Chị Loan mua một khu đất ở vùng ven Sài Gòn nhiều năm trước, dự định hai vợ chồng sẽ chuyển về sinh sống sau khi nghỉ hưu. Mảnh đất chị mua rộng khoảng 1.000m2 sở hữu địa thế đẹp với con sông nhỏ sau nhà cùng con đường 12m và rạch nước 5m chạy phía trước.
Vào năm 2006, chị mới tính xây nhà 2 tầng theo phong cách kiến trúc Nhật Bản trên diện tích 300m2, còn lại làm sân vườn trồng hoa, nuôi cá. Chị Loan đã thuê công ty kiến trúc lập bản vẽ chi tiết với giá 160 triệu đồng. Sau khi thủ tục xin cấp phép xây dựng hoàn thành, chị cho san lấp cả nghìn m2 mặt bằng.
Tuy nhiên, khu đất của chị nằm ở một ốc đảo thưa dân, nhà cửa còn chưa kiên cố. Để có thể vào được khu đất, chỉ có một con đường duy nhất đi qua một cây cầu tạm bợ bắc ngang con rạch, chỉ đủ an toàn cho xe đạp, xe máy, người đi bộ. Thế nên, chị Loan muốn làm một cây cầu kiên cố hơn để ô tô đi lại, vận chuyển vật liệu xây dựng.
|
Không ít gia chủ mua đất để xây nhà nhưng không tìm hiểu kỹ hạ tầng xung quanh. (Ảnh minh họa: Cát Mộc) |
Vậy nhưng, gia đình bên kia cầu đã phản đối kế hoạch của chị. Với lý do "cây cầu chĩa thẳng vào nhà sẽ khiến gia đình tôi gặp xui xẻo", người hàng xóm không đồng ý xây cầu.
Trên thực tế, nhà hàng xóm có mặt tiền rộng đối diện rãnh nước nên xây cầu ở đâu cũng đâm thẳng vào nhà họ. Mặc dù chị Loan có đề nghị sẽ đền bù một khoản tiền song họ vẫn không đồng ý. Suốt hơn 2 năm, tranh chấp này vẫn không thể giải quyết, do dó chị Loan bán khu đất và từ bỏ ý định xây nhà.
Câu chuyện của anh Vỹ (Bình Chánh) cũng tương tự. Do không tìm hiểu kỹ nên anh phải bán rẻ khu đất đã mua. Anh mua lô đất rộng 180m2 (6x30m) và lên kế hoạch xây nhà. Điều đáng nói là, khi xin giấy phép xây dựng, anh mới biết khu đất nằm dưới đường dây điện 500 KV và dĩ nhiên anh không thể xây nhà cao tầng. Mặt khác, qua tìm hiểu những nhà xung quanh, anh mới biết các thiết bị điện cũng bị ảnh hưởng như tivi nhiễu sóng. Tuy đã mua đất một thời gian dài nhưng vợ chồng anh Vỹ vẫn chưa thể "an cư lạc nghiệp".
Gia đình anh Quang (Bình Tân) mua nhà xây sẵn với đầy đủ giấy tờ nhưng vẫn gặp nhiều rắc rối bởi không tìm hiểu kỹ quy hoạch. Khi phá dỡ nhà cũ và xin giấy phép xây nhà mới, anh mới biết nhà thuộc diện quy hoạch, giải tỏa làm đường.
Theo kiến kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền, để mua được nhà đất, hầu hết các gia đình phải làm lụng chắt chiu suốt nhiều năm liền. Nhiều người thấy khu đất đẹp, giá hợp lý đã vội vàng mua mà không tìm hiểu kỹ về hạ tầng xung quanh.
Chuyên gia này khuyên rằng, trước khi mua nhà đất, bạn nên tìm hiểu về quy hoạch, hạ tầng. Chẳng hạn như, mảnh đất phải có lối vào thuận lợi, không hay bị úng ngập, thuộc khu được xác định làm nhà ở. Cùng với đó, bạn cũng nên tìm hiểu mình có được xây như số tầng, diện tích mong muốn không.
Ngoài ra, gia chủ nên quan tâm tới vấn đề an ninh, mặt bằng dân trí trong khu vực. Bạn chỉ nên xuống tiền mua nhà sau khi hài lòng với tất cả những yếu tố trên.