SearchNews

Đàn em của "trùm xã hội đen" Năm Cam đầu tư resort 2.500 tỷ đồng ở Bạc Liêu

18/10/2011 08:39

Sau 5 năm được đặc xá, Hồ Việt Sử - đàn em một thời của "trùm xã hội đen" Năm Cam đã xuôi về miền Tây trở thành ông chủ của dự án với quy mô vốn đầu tư lên đến gần 2.500 tỷ đồng.

Sau 5 năm được đặc xá, Hồ Việt Sử - đàn em một thời của "trùm xã hội đen" Năm Cam đã xuôi về miền Tây trở thành ông chủ của dự án với quy mô vốn đầu tư lên đến gần 2.500 tỷ đồng.

Hồ Việt Sử bộc bạch rằng: "Miền Tây là nơi tôi cất tiếng khóc chào đời và đấy cũng là nơi tôi còn nặng nợ. Người và đất miền Tây hiền hòa, không chỉ giúp tôi cơ hội làm lại cuộc đời mà còn tạo cơ hội lớn cho tất cả những ai từng có một thời lầm lỡ, nay quyết tâm phục thiện…".

Công cụ Google chỉ mất 0,24 giây đã "lôi" ra đến 101 triệu dữ liệu liên quan đến "nhân vật" Hồ Việt Sử, nhưng phải năm lần, bảy lượt hẹn, chúng tôi mới có cuộc trò chuyện. Anh nói, công việc làm ăn cứ cuốn hút phải ra tay, tranh thủ từng phút, từng giờ vì sợ cơ hội trôi qua.

Năm nay 52 tuổi, Hồ Việt Sử cho biết, anh là dân gốc Tịnh Biên (An Giang). Tuổi thơ của anh không may mắn như nhiều đứa trẻ khác ở miệt biên giới này nên anh đã lấy họ mẹ. Trò chuyện với tôi, Hồ Việt Sử tự hào rằng mình từng được khoác trên mình quân phục của đội quân tình nguyện Việt Nam tham gia giúp bạn Campuchia và sau đó được tin tưởng làm cộng tác viên cho Mặt trận 979. Thế rồi, sau giai đoạn đầy tự hào đó, khi đặt chân lên đất Sài Gòn, anh đã dần sa vào những lỗi lầm đến mức khiến pháp luật không thể dung thứ. Trong số những đàn em của trùm xã hội đen Năm Cam, được báo chí và các cơ quan bảo vệ pháp luật, nhắc đến nhiều nhất có tên của Hồ Việt Sử.

Anh nửa đùa, nửa thật: "Lúc đó, người ta nói tôi là… giang hồ và phải trả giá cho 2 bản án về tội đánh bạc và cố ý gây thương tích trong vụ bắn nhau tại Vũ trường Metropolis đêm 11/8/2001với băng xã hội đen do Lee Han Hsin, tức A Lý cầm đầu, với tổng hình phạt là 9 năm tù giam. Tuy nhiên, quá trình điều tra, truy tố, chấp hành án, Hồ Việt Sử được xác định là người biết lập công chuộc tội nên sau đó, anh đã có tên trong danh sách được Chủ tịch nước xét đặc xá vào năm 2006 sau 4 năm 10 tháng chấp hành án.

"Những ngày ngồi trong trại, được cán bộ quản giáo giúp đỡ, tôi nhận ra nhiều điều quý giá mà chỉ có cuộc sống tự do mới có được. Sau khi ra tù, tôi quyết tâm phục thiện, với hy vọng để cho xã hội thấy một Hồ Việt Sử mới, một Hồ Việt Sử thể hiện rõ tâm quyết ăn năn hối cải, mong chuộc lại những lỗi lầm trước đây".

Hồ Việt Sử nói và kể tiếp, chỉ mấy ngày sau khi được đặc xá, anh đã về miệt Châu Thành (An Giang) đào hầm nuôi cá tra. Bằng những kinh nghiệm tích cóp được ở trong Trại giam Z30A, anh đã làm cho nhiều người dân địa phương kinh ngạc khi thấy anh rất chuyên nghiệp đối với công việc của một… nông dân chân lấm, tay bùn, một nắng, hai sương. Cho tới ngày thu hoạch lứa cá đầu tiên khá được giá, anh tự nhủ lòng cảm ơn những ngày trong trại, cảm ơn lòng nhân hậu, bao dung của cán bộ quản giáo.

Mà đâu phải chỉ làm bạn với… cá tra, có mấy ai biết, "ông chủ" hàng chục hầm cá tra Hồ Việt Sử còn từng có thời gian lênh đênh trên nhiều chuyến ghe chở thức ăn ngược xuôi sông Tiền, sông Hậu. Không để lãng phí thời gian, có lúc, anh xin vào làm thuê cho Công ty N.V - một doanh nghiệp nổi tiếng về chế biến xuất khẩu cá tra ở An Giang. Gặp một vài người bạn tâm đầu, ý hợp, anh hùn hạp mua hàng chục ha đất ở An Giang để thực hiện dự án trồng… thanh long ruột đỏ.

Quay về lại TP Hồ Chí Minh, anh bỏ qua nhiều lời mời mọc "trở lại ngôi… đại ca" của một số "đàn em" mà tìm thuê một mặt bằng nhỏ trên đường Nguyễn Trãi để mở quán. Nhiều người đến quán, biết Hồ Việt Sử, không khỏi ngạc nhiên thấy anh rất háo hức với việc kinh doanh. Anh kể: "Một hôm, tôi gặp lại anh bạn cũ tên là Ngô Xuân Pha, anh ấy đang là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ôtô Bảo Toàn. Anh Pha rủ tôi cùng anh về miền Tây làm ăn, tôi hưởng ứng ngay".

Hai tuần sau lần gặp lại bạn cũ, anh có mặt tại Bạc Liêu, gặp lãnh đạo tỉnh. Nghe anh trình bày về tâm huyết làm ăn của mình, muốn có một dự án với vùng duyên hải còn bộn bề nghèo khó này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy rất tán thành, ủng hộ.

"Thực tế khi mới ra tù, thỉnh thoảng tôi cũng có cảm giác bị xã hội xa lánh. Tuy nhiên, khi nghe những lời khuyên bảo thẳng thắn chân tình của lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, tôi có được niềm an ủi, tự tin cao độ. Và từ chuyện này, tôi suy nghĩ rằng, với những người hoàn lương, xã hội càng sớm tạo điều kiện, giúp đỡ cho họ xóa bỏ mặc cảm của bản thân là rất cần thiết. Việc quan tâm, giúp đỡ đó phải được thể hiện một cách cụ thể….

Ngày 29/9, Công ty CP Ôtô Bảo Toàn (Hồ Việt Sử là Tổng Giám đốc, kiêm Trưởng Ban quản lý dự án) khởi động dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Nhà Mát với giá trị đầu tư gần 2.500 tỷ đồng, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã tới dự, nghe anh giới thiệu về dự án, bởi đấy là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh. Thiếu tướng Đỗ Việt Thắng - Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu cùng một số lãnh đạo cấp phòng cũng có mặt để chia vui cùng Hồ Việt Sử và các cộng sự.

"Đã hội đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Vấn đề còn lại là tôi cùng anh em khẳng định tâm huyết của mình. Tôi cũng thường tâm tình với anh em rằng chính quyền địa phương quý trọng, ủng hộ, tạo mọi điều kiện và kỳ vọng vào dự án của mình như thế thì không thể không làm tốt, đảm bảo tiến độ hoàn thành của dự án như dự định" - Hồ Việt Sử bày tỏ.

Trước lúc chia tay tôi, Hồ Việt Sử chia sẻ: "Sống trên đời này, ai cũng có những lúc sai lầm, vấp ngã. Quan trọng là sau lần vấp ngã đó, được giúp đỡ đứng dậy, mình có quyết tâm sửa chữa lỗi lầm hay không. Tôi sẽ quyết tâm để cho xã hội nhìn thấy một Hồ Việt Sử của ngày hôm nay…"

(Theo CAND)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu