SearchNews

Vỉa hè và chuyện kinh tế, văn hóa

03/11/2007 10:57

Có những chuyện xảy ra ở vỉa hè nhưng không thể giải quyết bằng các giải pháp bắt đầu từ vỉa hè. Vì thế, có rất nhiều công văn, chỉ thị nhằm dọn dẹp lề đường trong suốt 25 năm qua. Nhưng, sau các chiến dịch, cảnh buôn bán trên vỉa hè lại tấp nập, đông vui như cũ.

Có những chuyện xảy ra ở vỉa hè nhưng không thể giải quyết bằng các giải pháp bắt đầu từ vỉa hè. Vì thế, có rất nhiều công văn, chỉ thị nhằm dọn dẹp lề đường trong suốt 25 năm qua. Nhưng, sau các chiến dịch, cảnh buôn bán trên vỉa hè lại tấp nập, đông vui như cũ.

“Nền văn minh xe máy” đã tác động một cách trực tiếp đến sự phát triển của “nền kinh tế vỉa hè”. Nhưng không chỉ có yếu tố xe máy. Ở một quốc gia mà nông dân chiếm tới 70% dân số như Việt Nam, làn sóng nhập cư sẽ khiến các đô thị trẻ khó lòng tránh khỏi khuynh hướng bị “phố huyện hóa”. Mà những gì xảy ra trên vỉa hè chỉ là một biểu hiện có thể nhận thấy dễ dàng.

Theo một điều tra do viện Kinh tế TP HCM tiến hành năm 2005 thì phần lớn người buôn bán lưu động trên vỉa hè ở TP HCM đến từ các quận vùng ven hoặc là dân nhập cư đến từ miền Trung, miền Bắc. Những cư dân đô thị (có thâm niên) khác cũng coi buôn bán vỉa hè là kế sinh nhai duy nhất. Đó là lý do mỗi khi bị truy quét, có tới 65% người kinh doanh vỉa hè trở lại hoạt động ngay. Cho dù có chính sách đầu tư thích đáng cho nông thôn, cũng phải mất nhiều thập kỷ nữa mới có thể giảm được những áp lực nhập cư, mới có thể tham khảo “bài học Singapore”.

Nhưng có lẽ, những nhà ban hành chính sách, những người thi hành các chiến dịch dọn dẹp vỉa hè cũng không tìm đủ lý lẽ để thuyết phục vì sao phải triệt để ngăn cản một hoạt động kinh tế đang nuôi sống hàng triệu cư dân ở nhiều thành phố trên cả nước.

Xe máy, loại phương tiện phục vụ 90% nhu cầu đi lại của người dân TP HCM, một mặt, kích thích các hoạt động buôn bán, ngay cả những cửa hiệu trong các nhà phố, cũng có khuynh hướng nhào ra vỉa hè. Những khách hàng đi xe máy thường chỉ muốn tấp vào, ngồi trên xe chờ người bán mang món hàng mình mua ra, trao tận tay. Mặt khác, xe máy có thể sử dụng để đi thẳng tới bất cứ ngóc ngách nào, nhu cầu đi bộ trên nhiều con phố, vì thế, giảm tới mức rất thấp. Có nhiều đoạn vỉa hè, nếu cấm sử dụng sẽ gần như bỏ không. Nếu trên những vỉa hè ấy, không cho buôn bán thì vừa lãng phí tài sản công, vừa tước đi cơ hội kiếm sống của nhiều người dân đô thị.

Buộc các công trình xây dựng mới, thu hút nhiều người tới sinh sống, làm ăn phải dành một diện tích thích hợp làm bãi đậu xe là cần thiết. Và không thể không chấp nhận biến một vài đoạn phố, một vài khúc vỉa hè thành những bãi giữ xe, cho dù xét tiêu chuẩn một thành phố văn minh, xếp xe máy lởm chởm trên vỉa hè như hiện nay là không được mỹ quan.

Sau này, khi xe máy được thay thế bằng xe buýt và các loại phương tiện giao thông công cộng khác, từ nhà ga, dân shopping sẽ đi thẳng tới các trung tâm mua sắm kiểu Diamond hay Parkson. “Văn minh nhà phố” sẽ bị thay thế từng bước, vỉa hè sẽ được khai thác, dù cho mục đích kinh doanh cũng sẽ không giống như những gì mà chúng ta đang thấy. Nhưng muốn thay thế xe máy phải mất nhiều thời gian với một lộ trình hợp lý. Từ tháng 1, chính quyền TP Quảng Châu (Trung Quốc) đã cấm triệt để xe máy. Để đi đến quyết định đó, TP này đã triển khai một hệ thống xe buýt được coi là thuận tiện nhất Trung Quốc, cả cho việc đi lại trong nội thành và từ nội thành đi về các vùng bên ngoài. Cùng lúc, Quảng Châu xây dựng thêm 4 tuyến tàu điện ngầm. Người dân có 60 ngày để chuẩn bị và nay thì bộ mặt Quảng Châu khác xa, kể cả những gì xảy ra trên xa lộ và dưới vỉa hè, so với Quảng Châu của năm 2006.

Nhưng không thể để việc khai thác kinh doanh vỉa hè làm cản trở giao thông. Thậm chí có những đoạn vỉa hè rộng vẫn phải bỏ trống để có thể cho phép xe máy được lưu thông trong những tình huống lòng đường bị ùn tắc. Mỗi đoạn vỉa hè khác nhau nên có một phương án cho khai thác kinh doanh khác nhau. Dành một phần thích hợp cho người đi bộ, khu vực có nhiều khách bộ hành thì để rộng, khu vực hiếm khi mới có một người đi bộ thì chỉ chừa lại một lối đi. Nếu việc sử dụng vỉa hè được công nhận hợp pháp, công khai, chúng tôi tin rằng, những người khai thác, thay vì chụp giựt “năm ăn, năm thua” với công an, sẽ có ý thức giữ gìn đoạn vỉa hè mà mình được phép đó, vừa gọn gàng, vừa sạch đẹp.

Ở những đô thị chưa bao giờ người dân đi lại bằng xe máy, chính quyền vẫn không quá cực đoan khi dọn dẹp vỉa hè. Có những hàng quán vẫn được đặt bàn lấn ra sát lối đi của người đi đường như Paris, New York…

Những đoạn vỉa hè quanh nhà Bưu điện TP, nhìn ra nhà thờ Đức Bà, hay trên các phố Hàn Thuyên, Alexandre de Rhodes… hoàn toàn có thể cho đấu thầu khai thác. Mỗi sáng sớm hay chiều tà có thể đặt ở đó những bàn cafe. Thành phố có thêm nguồn thu nhưng quan trọng hơn là được một góc phố sinh động, thân thiện. Nơi người TP HCM có thể thỉnh thoảng ra đấy, uống một vài ly cà phê giá cao, du khách có thể thường xuyên rủ nhau đến chụp ảnh, tiếp cận với Sài Gòn ở một cự ly gần và lâu.

(Theo SGTT)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu