Những thông tin hữu ích về việc mua chung cư trả góp sẽ được Dothi.net chia sẻ trong bài viết dưới đây. Qua đó, bạn đọc sẽ có cái nhìn tổng quan về nhà chung cư trả góp, quy trình mua chung cư trả góp, cách tính tiền mua chung cư trả góp, cách tính lãi suất vay ngân hàng mua chung cư...
Mua chung cư trả góp là gì?
Mua chung cư trả góp là việc bạn mua nhà chung cư nhưng không phải thanh toán 100% tiền mua nhà tại thời điểm ký hợp động mua bán căn hộ. Thay vì thế, chủ đầu tư sẽ kết hợp cùng ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng để cho người mua nhà vay khoảng 70% giá trị căn hộ. Khi đó, căn hộ bạn mua sẽ trở thành tài sản thế chấp cho chính khoản nợ này. Người mua nhà sẽ trả dần lãi vay lẫn nợ gốc cho ngân hàng trong một khoảng thời gian nhất định do hai bên thỏa thuận.
Như vậy, mua căn hộ trả góp thực chất là một hình thức vay vốn ngân hàng thế chấp bằng tài sản hình thành từ nguồn vốn đó. Hình thức tín dụng này có lợi cho người có nhu cầu thật. Họ chỉ cần thanh toán trước một phần kinh phí là có thể nhận căn hộ ở ngay. Người mua nhà sẽ trả góp số tiền còn lại theo hình thức dư nợ giảm dần.
Thời gian trả nợ gồm hai hình thức là dài hạn và ngắn hạn. Người mua nhà có thể thanh toán tiền lãi vay và tiền gốc theo kỳ hạn. Mức lãi suất cũng như số tiền trả nợ mỗi kỳ do đôi bên thỏa thuận trong hợp đồng.
Có nên mua chung cư trả góp?
Nhà chung cư trả góp là phương thức vay mua nhà phổ biến hiện nay, được nhiều gia đình lựa chọn. Tuy nhiên, hiện nhiều người vẫn rất băn khoăn về việc có nên mua nhà trả góp không. Tùy nhu cầu, điều kiện tài chính mà bạn chọn mua nhà trả góp hay không. Nhìn chung, phương thức mua căn hộ chung cư trả góp có nhiều lợi thế, nhất là với người thu nhập thấp.
|
Mua chung cư trả góp là xu hướng thịnh hành hiện nay, được nhiều gia đình trẻ lựa chọn. |
-
Thứ nhất, chọn mua căn hộ trả góp, bạn hoàn toàn có thể sở hữu ngôi nhà của riêng mình/gia đình mình khi chưa đủ tiền thanh toán 100% giá trị căn hộ.
-
Thứ hai, với chung cư trả góp, người thu nhập thấp, thu nhập trung bình, các hộ gia đình trẻ chưa có nhiều tích lũy tài chính có thể thoát khỏi cảnh ở trọ chật chội, "an cư lạc nghiệp".
-
Thứ ba, thời hạn trả nợ ngân hàng được kéo dài nhiều năm, lên tới 20-30 năm tùy từng ngân hàng. Theo đó, người vay mua nhà không bị quá áp lực về mặt tài chính, quá chật vật trong trang trải chi tiêu hàng tháng.
-
Thứ tư, khi vay mua nhà trả góp, người vay có thể chọn hình thức trả nợ linh hoạt. Bạn có thể chọn trả góp tiền lãi, nợ gốc hàng tháng bằng tiền lương của mình hoặc trả nợ ngân hàng theo từng quý với lãi suất và số vốn cam kết.
Hiện nay, ngân hàng có thể cho vay đến 70% giá trị căn hộ nhưng để đảm bảo an toàn, bạn chỉ nên mua chung cư trả góp khi trong tay có ít nhất 50% vốn. Mặt khác, nên chọn dự án ở khu vực dễ chuyển nhượng lại, có tiềm năng tăng giá. Bởi lẽ, người mua căn hộ cần phải tính tới trường hợp xấu nhất là không thể duy trì việc trả góp chung cư thì có thể bán lại nhà một cách nhanh nhất, tránh rơi vào cảnh bị siết nợ.
Tuy thời hạn vay càng dài thì khoản trả nợ gốc hàng tháng càng ít nhưng số lãi cuối kỳ càng cao. Trong khi đó, nếu chọn thời hạn ngắn thì áp lực trả nợ gốc và lãi vay hàng tháng lớn, bù lại sẽ bớt được phần lãi cuối kỳ. Vậy nên, người mua nhà cần cân nhắc kỹ để cân đối được hai khoản này.
Giới chuyên gia tài chính cho rằng, trước khi quyết định mua căn hộ trả góp, người mua nhà nên nhờ nhân viên ngân hàng tư vấn kỹ về thời hạn vay, khoản phải trả mỗi tháng tại từng thời điểm, biến động lãi suất... Cần đảm bảo số tiền phải trả nợ hàng tháng ít hơn khoản thu nhập còn lại sau khi đã trừ đi khoản chi tiêu cố định, khoản gửi tiết kiệm dự phòng, chi phí bảo hiểm (nếu có). Đây là khoản dự phòng bạn có thể sử dụng cho trường hợp lãi suất tăng hơn dự kiến.
>>> Xem thêm:
Vay mua căn hộ trả góp cần những điều kiện gì?
Để được ngân hàng cho vay mua chung cư trả góp, người mua nhà cần phải đáp ứng một số điều kiện như sau:
Đây là yếu tố bắt buộc khi ngân hàng xét duyệt hồ sơ cho vay mua chung cư trả góp. Lịch sử tín dụng sẽ cho biết bạn có tuân thủ những quy định, điều kiện về trả nợ đúng hạn, thanh toán tiền lãi kịp thời không, có tất toán đúng thời hạn... Sau đây là một số trường hợp phổ biến về lịch sử tín dụng của khách hàng:
- Chưa từng có giao dịch tín dụng tại ngân hàng:
Có nghĩa là, bạn chưa từng vay vốn ngân hàng mua nhà đất, vay tín chấp, vay kinh doanh, mua sắm trả góp tại các trung tâm thương mại có liên kết với các tổ chức tài chính. Nếu thuộc trường hợp này, người mua nhà dễ dàng, nhanh chóng tiếp cận vốn vay ngân hàng hơn.
- Đã có giao dịch tín dụng tại ngân hàng, tổ chức tài chính:
+ Trường hợp bạn thực hiện đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ thanh toán nợ đến kỳ hạn cho ngân hàng hoặc trả chậm trong thời gian cho phép thì vẫn đảm bảo đủ điều kiện vay mua chung cư trả góp.
+ Trường hợp phạm phải một trong những điều không tốt như không thanh toán hoặc chậm thanh toán các khoản nợ thẻ tín dụng; không thanh toán hoặc chậm thanh toán tiền trả góp hàng tháng; mất khả năng thanh toán nợ vay, bị tịch biên tài sản thế chấp... thì bạn ít có cơ hội được duyệt hồ sơ vay vốn mua nhà trả góp. Lý do là, bạn đã nằm trong danh sách nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng toàn quốc.
|
Với lịch sử tín dụng "sạch", bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng mua trả góp căn hộ chung cư. |
Như vậy, để có thể tiếp cận vốn vay mua nhà một cách thuận lợi, nhanh chóng thì bạn nên có lịch sử tín dụng "sạch", không vướng phải những điều không tốt trong quá khứ như thanh toán chậm tiền trả góp hàng tháng, không hoặc chậm thanh toán các khoản nợ thẻ tín dụng, mất khả năng thanh toán nợ, bị kiện ra tòa vì không thanh toán nợ...
-
Công việc ổn định, thu nhập đảm bảo khả năng trả nợ
Các ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay thường quan tâm hàng đầu tới tính ổn định trong công việc của khách hàng vay vốn. Công việc ổn định với thâm niên cao cho thấy bạn là người có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, thu nhập này phải đảm bảo khả năng trả nợ, tức là thu nhập của bạn sau khi trừ đi khoản nợ vay ngân hàng thì vẫn đáp ứng được các nhu cầu sinh hoạt thiết yếu hàng tháng của gia đình bạn.
Mặt khác, để tạo thêm niềm tin cho ngân hàng, bạn nên cung cấp thêm các thông tin như thăng chức, tăng lương hoặc chuyển việc, có ngắt quãng nhưng việc làm vẫn đảm bảo tính liên tục, đảm bảo thu nhập. Trường hợp phần lớn thu nhập của bạn đến từ hoa hồng, tiền thưởng thì cũng nên chứng minh cho ngân hàng thấy sự đáng tin cậy của khoản thu nhập đó.
Thông thường, ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng sẽ yêu cầu khách vay vốn cung cấp hợp đồng lao động để chứng minh công việc của bạn là liên tục trong 2 năm gần nhất, cùng với đó là bản sao kê bảng lương 3 tháng gần nhất. Thậm chí, ngân hàng có thể yêu cầu khách vay vốn cung cấp thông tin tài khoản tiết kiệm, đầu tư để phân tích dòng tiền.
-
Có tài sản thế chấp đáp ứng điều kiện vay vốn
Khi vay vốn ngân hàng mua trả góp chung cư, tài sản thế chấp đảm bảo cho khoản vay thường là căn hộ chung cư hoặc nhà, đất hoặc tài sản khác phù hợp. Những tài sản thế chấp này cần đáp ứng đầy đủ điều kiện vay mua căn hộ trả góp như không thuộc diện quy hoạch, không có tranh chấp, có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp...
Nếu tài sản thế chấp chính là căn hộ dự định mua thì khi chọn mua căn hộ, bạn cũng nên xem xét, cân nhắc xem liệu tài sản đó có đảm bảo đủ điều kiện vay vốn tại ngân hàng hay không.
Khi mua trả góp chung cư, người mua thường phải chuẩn bị sẵn vốn tự có khoảng 30% giá trị tài sản định mua. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, người mua nhà nên chuẩn bị ít nhất 40% giá trị bất động sản muốn mua nhằm đảm bảo khả năng tài chính khi vay vốn ngân hàng hay tổ chức tài chính tín dụng. Điều này cũng giúp giảm thiểu áp lực trả nợ và gánh nặng lãi suất.
Thủ tục, quy trình mua chung cư trả góp
Khi mua nhà chung cư trả góp, bạn sẽ thực hiện theo trình tự các bước như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Có 3 loại hồ sơ bạn cần chuẩn bị khi mua nhà đất trả góp: Hồ sơ nhân thân, hồ sơ chứng minh mục đích sử dụng vốn và hồ sơ chứng minh thu nhập.
- Chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu
- Giấy từ chứng minh tình trạng hôn nhân: Giấy đăng ký kết hôn nếu đã kết hôn; giấy xác nhận tình trạng hôn nhân nếu chưa kết hôn, bạn đến UBND phường/xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú để xin giấy xác nhận độc thân.
- Sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú KT3. Nếu khoản vay mua chung cư trả góp tại nơi khác quê quán của người mua nhà thì ngân hàng yêu cầu phải có KT3 tại nơi vay vốn.
- Hồ sơ chứng minh mục đích sử dụng vốn:
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu và hồ sơ pháp lý của nhà đất bạn dự định mua.
- Chứng từ nộp tiền các lần đã thanh toán vốn tự có.
- Hợp đồng mua bán nhà.
- Giấy đề nghị vay vốn theo mẫu của ngân hàng.
- Hồ sơ chứng minh thu nhập:
- Trường hợp thu nhập từ lương, phụ cấp cùng các khoản tương đương:
+ Nếu nhận lương chuyển khoản thì cần có hợp đồng lao động hoặc sao kê tài khoản nhận lương.
+ Nếu nhận lương tiền mặt thì cần có bảng lương và xác nhận lương của công ty.
- Trường hợp thu nhập từ cho thuê tài sản:
+ Ảnh chụp tài sản cho thuê
+ Giấy tờ pháp lý tài sản cho thuê
+ Chứng từ nhận tiền thuê 3 lần gần nhất
+ Hợp đồng cho thuê tài sản.
- Trường hợp thu nhập từ kinh doanh:
+ Giấy Đăng ký kinh doanh doanh nghiệp/hộ cá thể
+ Giấy từ thể hiện kết quả kinh doanh: Báo cáo tài chính của công ty, sổ sách ghi chép bán hàng, tờ khai thuế, chứng từ nộp thuế...
Ngoài ra, nếu bạn đang có khoản vay tại ngân hàng hay tổ chức tín dụng khác thì cần chuẩn bị thêm các loại giấy tờ khác như sao kê tài khoản thanh toán, hợp đồng tín dụng...
|
Hồ sơ vay mua nhà trả góp đầy đủ và hợp lệ, ngân hàng sẽ thông báo và sớm hoàn tất thủ tục giải ngân theo quy định hiện hành. |
Bước 2: Thẩm định, định giá tài sản
Sau khi bạn nộp hồ sơ với đầy đủ giấy tờ, thông tin theo quy định, ngân hàng sẽ tiến hành bước tiếp theo là thẩm định hồ sơ vay của khách hàng. Thông thường, quy trình thẩm định gồm:
- Kiểm tra lịch sử tín dụng và điểm tín dụng của khách hàng có nhu cầu vay vốn mua nhà trả góp.
- Thẩm định thực tế nơi cư trú, nơi kinh doanh/làm việc và thực địa định giá tài sản đảm bảo.
Lưu ý, việc định giá tài sản đảm bảo có thể được thực hiện đồng thời hoặc thực hiện sau khi có quyết định chấp thuận cho vay vốn của ngân hàng.
Việc định giá giá trị tài sản đảm bảo sẽ do ngân hàng hoặc công ty định giá độc lập thực hiện. Tùy theo quy định của mỗi ngân hàng, chi phí định giá do ngân hàng hoặc khách hàng chi trả.
Bước 3: Giải ngân
Khi hồ sơ vay vốn của người mua nhà đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định, ngân hàng sẽ thông báo và hoàn thiện các thủ tục giải ngân. Có 2 trường hợp sau:
Nếu đã hoàn tất thủ tục sang tên: Hai bên ký hợp đồng thế chấp công chứng, đăng ký giao dịch đảm bảo tại Văn phòng đăng ký đất đai huyện/quận hoặc thành phố/tỉnh. Ngân hàng sẽ giữ bản chính giấy chứng nhận quyền sở hữu trước khi giải ngân.
Nếu chưa hoàn thành thủ tục sang tên: Ngân hàng và bên mua nhà, bên bán nhà sẽ ký thỏa thuận 3 bên về việc ngân hàng phong tỏa sổ tiết kiệm hoặc mở tài khoản tạm khóa đối với khoản tiền giải ngân cho bên mua nhà.
Bước 4: Giám sát và thanh lý hợp đồng
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, ngân hàng sẽ thường xuyên kiểm tra tín dụng có được sử dụng đúng mục đích hay không, tình hình tài chính của khách hàng, hiện trạng tài sản đảm bảo... Mục đích là để đảm bảo khả năng thu nợ từ khách hàng.
Quy trình cho vay kết thúc khi khách hàng trả hết nợ gốc lẫn lãi cho ngân hàng. Khi đó, các bên sẽ thanh lý hợp đồng. Thông thường, sau 20-25 năm, hợp đồng cho vay trả góp sẽ kết thúc.
Kinh nghiệm mua nhà chung cư trả góp
Như đã trình bày ở trên, mua nhà chung cư trả góp là xu hướng thịnh hành những năm gần đây, được nhiều gia đình trẻ lựa chọn. Tuy nhiên, để sớm sở hữu căn hộ của riêng mình mà không quá áp lực trả nợ gốc lẫn lãi vay ngân hàng, đảm bảo chi tiêu hàng tháng tốt không phải là điều đơn giản.
Do đó, khi mua căn hộ trả góp, người mua ngoài tìm hiểu kỹ thông tin dự án: pháp lý có đảm bảo, chủ đầu tư có uy tín, thiết kế căn hộ phù hợp với nhu cầu sử dụng hay không, tiến độ thi công ra sao, khi nào thì bàn giao... thì cần đặc biệt lưu ý những vấn đề sau đây:
-
Biết rõ khả năng tài chính của mình
Đây là điều quan trọng nhất khi mua nhà. Bạn cần chuẩn bị vốn đối ứng (vốn tự có) phù hợp với giá trị căn hộ và cân nhắc kỹ khoản tiền gốc cộng lãi hàng tháng phải thanh toán cho ngân hàng.
Khi mua căn hộ chung cư trả góp, người mua sẽ phải thanh toán cho chủ đầu tư 30% giá trị tài sản và ngân hàng sẽ cho bạn vay phần còn lại. Như vậy, bạn cần chuẩn bị khoản tiền tương ứng 30% giá trị căn chung cư. Trường hợp không thể chuẩn bị khoản tiền này, bạn có thể vay nhưng phải là khoản vay lâu dài, lãi suất thấp hoặc không lãi (vay người thân, bạn bè). Tuy nhiên, trường hợp này không được các chuyên gia tài chính khuyến khích.
Về khoản tiền gốc và lãi hàng tháng, bạn cần tính toán xem, với mức thu nhập hiện tại thì mỗi tháng có thể tiết kiệm được bao nhiêu để trả nợ ngân hàng. Hơn nữa, mỗi dự án chung cư có khoảng thời gian vay vốn tối đa là khác nhau, vì thế bạn cũng nên tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định vay vốn mua nhà trả góp.
Thông thường, các ngân hàng có gói vay hỗ trợ lên đến 70% giá trị căn hộ, thậm chí lên mức 100% giá trị căn hộ nếu bạn có thêm tài sản đảm bảo. Tuy vậy, bạn không nên nhầm lẫn giữa số tiền được vay và số tiền mình có thể trả. Nếu vay quá mức chi trả, thu nhập thấp và thường biến động có thể khiến bạn rơi vào cảnh mất khả năng trả nợ ngân hàng.
Theo giới chuyên gia tài chính, người vay nên cân nhắc kỹ về thu nhập, lợi nhuận kinh doanh, các nguồn tài chính khác trước khi quyết định vay ngân hàng mua chung cư trả góp. Cần tính toán sao cho số tiền trả nợ hàng tháng không vượt quá 50% tổng thu nhập của gia đình bạn. Điều này nhằm ngăn chặn tình trạng khủng hoảng tài chính, mất khả năng trả nợ.
Cụ thể hơn, bạn có thể đánh giá khả năng thanh toán nợ ngân hàng dựa trên các tiêu chí sau:
- Tài chính tự có: Cần xác định số tiền tiết kiệm hiện có của bạn là bao nhiêu, tổng thu nhập hàng tháng của gia đình sau khi trừ tất cả các khoản chi phí sinh hoạt mỗi tháng. Hàng tháng, chi phí sinh hoạt thường sẽ chiếm khoảng 30% trên tổng thu nhập.
- Tài chính hỗ trợ: Đây là khoản tiền dự trù có thể vay mượn của người thân, bạn bè. Khoản vay này thường là không lãi hoặc lãi thấp hơn và cố định trong một thời gian dài.
- Khả năng trả nợ: Người mua nhà cần nắm chính xác số tiền chi trả cho khoản nợ vay ngân hàng mỗi tháng là bao nhiêu. Đặc biệt lưu ý tới lãi suất biến động trong tầm kiểm soát. Để có thể đảm bảo an toàn tài chính cũng như có đủ khả năng trả nợ, bạn không nên vay quá nhiều, tối đa từ 30-40% giá trị căn hộ.
Tóm lại, nếu tài chính tự có cộng với tài chính hỗ trợ mà lớn hơn hoặc bằng khả năng trả nợ thì phương án mua chung cư trả góp có tính khả thi.
-
Chọn mua căn hộ phù hợp với nhu cầu, điều kiện kinh tế
Nếu chọn hình thức mua nhà trả góp thì bạn không nên chọn những căn hộ có giá bán vượt quá khả năng chi trả của bản thân. Phải tính toán sau cho số vốn tự có của mình có thể thanh toán đợt đầu 30% giá trị nhà đất định mua. Mua một ngôi nhà quá rộng, quá đắt so với khả năng tài chính, bạn và gia đình sẽ phải "còng lưng cày cuốc" trả nợ gốc, lãi vay không cần thiết.
Cũng nên cân nhắc xem bạn mua nhà để ở lâu dài hay trong một thời gian ngắn, cần bao nhiêu phòng mới đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của gia đình, tương lai có phát sinh thêm thành viên không. Ví dụ, nếu mua nhà cho hai người ở lâu dài thì căn hộ 1 phòng ngủ là lựa chọn phù hợp. Còn để đáp ứng nhu cầu ở của gia đình trẻ, bạn nên mua căn hộ 2-3 phòng ngủ.
-
Khảo sát, so sánh giá căn hộ chung cư
Yếu tố này rất quan trọng khi mua chung cư trả góp. Thay vì chỉ quan tâm tới giá bán của chủ đầu tư, bạn nên có động thái tìm hiểu, so sánh với giá bán căn hộ cùng phân khúc, cùng khu vực, vị trí. Theo đó, bạn vừa mua được nhà với giá phải chăng, vừa dễ bán lại về sau vì phù hợp với mặt bằng giá chung của khu vực.
Hiện có 2 dạng căn hộ chung cư được rao bán là căn hộ đã hoàn thiện, có người ở và căn hộ đang trong quá trình xây dựng. Mỗi loại căn hộ có cách khảo giá khác nhau.
|
Khảo sát, so sánh giá là khâu không thể bỏ qua khi mua nhà đất nói chung. |
Ví dụ, với căn hộ thuộc dự án đang xây dựng, người mua nên tìm hiểu thông tin về giá, diện tích, tiện ích... qua các website bất động sản uy tín, đơn vị phân phối chính. Với căn hộ đã có người ở, kênh tìm hiểu đa dạng hơn, bạn vừa có thể tìm hiểu trên các website, diễn đàn vừa hỏi thăm trực tiếp những hàng quán gần đó hoặc chủ sở hữu các căn hộ đã vào ở.
-
Nắm rõ chính sách trả góp của dự án chung cư
Để hỗ trợ khách hàng mua nhà, chủ đầu tư kết hợp cùng một số ngân hàng để thiết kế các chính sách trả góp phù hợp. Mọi thông tin về chính sách trả góp chung cư sẽ được ngân hàng và chủ đầu tư truyền thông tới người mua nhà. Vì vậy, bạn nên tìm hiểu kỹ về thời gian cho vay tối đa, mức lãi suất ưu đãi, lãi suất thả nổi, thủ tục vay như thế nào.
Tìm hiểu xem những ngân hàng nào có thể cho vay mua nhà trả góp, chính sách về lãi suất, phạt trả trước ra sao để lựa chọn cho phù hợp với điều kiện cụ thể của gia đình mình. Hiện nay, nhiều ngân hàng có chính sách vay mua chung cư trả góp với thời hạn lên đến 20-25 năm, giúp người mua nhà đỡ áp lực tài chính về việc trả nợ gốc + lãi vay hàng tháng.
Thường thì các ngân hàng sẽ tính lãi suất theo phương pháp dư nợ giảm dần. Nhà băng hoặc các tổ chức tài chính tín dụng sẽ áp dụng mức lãi suất ưu đãi trong năm đầu tiên. Từ năm thứ hai trở đi, lãi suất sẽ tính theo lãi suất thả nổi trên thị trường.
Nhớ rằng, lãi suất ưu đãi của ngân hàng chỉ cố định trong khoảng thời gian đầu và điều này không ảnh hưởng nhiều tới áp lực trả nợ kéo dài sau này của gia đình bạn.
Lãi suất đối với khoản vay mua nhà trả góp thường được các ngân hàng thả nổi, với biên độ thay đổi định kỳ 6-12 tháng/lần. Các gói lãi suất ưu đãi chỉ áp dụng trong 12 tháng đầu tiên, kể từ tháng 13 trở đi, ngân hàng sẽ điều chỉnh lãi suất cao hơn mức cũ từ 3-4%.
Với ngân hàng, khoản vay mua nhà được coi là cho vay tiêu dùng nên lãi suất sẽ khá cao. Do đó, người vay nên xem xét kỹ biến động của lãi suất trong các năm tiếp theo để cân đối khả năng tài chính của mình, đảm bảo có thể trả nợ ngân hàng khi hết thời hạn ưu đãi lãi suất.
Vay ngắn hạn hay dài hạn đều có những ưu, nhược điểm nhất định. Với khoản vay ngắn hạn, tổng số tiền để mua một căn hộ chung cư sẽ thấp hơn. Thế nhưng, khoản nợ gốc và lãi vay phải thanh toán hàng tháng thường cao hơn nên chỉ phù hợp với những ai có thu nhập ổn định, thu nhập tăng thêm.
Với khoản vay dài hạn, khoản tiền gốc cộng lãi vay mà hàng tháng người mua nhà phải trả sẽ ở mức phù hợp với điều kiện kinh tế của họ. Thời hạn vay này thường được phần lớn người thu nhập thấp lựa chọn. Tuy nhiên, hạn chế của khoản vay dài hạn là tổng số tiền để sở hữu một căn hộ thường cao hơn rất nhiều. Thời hạn càng dài thì tổng tiền thực tế mua căn hộ càng cao.
Thực tế cho thấy, nhiều người vì tâm lý không muốn mang nợ lâu dài nên chọn thời hạn vay ngân hàng trong ngắn hạn. Song, phương án này có thể tạo gánh nặng tài chính cho người mua nhà, nhất là những người có thu nhập thấp, thu nhập không ổn định. Bởi vậy, khách mua nhà nên căn cứ vào thu nhập thực tế, khoản chi tiêu thiết yếu cho gia đình hàng tháng để cân nhắc số tiền muốn vay cũng như thời hạn vay cho phù hợp.
Trên thực tế, nhiều khách hàng thường thanh toán dứt điểm nợ ngân hàng trong 5 năm đầu tiên. Theo quy định hiện hành, trong các trường hợp này, người vay sẽ bị phạt trả trước từ 1-3% để bù lỗ mức lãi ưu đãi ban đầu. Mỗi ngân hàng có chính sách phạt trả trước khác nhau nên khách hàng cần tìm hiểu, cân nhắc kỹ trước khi đặt bút ký hợp đồng vay vốn mua nhà chung cư trả góp.
Tuy nhiên, nếu có khả năng trả nợ trước hạn, bạn cứ mạnh dạn trả trước càng sớm càng tốt thay vì gửi tiết kiệm bởi lãi suất tiền gửi chỉ bằng một phần nhỏ khoản lãi phải trả cho số nợ đã vay ngân hàng. Chưa kể, thời hạn trả nợ kéo dài có thể khiến bạn mệt mỏi, vì thế nên cố gắng tất toán nợ trước hạn để đỡ áp lực tài chính bởi biến động lãi suất trên thị trường thường khá lớn.
|
Chính sách phạt trả trước của các ngân hàng là khác nhau, do đó người mua chung cư trả góp cần tìm hiểu, cân nhắc kỹ trước khi ký hợp đồng vay vốn. |
-
Đọc kỹ hợp đồng vay vốn mua chung cư trả góp
Khi mua trả góp chung cư, hợp đồng vay vốn là điểm cần chú trọng. Bạn cần xem xet kỹ các điều khoản trong hợp đồng trước khi đặt bút ký để tránh những rủi ro phát sinh về sau. Những nội dung quan trọng bạn cần lưu ý gồm:
- Lãi suất cho vay trả góp, biên độ lãi suất, lãi suất phạt trả nợ trước hạn
- Thời hạn trả góp
- Tiến độ, chi phí thanh toán theo từng giai đoạn
- Thời gian bàn giao
- Các loại phí sau khi nhận bàn giao: Phí dịch vụ, phí gửi xe, phí quản lý...
Với những mục, những điều khoản chưa rõ ràng, chưa thỏa đáng, người mua nhà nên hỏi lại ngân hàng, chủ đầu tư để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng. Để đảm bảo an toàn, bạn nên tham khảo ý kiến tư vấn của luật sư có chuyên môn, kinh nghiệm.
-
Nên mua dự án có bảo lãnh của ngân hàng
Người mua nhà sẽ được đảm bảo quyền lợi khi mua căn hộ thuộc dự án có bảo lãnh của ngân hàng. Ví dụ, căn hộ trị giá 1 tỷ đồng thì chủ đầu tư sẽ đóng 1 tỷ đồng đó vào ngân hàng, phòng trường hợp chủ đầu tư không thể tiếp tục thực hiện dự án thì nhà băng sẽ giải ngân số tiền này để bồi thường cho người mua căn hộ.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể cân nhắc việc mua bảo hiểm cho căn hộ chung cư. Việc này cực hữu ích trong trường hợp bạn mua chung cư trả góp, phòng rủi ro khôn lường về bất động sản. Phí mua bảo hiểm nhà tương đối thấp, thường chỉ khoảng 0,14% giá trị căn hộ/năm.
Cuối cùng, khi mua nhà đất trả góp, bạn và gia đình cần duy trì thu nhập ổn định, cố gắng tăng thu nhập để chủ động đối phó với các tình huống phát sinh như biến động lãi suất, ốm đau, dịch bệnh, thiên tai... Mục đích là để đảm bảo khả năng thanh toán nợ vay ngân hàng.
Với những thông tin về mua chung cư trả góp mà Dothi.net chia sẻ trên đây, bạn đọc sẽ nắm được thông tin tông quan về điều kiện mua nhà trả góp, thủ tục hồ sơ cũng như những lưu ý quan trọng để lên kế hoạch tích lũy tài chính, sớm an cư lạc nghiệp.
Lam Giang
>> Được và mất gì khi mua nhà dự án vào đợt mở bán đầu tiên?
>> 3 nguyên tắc phong thủy không thể bỏ qua khi chọn mua chung cư
>> Mua chung cư mini 500 triệu có thực sự lời hơn đi thuê nhà?