn bản của thành phố hỏi lại có đền bù chưa là không hợp lý cho lắm. Rồi bây giờ, chúng tôi phải làm lại văn bản để tiếp tục trình lên đợi các ban nghành duyệt lần nữa. Như vậy rất tốn thời gian. Mong lãnh đạo thành phố nhanh chóng giải quyết để chúng tôi nhanh được thực hiện, phục vụ nhu cầu nhà ở cho người dân”, ông Nghĩa nêu.
|
Đa số các doanh nghiệp đều gặp nhiều khó khăn khi xin giấy phép xây dựng (Ảnh minh họa) |
Bi đát hơn cả là trường hợp của Công ty Thiên Phát. Đại diện công ty này cho biết, trong khâu xin giấy phép xây dựng dự án, đơn vị này có dự án 7 năm đi xin vẫn chưa hoàn thiện.
"Thủ tục ở khâu cấp phép là rất chậm. Có nhiều dự án đề xuất nhiều năm vẫn "đứng hình". Bên Bình Dương, chúng tôi vừa xin làm dự án 30 hecta ở Thuận An và sau vài tháng đã được tỉnh hỗ trợ mọi thứ và chuẩn bị khởi công. Việc chậm trễ ở các khâu thủ tục ở TP.Hồ Chí Minh ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch và tiến độ thực hiện dự án của các doanh nghiệp”, đại diện Công ty Thiên Phát nói.
Chờ... làn gió mới
Qua sự “trải lòng” của các doanh nghiệp, ông Lê Văn Khoa (Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh) cũng thừa nhận, thủ tục xin giấy phép vẫn còn rườm rà, nhiêu khê.
Ông Khoa cho rằng, nhiều thủ tục do vướng mắc ở các Sở, ban, ngành liên đới, nhiều thứ lại vướng mắc tận Trung ương. Vì vậy, ở TP.Hồ Chí Minh, phải có một đơn vị đứng ra nhận trách nhiệm và làm việc trực tiếp mọi việc.
Cũng trong vấn đề này, ông Đinh La Thăng (Bí thư Thành ủy) chỉ đạo, chỉ nên sử dụng cơ chế một cửa chứ đừng đi qua quá nhiều ban, ngành. Văn bản xin phê duyệt trình lên đâu thì cứ lên đơn vị ấy mà hỏi. Nhưng vấn đề là tranh thủ giải quyết chứ không được để quá thời hạn 6 tháng.
Đồng thời, Bí thư Thăng cũng cho biết, chính quyền sẽ cầu thị lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để hoàn thiện cơ chế chính sách, đơn giản các thủ tục hành chính để sớm triển khai mô hình nhà ở giá rẻ...
Nói về học tập mô hình nhà giá rẻ tại TP.Hồ Chí Minh, Bí thư Thăng khẳng định sẽ áp dụng mô hình nhà ở giá rẻ của Bình Dương nhưng không máy móc mà phải cơ động, thích ứng tùy trường hợp. Qua đó, vị lãnh đạo thành phố này nêu quan điểm, nhà ở xã hội cũng phải được đánh giá chất lượng trong một xã hội văn minh, hiện đại chứ không phải là hình thành nên một "khu ổ chuột" mới trong đô thị. Phải chú trọng đến khâu thiết kế sao cho thích hợp để cư dân được sử dụng thuận tiện hơn.