SearchNews

Bố mẹ xây nhà hoành tráng, vợ chồng tôi ngập trong đống nợ

11/10/2018 16:30

Vốn liếng tích cóp được sau 3 năm làm việc cật lực ở nước ngoài của vợ chồng anh Long đều dồn hết cho bố mẹ làm nhà hoành tráng. Đồng thời, họ còn phải gánh thêm một khoản nợ lớn.

Sau đây là chia sẻ về sai lầm của anh Đức Long (31 tuổi, ở Hà Nội) khi để cha mẹ giữ tiền hộ và không kiên quyết khi phụ huynh quyết định xây nhà to trong lúc vợ chồng anh đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan.

Mới cưới, chưa có con nên vợ chồng tôi quyết định đi xuất khẩu lao động Đài Loan hồi đầu năm 2015 để có chút vốn liếng về sau làm ăn được thuận lợi. Cách đây 6 tháng, chúng tôi trở về quê hương. Tôi hiện đang làm bảo vệ tại một tòa chung cư ở Hà Nội, còn vợ đi làm may. Hoàn cảnh hiện tại của vợ chồng tôi còn kém hơn điểm xuất phát khi rời quê.

Ở xứ người, cuộc sống không hề thuận lợi như nhiều người vẫn nghĩ. Thậm chí, có thời điểm vì phải làm ở một cơ sở tư nhân quá khắc nghiệt, lương thấp nên tôi đã phải trốn ra ngoài, sống nơm nớp sợ hãi lo bị bắt và "tống" về nước khi chưa có đồng nào. Tôi phải làm đêm triền miền sau đó, nhiều lúc tưởng chừng như kiệt sức. Vợ tôi làm giúp việc thuận lợi hơn, thu nhập ổn định những cũng phải chịu không ít ấm ức.

Cả hai đều ăn tiêu tiết kiệm, tích cóp gửi về cho mẹ tôi ở quê trả khoản nợ vay đi xuất khẩu, đồng thời tích lũy lấy vốn làm ăn và xây nhà cửa.

Khi chúng tôi đang ở Đài Loan thì bố mẹ tôi gọi điện sang nói muốn lấy số tiền vợ chồng gửi về để làm nhà hồi giữa năm ngoái. Ông bà bảo muốn làm ngay để khi vợ chồng về có nhà cao cửa rộng, đàng hoàng hơn. Tôi là con trai một, các chị đã đi lấy chồng nên mảnh đất các cụ đang ở sau sẽ là của tôi. 

Lúc đầu, tôi không đồng ý vì muốn khi trở về xây theo ý mình. Tuy nhiên, do bố mẹ thuyết phục mãi đành nghe theo. Song, vấn đề là, trong khi tôi và vợ muốn làm nhà nhỏ 2 tầng thì bố mẹ muốn xây thành 3 tầng cho thoải mái.

xây nhà hoàng tráng, ngập trong nợ nần
Dồn hết tiền cho bố mẹ xây nhà hoành tráng, vợ chồng anh Long không còn dư dả đồng nào, chưa kể còn phải gánh thêm khoản nợ lớn. (Ảnh: Kyotoreview)

Do bất đồng quan điểm nên vợ chồng tôi quyết không gửi tiền về nữa. Cách này cũng không ăn thua bởi ông bà tuyên bố sẽ vay tạm họ hàng, làng xóm để xây nhà, khi nào về thì chúng tôi trả.  

Hôm từ Đài Loan về, vợ chồng tôi vừa vui mừng khôn xiết khi được gặp lại người thân sau 3 năm xa cách, vừa cảm thấy thất vọng khi nhìn ngôi nhà mới cao 3 tầng, diện tích sàn hơn 70m2, hình chữ L, bên trong sơn qua loa, tường ngoài thô kệch. Nội thất vẫn cũ kỹ như trước, duy chỉ có chiếc tivi lớn bố mẹ tôi mua cho phù hợp với phòng khách rộng thênh thang.

Nhận thấy sự thất vọng của các con, bố mẹ tôi chỉ chỏ nói: "Đấy, bố mẹ chưa sắm gì đâu, vợ chồng mày về thích đồ gì thì mua lắp vào."

Sau khi nghỉ ngơi, tiếp đón người thân, bạn bè qua chơi, bố mẹ tôi bắt đầu liệt kê các chủ nợ và khoản nợ vay làm nhà. Chúng tôi thực sự choáng váng khi biết số tiền mình mang về không đủ để trả những khoản nợ này. 

Trong những ngày tiếp theo, vợ tôi mệt nhoài khi phải dọn dẹp ngôi nhà rỗng 5 phòng, chỉ dùng có 2 phòng. Quá nản, vợ tôi đòi đi xuất khẩu lao động tiếp. Trước đó, tôi tính mua lại chiếc máy may để vợ tôi nhận việc về làm, nhưng giờ đã cạn tiền, chưa kể khoản nợ lớn. Tôi cũng không thể hiện thực hóa ý tưởng mở cửa hàng buôn bán mà phải nhanh chóng tìm tạm việc ra tiền ngay. 

Nhìn ngôi nhà tôi rất chán nản bởi đụng tới góc nào là không ưng góc đó. Phòng bếp, nhà vệ sinh đều lớn và công năng bố trí không hợp lý. Cầu thang làm kiểu cũ với nhiều đồ đạc không cần thiết ở dưới gầm. Cửa chính và hệ thống cửa sổ cũng không ăn nhập với nhau. Ngôi nhà mà tôi mơ ước không giống thế này và cũng không quá tốn kém như thế.

Cả hai vợ chồng tôi hiện đang làm thuê ở Hà Nội để kiếm tiền trả nợ. Thi thoảng cuối tuần chúng tôi mới về thăm nhà. Tuy rất khó chịu khi rơi vào hoàn cảnh này nhưng tôi không dám trách móc bố mẹ. Bởi lẽ, chính tôi đã không có kế hoạch ngay từ đầu, cũng không kiên quyết phản đối khi bố mẹ định xây nhà nên mới rơi vào cảnh éo le như này.  

Chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân, gia đình Bội Lê (Tp.HCM) cho rằng, nguyên tắc tối quan trọng để đảm bảo an toàn tài chính là tuyệt đối không đưa tiền của mình cho người khác tiêu, đồng thời cũng nên tránh sử dụng tiền của người khác. Đối với trường hợp của anh Long, nguyên tắc này đã bị phá vỡ. Hiện nay, tình huống này cũng khá phổ biến khi nhiều bố mẹ vẫn quan niệm gia tài của mình sẽ dành hết cho con, tiền con làm ra cũng để phục vụ gia đình.

Theo chuyên gia này: "Hai vợ chồng anh Đức Long bị rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan" khi bố mẹ đã quyết làm nhà thay họ. Mặc dù bố mẹ cũng có lỗi nhưng lỗi lớn là do hai vợ chồng không có kế hoạch quản lý tiền bạc và mục tiêu kinh tế rõ ràng. Để tránh rơi vào tình cảnh này, các bạn phải luôn tự kiểm soát tài chính cá nhân, không nên gửi bất cứ ai, cho dù là người thân. Đặc biệt, cần đưa ra quan điểm rõ ràng, dứt khoát trước các công việc hệ trọng như xây nhà, mua đất...".

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu