SearchNews

Các dự án BĐS lớn mất tên miền thương hiệu

09/01/2012 13:18

Hàng loạt chủ đầu tư các Dự án BĐS của các Tập đoàn nổi tiếng tại Việt Nam đã bị mất sạch gần 100% tên miền .com.

Hàng loạt chủ đầu tư các Dự án BĐS của các Tập đoàn nổi tiếng tại Việt Nam đã bị mất sạch gần 100% tên miền .com.

Giờ đây các đang âm thầm cho nhân viên xúc tiến gấp việc mua lại các tên miền quan trọng này để tránh khủng hoảng truyền thông nhưng vẫn chưa được…

Đối với những ông chủ đầu tư các dự án BĐS Thương mại và Du lịch cao cấp trên thế giới, tên miền .com gắn liền với tên của dự án có giá trị thương mại quốc tế, tạo được sự tin cậy và tính chuyên nghiệp của chủ đầu tư đa phần được đăng ký ngay từ khi hình thành ý tưởng chọn đặt tên cho dự án trước khi xúc tiến các thủ tục hồ sơ thành lập pháp nhân, xin cấp giấy phép xây dựng và chính thức đi vào hoạt động kinh doanh sản phẩm và dịch vụ.

Tên miền như là “địa chỉ ngôi nhà” của Dự án, là “thành phần’ không thể thiếu liên quan đến sự ra đời website của Dự Án, không chỉ dùng để phục vụ tiếp thị và kinh doanh dự án trong giai đoạn tiền dự án mà bao gồm khi dự án chính thức đi vào hoạt động. 

Hàng loạt dự án BĐS có vốn đầu tư từ vài chục triệu USD cho đến hàng tỷ USD trải dài khắp Việt Nam cũng đã bị mất sạch hết những tên miền .com và những tên miền này đang được sử dụng đi quảng bá, tiếp thị trên website: banhitlagai.com của ông Nguyễn Trọng Khoa, nhân vật được các kênh truyền thông nhắc đến trong suốt chuyến viếng thăm Việt Nam lần đầu tiên của CEO Facebook vừa qua.

Qua trao đổi trực tiếp, ông Khoa cởi mở tiết lộ câu chuyện sở hữu khối tên miền “khủng” của các “đại gia” này, từ sự tình cờ đọc tin tức trên báo chí và thấy các chủ đầu tư Dự án truyền thông, tiếp thị các Dự án này quá hoành tráng nhưng “linh hồn” của Dự án thì vẫn “nhởn nhơ” chờ người đến rước, thế là ông Khoa đã bỏ tiền ra mua để sở hữu. Nhẩm tính sơ sơ tổng giá trị vốn đầu tư của những dự án “khủng” bị mất tên miền này lên đến gần 50 tỷ USD.

Câu chuyện hàng loạt các Dự án BĐS có vốn đầu tư với quy mô “khổng lồ” như vậy nhưng bị mất tên miền tưởng như đùa lại là sự kiện có thật sẽ làm nhiều người suy ngẫm về “năng lực” Tiếp thị và Phát triển dự án của chủ đầu tư những Dự án BĐS đang bị mất tên miền.

Việc ‘linh hồn” thương hiệu các Dự án BĐS bị mất sẽ làm chỉ số tin cậy, niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư tài chính sẽ sụt giảm nghiêm trọng và dẫn đến những hệ lụy khác có thể không lường trước được như tên miền Vinaphone.com đang được kết nối đến một website có chủ đề người lớn làm lãnh đạo Công ty Vinaphone đau đầu và đang tính đường mua lại để giải quyết sự cố “dở khóc dở cười” này. Các ông chủ đầu tư những Dự án BĐS này đang nghĩ gì khi “linh hồn” của mình đã bị mất và đang được sử dụng sai mục đích nhưng không hề vi phạm pháp luật Việt Nam và quốc tế?

Liên quan đến chủ đề tên miền, gần đây nhất, hôm 04/01/2012, ông Nguyễn Tử Quảng, TGĐ Công ty BKAV cũng đã chia sẻ với báo chí BKAV đã phải mua lại tên miền bkav.com này với giá 2.3 tỷ đồng từ một cá nhân ở Mỹ đã đăng ký trước từ năm 1997.

Theo ông Quảng, khi sản phẩm bắt đầu có thương hiệu, các doanh nghiệp nên mua ngay tên miền quốc tế để tránh phải chi nhiều tiền mua lại sau này. Đối với ngành đầu tư tên miền trên thế giới, giá trị tên miền nói chung và các Dự án BĐS “khủng” được định giá khi giao dịch dựa vào các chỉ số cơ bản như sau: Tổng số vốn đầu tư của dự án, Thương hiệu của Dự án, Thương hiệu của chủ dự án đó là doanh nghiệp, Thương hiệu và uy tín cá nhân của vị CEO của doanh nghiệp làm chủ dự án đó.

Đa phần các doanh nghiệp Việt Nam đều tiếp xúc với Internet mỗi ngày, nhiều người không hiểu tại sao hàng loạt dự án có quy mô đầu tư lớn như vậy lại bị mất “linh hồn” của thương hiệu dự án? Bên cạnh đó, các chủ đầu tư cũng đã ký hợp đồng thuê các đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm và nổi tiếng như Savills, Knight Frank để đảm nhiệm việc tư vấn tiếp thị và phát triển kinh doanh các Dự án “khủng” này, vậy đâu là năng lực thật sự của các đơn vị tư vấn?

Phải chăng các chủ đầu tư mải mê chạy theo sự “sung sướng” của các hoạt động PR mang tính “nhất thời” mà quên mất tên miền và website của mình mới là cái đáng để họ ưu tiên quan tâm hàng đầu? Chúng tôi tự hỏi, đặt ra nhiều giả thuyết nhằm tìm ra câu trả lời thuyết phục nhất để “bào chữa” cho sự cố “vô tiền khoáng hậu” này nhưng vẫn chưa tìm thấy.

Trước đó, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, TGĐ Công ty Cà phê Trung Nguyên cũng đã từng chia sẻ bài học giá trị liên quan đến tên miền, www.trungnguyencoffee.com bị một Việt kiều đăng ký trước ở Mỹ vẫn luôn là một bài học thời sự.

Không chỉ ở Mỹ mà tại nhiều quốc gia khác đang hình thành thị trường mua bán tên miền sôi nổi, trong đó có những nhà buôn chuyên đánh giá, dự báo khả năng phát triển của một số doanh nghiệp ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, và từ đó tiến hành đăng ký trước tên miền quốc tế của các doanh nghiệp này với mục đích sau đó sẽ bán lại để kiếm lời.

Từ kinh nghiệm kể trên, ông Vũ cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam phải luôn cập nhật bài học về quản lý tên miền, hay nói rộng hơn là quản lý thương hiệu, trong những bước đầu hội nhập quốc tế.

Theo những quy định về quản lý tên miền hiện vẫn chỉ ưu tiên “ai đăng ký trước cấp trước”, vì thế nhiều doanh nghiệp muốn đòi lại tên miền của mình, với mục đích phát triển kinh doanh hay muốn quảng bá thương hiệu, cũng phải đi mua lại với giá cao.

Câu chuyện các doanh nghiệp bị “chậm chân uống nước đục” trong việc đăng ký sở hữu tên miền xảy ra có thể bắt nguồn từ sự chủ quan, sự nhận thức, trình độ hiểu biết của doanh nghiệp về giá trị và sức mạnh Internet chưa nhiều và cũng có thể nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang mải chạy theo những hiệu quả ngắn hạn mà quên tạo ra những “giá trị vô hình” mang tính bền vững cho thương hiệu của mình.

Sở hữu bản quyền thương hiệu mới chỉ là điều kiện cần trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu. Còn điều kiện đủ để đưa thương hiệu của bạn vươn ra tầm quốc tế chính là sở hữu tên miền, đặc biệt là tên miền thương hiệu .com trùng với tên thương hiệu sản phẩm, dịch vụ, dự án của doanh nghiệp.

(Theo Saigonnews)


Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu