Bùng phát tranh chấp
Hàng chục cư dân sống tại Dự án chung cư Hồ Gươm Plaza (Khu đô thị Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội) tiếp tục chăng biểu ngữ phản đối chủ đầu tư là Công ty cổ phần May Hồ Gươm đã vi phạm các quy định về quản lý, vận hành Dự án như: thu phí đỗ xe vượt quy định, xây dựng trái phép, vận hành dự án bất hợp lý và gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng cuộc sống cư dân…
Tranh chấp giữa khách hàng và người dân tại Dự án này diễn ra âm thầm từ nhiều năm nay và trở nên kịch liệt từ đầu tháng 3/2017, khi người dân phát hiện các bể chứa chất thải sinh hoạt được xây dựng bổ sung tại tầng hầm của tòa nhà và nhiều căn hộ mới được xây thêm ngoài giấy phép…
Dự án Hồ Gươm Plaza, dư địa cho doanh nghiệp có năng lực quản
lý tòa nhà.
Tranh chấp giữa khách hàng với chủ đầu tư tại Dự án Hồ Gươm Plaza là một trong hàng loạt vụ tranh chấp trong quản lý, sử dụng nhà chung cư như tại Dự án Home City (phường Trung Hòa, quận Hà Đông), Dự án Park View Residence (Khu đô thị Dương Nội, quận Hà Đông), Dự án Dream Home Place (quận 2, TP.HCM)… diễn ra trong nửa đầu tháng 3/2017.
Cơ hội kinh doanh mới
Trở lại với câu chuyện tại Dự án chung cư Hồ Gươm Plaza, Dự án đi vào vận hành từ cuối năm 2013 với tư cách là tổ hợp chung cư cao cấp. Ban đầu, Hồ Gươm Plaza được chủ đầu tư thuê một đơn vị 100% vốn nước ngoài quản lý, vận hành một cách chuyên nghiệp. Tuy nhiên, sau hơn một năm vận hành ổn định, chủ đầu tư quyết định thành lập Ban Quản lý để tự quản lý, vận hành và nhiều vấn đề cũng phát sinh từ đây.
Ban đầu là hệ thống phòng cháy chữa cháy hoạt động không hiệu quả, tiếp đó, các căn hộ bị phân chia, cơi nới trái phép. Cùng với việc quản lý, vận hành bất hợp lý đưa đến hàng loạt khó khăn, bức xúc trong sinh hoạt của các cư dân.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, bà Vũ Kiều Hạnh, Trưởng bộ phận Quản lý bất động sản Savills Hà Nội cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam đang ở vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ khi ngày càng nhiều dự án chung cư, văn phòng đi vào khai thác và vận hành. Việc thiếu chuyên nghiệp có thể coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến tranh chấp giữa khách hàng và chủ đầu tư như đã diễn ra tại một số dự án thời gian gần đây.
Theo bà Hạnh, điều này sẽ không tồn tại lâu trước yêu cầu ngày càng cao về quản lý, vận hành dự án bài bản, chuyên nghiệp. Sự cạnh tranh giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý bất động sản được dự đoán sẽ sôi động hơn trong thời gian tới. Các doanh nghiệp sẽ không ngừng chuyên nghiệp hóa, nâng cao trình độ và kỹ năng quản lý của mình. Đặc biệt, đã có một số doanh nghiệp quốc tế bắt đầu ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý bất động sản, tạo thuận tiện cho bản thân doanh nghiệp, chủ đầu tư và người sử dụng.
Theo Thông tư số 02/2016/TT - BXD, giá dịch vụ quản lý nhà chung cư giao động trung bình từ mức 6.000 đồng đến 16.500 đồng/m2 (tùy thuộc các dịch vụ đi kèm). Mức giá trung bình tại các tòa nhà hạng B, phí quản lý trung bình từ 8.000 đồng – 10.000 đồng/m2. Tại Hà Nội hiện có khoảng 40 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quản lý tòa nhà.
“Sự cạnh tranh giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý bất động sản được dự đoán sẽ sôi động hơn trong thời gian tới. Các doanh nghiệp sẽ không ngừng chuyên nghiệp hóa, nâng cao trình độ và kỹ năng quản lý của mình”, bà Vũ Kiều Hạnh, Trưởng bộ phận Quản lý bất động sản Savills Hà Nội nhận định.
|
Ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam lại nhìn nhận ở góc độ khác. Theo ông Quang, nếu như trước đây, những người ở chung cư không có người đại diện để đảm bảo quyền về tài sản tại chung cư thì hiện nay, các ban quản trị đã có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc yêu cầu chủ đầu tư thực hiện quyền lợi của cư dân.
“Theo tôi, chúng ta không nên đặt vấn đề giảm thiểu việc này mà là các yêu cầu của người dân được giải quyết đến đâu. Để có kết quả tốt, các khu chung cư cần nhanh chóng bầu ra ban quản trị là những người có năng lực, kinh nghiệm trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh tại các dự án chung cư. Khi đó, các tranh chấp sẽ được giảm thiểu”, ông Trần Ngọc Quang nhận định.
Còn theo bà Hạnh, để quản lý tòa nhà một cách chuyên nghiệp, trước hết những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quản lý bất động sản phải ý thức được tầm quan trọng của việc quản lý là phải mang lại lợi ích cho người sử dụng, duy trì tính ổn định và nâng cao giá trị bất động sản bằng chất lượng dịch vụ.
“Minh bạch trong công tác quản lý tài chính là mấu chốt để loại trừ các mâu thuẫn giữa các bên liên quan như chủ đầu tư, cư dân, đơn vị quản lý. Cần thiết phải có sự chia sẻ và cùng nhau giải quyết mọi vấn đề khúc mắc để tìm được tiếng nói chung”, bà Hạnh chia sẻ.