So với các năm trước đây, lượng doanh nghiệp thành lập mới cũng như số vốn đăng ký trong năm 2019 đạt mức cao nhất với hơn 138.000 doanh nghiệp, tỷ lệ tăng 5,2%. Các ngành xây dựng; công nghiệp chế biến chế tạo; sửa chữa ô tô, xe máy; bán buôn bán lẻ... có lượng doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhất. Giữ vị trí đầu tiên trong nhóm ngành kinh doanh chính có lượng doanh nghiệp đăng lý tạm ngừng hoạt động gia tăng là bất động sản.
Theo báo cáo của Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT), có 598 doanh nghiệp địa ốc đăng ký tạm dừng hoạt động trong năm 2019, tăng 36,8%; theo sau là lĩnh vực tài chính ngân hàng, bảo hiểm.
Đứng đầu nhóm ngành có tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp giải thể vẫn là bất động sản với 686 doanh nghiệp, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 39,4%.
|
Lượng doanh nghiệp bất động sản tạm ngừng hoạt động, giải thể tăng mạnh trong năm 2019. |
Tuy nhiên các chuyên gia địa ốc nhận định, tỷ lệ doanh nghiệp bất động sản giải thể và ngừng hoạt động gia tăng là điều được dự đoán từ trước trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn, nhất là về nguồn vốn.
Ngân hàng Nhà nước vừa tiếp tục giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung hạn và dài hạn xuống còn 40% và sẽ giảm xuống 37%; 34%; 30% theo từng mốc thời gian cụ thể. Thị trường bất động sản bị ảnh hưởng lớn bởi động thái này, doanh nghiệp gặp khó trong việc tìm kiếm nguồn vốn thay thế vốn tín dụng.
Doanh nghiệp địa ốc dễ mất cân đối tài chính, phá sản khi gặp biến động không theo kế hoạch. Bởi lẽ, các công ty kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản vốn dĩ phải chịu nhiều rủi ro lớn về tài chính, thị trường, hệ số vay nợ lớn so với vốn chủ sở hữu...
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, chuyên gia của Savills, trong các năm gần đây, thị trường chứng kiến nhiều doanh nghiệp nhỏ vay nợ nhiều, bị phá sản khi gặp biến cố. Tỷ lệ doanh nghiệp địa ốc phá sản cao hơn những lĩnh vực còn lại.
Ông Sơn nhìn nhận: "Khó khăn thì rõ ràng ngày càng khó khăn hơn, phá sản hoàn toàn có thể xảy ra nhưng đây vẫn chưa phải là bước đường cùng, các doanh nghiệp cũng có thể tìm kiếm nguồn vốn từ nhiều kênh khác nhau từ các kênh khác như trái phiếu hoặc kêu gọi hợp tác đầu tư…".