SearchNews

Người mua nhà gặp khó vì ngân hàng tăng lãi suất cho vay mua bất động sản

16/07/2018 16:20

Việc các ngân hàng thương mại tăng lãi suất cho vay mua bất động sản (BĐS) khiến không ít người mua nhà cảm thấy lo lắng bởi số tiền lãi sẽ bị đội lên so với dự định lúc đầu.

Cùng với đó, các doanh nghiệp BĐS và nhà đầu tư lại lo lắng về vấn đề nguồn vốn đầu tư đang bị siết chặt và các ngân hàng không còn mặn mà với cho vay bất động sản.

Gần đây, Ngân hàng Eximbank đã thông báo tăng lãi suất cho vay BĐS gồm mua căn hộ, sửa nhà, xây nhà lên 11%, tức tăng 1% so với trước đây. Trên thị trường, một số ngân hàng như Vietcapital Bank, SHB, OCB… hiện đang cho vay mua nhà với lãi suất từ 11,5-12%/năm, thậm chí các ngân hàng như VietABank, Sacombank đang duy trì lãi suất ở mức 12,5%/năm hoặc hơn.

lãi suất cho vay
Lãi suất cho vay mua BĐS tăng khiến người mua nhà để ở gặp khó khăn.

Lãi suất tăng đồng nghĩa với số tiền lãi hàng tháng cũng tăng khiến cho những ai đang vay nhà đều phải điều chỉnh lại kế hoạch tài chính của mình. Với những ai đang có giấc mơ vay ngân hàng để tìm một chốn an cư cũng gặp khó khăn.

Giống như những người thu nhập thấp khác, vợ chồng anh Võ (quận Tân Bình, Tp.HCM) đang muốn tìm mua một căn hộ giá rẻ sau bao năm dành dụm. Tuy nhiên, khi lãi suất cho vay mua nhà tăng như vậy, vợ chồng anh đành phải dành dụm thêm và tiếp tục chờ đợi.

Vợ chồng anh tâm sự: "Khả năng mua được nhà của chúng tôi bao lâu nay rơi vào thế khó, nếu như không muốn nói là đang xa rời tầm tay vì chi phí ngày một tăng cao".

Bên cạnh việc tăng lãi suất, nhiều ngân hàng còn giảm khoản cho vay xuống còn khoảng 40-50%, thậm chí là 30% giá trị BĐS được thẩm định thay vì 70-80% như trước đây nhằm ngăn ngừa rủi ro tín dụng tăng nóng và nợ xấu phát sinh. Điều này càng thu hẹp cơ hội mua nhà của người có thu nhập thấp.

Với các nhà đầu tư, nhiều chuyên gia đã đưa ra cảnh báo về rủi ro lãi suất với các khoản vay trung dài hạn để đầu tư, tiêu dùng hoặc mua nhà đất. Trước hết, đó là yếu tố lạm phát đang đối mặt với áp lực tăng. Trước thực trạng giá dầu tăng và điều chỉnh giá dịch vụ hàng hóa công thì lạm phát tăng cao trở lại gây áp lực lên lãi suất là điều tất yếu.

Thứ hai là tỷ giá liên tiếp đi lên trong thời gian gần đây khiến các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất đầu vào để có thể duy trì sức hấp dẫn của tiền gửi. Theo nguyên lý nước lên, lãi suất đầu vào tăng sẽ khiến lãi suất cho vay đầu ra tăng lên.

Tiến sĩ Trương Huy Mai (RMIT) cho rằng, chính sách tăng lãi suất cho vay mua nhà nhằm thực hiện mục tiêu điều chỉnh thị trường BĐS nhưng lại vô tình ảnh hưởng lớn đến những người có nhu cầu mua nhà ở thực. Có hai đối tượng khách hàng chính của ngân hàng thương mại là khách hàng doanh nghiệp kinh doanh BĐS và khách hàng là người mua nhà. Trong đó, những người có nhu cầu mua nhà ở thực là đối tượng chịu thiệt thòi nhất khi các ngân hàng tăng lãi suất và siết room tín dụng. Tiến sĩ Trương Huy Mai bày tỏ: "Đối tượng này đã ít tiền mà lại càng ít sự lựa chọn nguồn vốn vay nên sắp tới sẽ không thể tiếp cận được các sản phẩm nhà ở ngày đang khan hiếm nguồn cung".

Theo ý kiến của một số chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế cho vay ưu đãi và khuyến khích các chủ đầu tư phát triển các dự án nhà ở thương mại có mức giá bình dân (1-2 tỷ đồng/căn) để đáp ứng nhu cầu của đại đa số người dân hiện nay, đồng thời không hạn chế room tín dụng đối với những chủ đầu tư phát triển loại hình sản phẩm nhà ở này. Cũng theo các chuyên gia, các ngân hàng thương mại nên có chính sách cho vay thuận lợi đối với những khách hàng vay mua nhà lần đầu, những khách hàng vay với mục đích để ở chứ không phải đầu tư.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu