Ở không được bán không xong
Cách đây hơn chục năm, bố mẹ chồng chị Vân mua một mảnh đất hơn 60m2 nằm trong hẻm nhỏ ở quận Thanh Xuân. Bố mẹ chị kể khi đó nhà cửa còn khá thưa, xung quanh thoáng đãng. Ông bà tính lâu dài, chia khu đất làm hai phần, xây 2 ngôi nhà 4 tầng, mỗi căn khoảng 30m2, chừa một khoảng sân nhỏ phía trước làm chỗ dắt xe vào nhà. Ông bà có hai người con là chồng chị Vân và một chị gái nên chỉ ở hết một ngôi nhà, căn còn lại cho thuê.
Lúc chị Vân về ở thì chị gái cũng đi lấy chồng nên hai vợ chồng chị ở cùng ông bà. Đang quen ở chung cư rộng rãi, chị Vân thấy rất bức bí với ngôi nhà 4 tầng, chỉ đi lên đi xuống và lau dọn cũng đủ mệt. Ngại nhất là nhà nằm trong con ngõ nhỏ xíu, ra vào rất bất tiện, lại vướng cột điện, dây nhợ, hàng xóm đua ra phía trước khiến không gian sống rất ngột ngạt.
Mấy năm nay ngôi nhà đã xuống cấp nhưng gia đình chị Vân muốn xây mới cũng dở. Ngõ vào quá nhỏ, nếu muốn xây dựng phải đổ nguyên liệu ở tít phía ngoài nhà văn hóa thôn, đêm sẽ dùng xe nhỏ chở vào, chi phí thuê nhân công rất tốn kém.
|
Những ngôi nhà to trong hẻm nhỏ thường bị định giá thấp hơn tài sản tương đương ở hẻm lớn. Ảnh minh họa |
Chị Vân từng bàn với ông bà bán cả 2 nhà mua chỗ khác có diện tích nhỏ hơn, ngõ to hơn để thuận tiện sinh hoạt và xây sửa nếu cần. Tuy nhiên, dù nhiều lần rao bán nhưng đều không thành công. Người trả rẻ quá, người chê nhà xuống cấp, tốn kém chi phí xây lại. Nếu bán lẻ từng ngôi nhà cũng không ai muốn mua, vì hai nhà xây tường chung. Đến nay gia đình chị Vân vẫn phải bám trụ trong căn nhà này vì chưa đủ tài chính xây mới, bán rẻ quá cũng tiếc. Ai nhìn vào cũng lắc đầu, tiếc miếng đất vuông vắn, rộng rãi mà kẹt trong con hẻm nhỏ, ở khổ, bán khó.
Cũng mua nhà ngõ nhỏ lại xa trung tâm, anh Phương kể đã rất hối hận với quyết định này. Năm 2010, anh dồn tiền mua đất xây nhà 4 tầng trong ngõ nhỏ ở quận Bắc Từ Liêm với tổng số tiền 2 tỉ đồng, đây là con số khá lớn tại thời điểm đó. Vậy nhưng, chỉ sau 1 năm ở, anh Phương đã thấy hối hận vô cùng về quyết định này. Ngõ nhỏ khiến việc đi lại bất tiện lại xa trung tâm nên dù nhà to anh vẫn thấy cuộc sống không được như ý, chỉ thấy lãng phí. Hầu như nhà anh chỉ ở tầng 1 và nửa tầng 2, còn lại toàn bộ tầng 3-4 bỏ không. Vì nằm trong ngõ nhỏ nên qua nhiều năm ngôi nhà của anh Phương thậm chí còn bị sụt giảm giá trị, hiện giờ nếu bán cũng chỉ được gần 2 tỷ. Anh Phương cho biết, nếu được chọn lại anh sẽ mua căn hộ 60-70m2 gần trung tâm tiện cho việc đi làm.
Nếu chỉ đủ tiền mua nhà trong hẻm nhỏ cần lưu ý gì?
Tuy nhà trong hẻm nhỏ có nhiều bất lợi nhưng không phải ai cũng đủ tài chính để mua nhà trong hẻm xe hơi. Vậy nếu chỉ đủ điều kiện mua nhà hẻm nhỏ, người mua cần lưu ý những gì? Theo chia sẻ từ nhiều bạn đọc, Batdongsan.com.vn nhận thấy có 5 yếu tố người mua cần lưu ý khi mua nhà trong hẻm nhỏ như sau:
1. Lộ giới hẻm
|
Hẻm lớn sẽ ít có rủi ro về lộ giới hơn hẻm nhỏ. Ảnh minh họa |
“Lộ giới” hay “chỉ giới đường đỏ” là thuật ngữ được dùng để chỉ ranh giới quy hoạch mở đường hoặc mở hẻm. Theo quy định, chiều rộng tối thiểu của hẻm phải đạt 3,5m. Do đó nếu hẻm dưới 3,5m cần lưu ý mốc lộ giới và người dân không được phép lấn chiếm, xây nhà đè lên mốc lộ giới này. Tuy nhiên, một số chủ nhà muốn tăng diện tích ở vẫn cố tình xây lấn lên lộ giới nên nếu không tìm hiểu kỹ, sau này khi mở rộng hẻm bạn sẽ bị mất phần nhà và đất xây sai phạm. Nếu mua đất trong hẻm rồi tự xây nhà bạn cũng cần kiểm tra kỹ thông tin lộ giới để không xây đè lên phần đất này.
2. Hẻm quá nhỏ
Không nên mua nhà trong những con hẻm chỉ có 1 xe máy đi qua được, không chỉ bất tiện trong sinh hoạt, vận chuyển hàng hóa mà còn nguy hiểm khi có cháy nổ. Nếu hẻm nhỏ nhưng ngắn, lưu thông ra ngõ hoặc đường lớn dễ dàng thì có thể cân nhắc.
3. Diện tích thực của ngôi nhà
Những ngôi nhà trong ngõ hay có tình trạng lấn chiếm đất xây thêm, vì vậy cần kiểm tra kỹ diện tích thực căn nhà trên sổ đỏ. Nếu diện tích thực lớn hơn nghĩa là chủ nhà đã lấn chiếm. Với những ngôi nhà này, người mua có thể thương lượng chỉ tính tiền mua phần diện tích có trong sổ đỏ. Nếu là nhà cấp 4, diện tích dưới 30m2 thì cần có giấy phép xây dựng nếu không người mua sẽ mất thêm khá nhiều chi phí để xin được giấy này.
4. Vị trí nhà
Không nên chọn nhà nằm ở những vị trí bất lợi như ngõ cụt, xung quanh nhà hàng xóm đua ra che kín mặt thoáng…
5. Pháp lý ngôi nhà
Những ngôi nhà nằm sâu trong ngõ người dân thường dễ xây chui nên khi mua cần kiểm tra kỹ yếu tố pháp lý, giấy hoàn công, nhà có xây không phép hay đất dính quy hoạch không… Các thông tin này có thể kiểm tra ở địa chính phường và hỏi hàng xóm xung quanh.
Ngoài những bất tiện trong sinh hoạt và rủi ro pháp lý, nhà trong hẻm nhỏ còn dễ bị giảm giá trị so với tài sản tương đương trong ngõ lớn. Nhà trong hẻm nhỏ cũng dễ bị ép giá khi cần tiền gấp và bị định giá thấp hơn khi cần thế chấp vay vốn ngân hàng. Do đó, dù tài chính eo hẹp, người mua cũng cần cân nhắc kỹ trước khi xuống tiền với nhà trong hẻm nhỏ. Không nên xây hoặc mua nhà quá to trong hẻm nhỏ để tránh nguy cơ “tiến thoái lưỡng nan”. |
Hải Âu
>> Nên mua nhà nhỏ trong hẻm to hay nhà to trong hẻm nhỏ?
Link bài viết gốc
http://thanhnienviet.vn/2020/06/11/hem-nho-xay-nha-hoanh-trang-o-khong-duoc-ban-khong-xong/
Theo Tạp chí Thanh Niên