Hà Nội đã trình văn bản xin ý kiến về Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận lên các bộ, ngành liên quan. Trong đó có việc xây dựng lại nhà ga Hà Nội với nhiệm vụ là ga trung tâm tàu khách và liên vận quốc tế đi tất cả các hướng; xây dựng một số công trình từ 40 đến 70 tầng trong khu vực này.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông, ông Lã Ngọc Khuê bày tỏ sự đồng tình với quan điểm này. Theo ông, quy hoạch xây dựng khá hợp lý vì phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông đường sắt đã được Thủ tướng chấp thuận trước đó. Ga Hà Nội vẫn giữ được vai trò là ga trung tâm. Như vậy, người dân có thể đi tàu từ các tỉnh bên ngoài về Hà Nội, sau đó để vào trung tâm mua sắm có thể đi đường sắt đô thị. Phương án này sẽ giảm tải cho giao thông đường bộ. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng cần điều chỉnh xây dựng các công trình cao tầng về phía Khâm Thiên nhằm bảo tồn các di tích quốc gia.
Theo ông Khuê, không gian của Thủ đô sẽ văn minh hiện đại và có điểm nhấn hơn sau khi cải tạo lại toàn bộ khu dân cư xung quanh ga Hà Nội. Đồ án dự kiến dựng lên nhiều nhà cao tầng, nhưng tái định cư tại chỗ, vì thế sẽ không lo dân từ ngoài vào gây ùn tắc. Ông Khuê nhấn mạnh: "Hiện khu vực xung quanh hồ Linh Quang rất lụp xụp, nếu được cải tạo xây dựng quy mô, thì sẽ là điểm nhấn, đời sống người dân được nâng lên".
Đề xuất xây dựng khu vực ga Hà Nội cao 40-70 tầng. Ảnh: Xuân Hoa.
"Khó giảm tải dân số nội đô nếu cứ xây nhà cao tầng"
Phó chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Hà Nội, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết trước đó, thành phố đã nhiều lần nghiên cứu cải tạo chỉnh trang ga Hà Nội, phố Trần Quý Cáp gắn với khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Lần gần đây nhất là năm 2011 nhưng chưa thành công do nhiều chuyên gia không đồng thuận việc phá dỡ công trình cũ có giá trị.
Ông Nghiêm cho rằng: "Công trình Ga Hà Nội là di sản, nằm trong danh sách bảo tồn nên phải giữ nguyên trạng, không được phá bỏ và xây mới". Ngoài ra, ông cũng cho biết thêm, trong quy hoạch giao thông được Chính phủ phê duyệt năm 2016, ga Hà Nội đóng vai trò là ga trung tâm, đầu mối giao thông cho đường sắt quốc gia và nội đô, chính vì thế các quy hoạch sau không được điều chỉnh công năng.
Một vấn đề nữa khiến ông lo ngại là đồ án quy hoạch xây dựng thêm nhiều nhà cao tầng, bởi hiện tại, toàn thành phố đã có trên 300 nhà cao tầng, trong đó hơn 100 chung cư khiến dân số vượt quy hoạch. Hơn nữa, Hà Nội đã có quy định kiến trúc trên tuyến đường qua ga Hà Nội, từ phố Cửa Nam đến phố Khâm Thiên, vì thế muốn xây nhà cao tầng ở đây thì phải sửa đổi quy định này.
Ông Nghiêm cho biết, nếu xây nhà cao tầng ở khu vực đường Trần Quý Cáp (phía sau ga Hà Nội, gần Văn Miếu - Quốc Tử Giám) có thể ảnh hưởng tới cảnh quan khu vực Hồ Văn, Quốc Tử Giám. "Biện pháp thích hợp là cải tạo, chỉnh trang song chỉ nên xây các công trình dưới 9 tầng", ông nói.
Với thông tin đồ án quy hoạch trên diện tích 98 ha với tổng dân số dự kiến 44.000 người, ông Nghiêm phân tích, mục tiêu của Hà Nội trong thời gian tới là phải giảm dân số nội đô. Theo quy hoạch thì cần giảm từ 1,2 triệu dân xuống còn 0,8 triệu dân trong 4 quận nội đô, để đạt được điều này, Hà Nội cần nghiêm túc giảm dân số, đặc biệt không được tăng thêm hoặc giữ nguyên dân số so với trước.
"Đồ án quy hoạch lý tưởng nhất là giãn người dân sống trong khu vực quy hoạch ra ngoài, để dành đất cho không gian xanh, công trình công cộng vì dân số đang là thách thức của nội đô Hà Nội", Phó chủ tịch Hội quy hoạch đô thị nói.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng không nên xây mới ga Hà Nội vì đây là công trình có nhiều giá trị lịch sử do người Pháp để lại.
Hơn nữa, khu vực Ga Hà Nội là đầu mối giao thông quan trọng trong nội thành, kết nối với nhiều tuyến đường chính như Trần Hưng Đạo, Lê Duẩn, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt. Đây là khu vực thường xuyên bị ùn tắc, tình trạng sẽ càng tắc nghẽn hơn nếu xây dựng công trình cao từ 40-70 tầng.
Về các khu vực phụ cận, ông Liêm cho biết, việc cải tạo, việc xây mới khu dân cư gần một km2 là rất phức tạp bởi những khu vực này hiện dân cư đã sống ổn định. Việc di dời người dân và xây dựng lại không phải là vấn đề đơn giản bởi nhiều dự án cải tạo chung cư cũ thời gian qua đã bị "dậm chân tại chỗ".
Theo ông Liêm: "Nếu xây nhiều chung cư khu vực này thì phải mở rộng tuyến đường xung quanh như Khâm Thiên, Tôn Đức Thắng...". Ông cho rằng "các đơn vị thích nhắm vào các mảnh đất trung tâm do đó là đất vàng, TP Hà Nội phải tỉnh táo trong việc này".
“Quy hoạch cũng cần phải làm rõ khu vực ga Hà Nội còn thiếu cái gì. Theo tôi, công viên, trường học, công trình văn hóa phục vụ đời sống nhân dân trong khu vực cần thiết hơn khu nhà cao như vậy”, ông Phạm Sỹ Liêm nói.
Ngoài ra, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng đề nghị Hà Nội nên tập trung nguồn lực hoàn thiện hạ tầng đang bị trì hoãn ở các khu vực xa trung tâm như Hà Đông, Mỹ Đình, Hoàng Mai hơn là cứ tập trung đầu tư xây dựng các khu "đất vàng” nội thành.
Khu vực dân cư nằm trong đồ án quy hoạch ga Hà Nội.
Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt Việt Nam cho biết, ông chưa nhận được văn bản xin ý kiến của Hà Nội về vấn đề này nên chưa thể nhận định về bản quy hoạch. Tuy nhiên, Minh cũng cho rằng, khu vực ga Hà Nội khá rộng lớn (khoảng 19 ha) nên đồ án quy hoạch cần được xem xét kỹ, nhất là vị trí xây dựng các nhà cao tầng, các công trình được giữ lại để đảm bảo ga Hà Nội hoạt động tốt theo đúng công năng là ga trung tâm.
Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Ngọc Đông cho biết, về vị trí ga Hà Nội và tổ chức giao thông tại đây đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, đã được phê duyệt. Đối với đường sắt khu vực Hà Nội, hiện đã có nhiều quy hoạch như: Quy hoạch đường sắt đầu mối Hà Nội, Quy hoạch phát triển đường sắt quốc gia, Chiến lược phát triển đường sắt quốc gia… Các chuyên gia Nhật Bản đã nghiên cứu xây dựng quy hoạch giao thông đô thị Hà Nội, theo đó, có 8 tuyến tàu điện ngầm, trong đó có tuyến đường sắt đô thị số 1 kết hợp đường sắt nội đô với đường sắt quốc gia.
Thứ trưởng Đông cho biết: “Các quy hoạch đều xác định sẽ có tuyến đường sắt vành đai, có tuyến đường sắt quốc gia xuyên tâm (Yên Viên - Gia Lâm - Hà Nội - đi vào phía Nam). Với các tuyến này, có thể kết nối tàu khách liên vận quốc tế từ Đồng Đăng về tận ga Hà Nội. Hơn nữa, tàu tốc độ cao sau này cũng vào trung tâm ga Hà Nội, giống như tàu TGV của Pháp vào ga trung tâm Paris, như tàu Shinkansen vào Tokyo”.
Đối với tuyến xuyên tâm, chức năng chủ yếu là vận tải khách nên trong quy hoạch tổng thể đã kết hợp đường sắt quốc gia với đường sắt đô thị trên trục này. Từ ga Hà Nội, người dân có thể đi hướng phía Bắc, phía Nam, kết nối vận tải liên vận quốc tế. Ga Hà Nội được xác định là ga trung tâm, các tuyến khác sẽ kết nối vào đây để cung cấp khách hoặc giải tỏa khách.