SearchNews

Các kiểu thiết kế giếng trời phổ biến cho nhà phố chật hẹp

11/04/2018 17:40

Ngày nay, giếng trời là chi tiết kiến trúc không thể thiếu đối với nhà phố nhỏ chật, đặc biệt là kiểu nhà ống. Thiết kế giếng trời giúp lấy sáng tự nhiên, thông gió, trao đổi khí và tạo điểm nhấn sinh động cho ngôi nhà.

Trên thực tế, chúng ta thường bắt gặp các thiết kế giếng trời ở khu vực hành lang, cầu thang, phòng khách, phòng làm việc, bếp ăn và thậm chí là phòng ngủ. Tuy nhiên, tựu trung lại có hai kiểu thiết kế giếng trời cơ bản là giếng trời trong nhà và giếng trời sau nhà.

Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu tới độc giả các kiểu thiết kế giếng trời cơ bản và những lưu ý quan trọng khi thiết kế, bài trí.

Các kiểu thiết kế giếng trời

Trong mỗi ngôi nhà, giếng trời là khoảng trống thông từ mái thẳng xuống nền đất. Có thể nói, giếng trời là giải pháp kỹ thuật, mỹ thuật hoàn hảo mang lại sức sống cho những ngôi nhà phố nhỏ chật, đặc biệt là đối với nhà ống.

Giếng trời trong nhà

Đối với kiểu giếng trời trong nhà, gia chủ cần thiết kế và bài trí thật chỉn chu, đẹp mắt. Bởi lẽ, đây là chi tiết kiến trúc tạo ấn tượng đầu tiên cho các vị khách khi bước chân vào nhà bạn. 

Được biết, loại “giếng” này là thiết kế cách tân từ các kiểu giếng trời hình tròn thường gặp ở các công trình kiến trúc Tây Âu thành nhiều kiểu khác nhau như hình chữ nhật, hình vuông, ô van… 

Giếng trời hình trụ là lựa chọn phù hợp đối với kiểu nhà ống chật hẹp. Để thiết kế này bớt đơn điệu, chủ nhân có thể bài trí thêm các chậu cây, hoa ở phía đáy giếng. Trong khi đó, đối với những nhà phố, biệt thự rộng rãi, gia chủ có thể lựa chọn nhiều kiểu giếng trời khác nhau. Kinh nghiệm cho thấy, kiểu giếng trời xoắn ốc mang đến nét mới lạ cho không gian sống.

Tùy vào điều kiện cụ thể, chủ nhân lựa chọn các vị trí khác nhau để đặt giếng trời trong nhà sao cho phù hợp, đảm bảo cả về công năng lẫn tính thẩm mỹ. Bạn có thể thiết kế giếng trời kết hợp cầu thang, giếng trời ở phòng bếp, phòng làm việc, phòng ngủ hoặc giếng trời ngay trong nhà vệ sinh. Nhiều gia đình thường chọn đặt giếng trời ở vị trí giữa nhà giúp lấy sáng tự nhiên, thông gió cho toàn bộ ngôi nhà.

thiết kế giếng trời chuẩn phong thủy
Khu bếp thoáng đãng, tràn ngập ánh sáng tự nhiên nhờ thiết kế giếng trời hợp lý.
cây trồng giếng trời chuẩn phong thủy
Thiết kế giếng trời trong phòng làm việc góp phần truyền cảm hứng sáng tạo cho chủ nhân.
cây trồng giếng trời phong thủy
Giếng trời giúp phòng tắm nhỏ trở nên thoáng sáng, rộng rãi hơn.
cây lớn trồng giếng trời
Thiết kế giếng trời tinh tế tạo điểm nhấn ấn tượng cho không gian ngủ nghỉ mà vẫn đảm bảo tính riêng tư cần thiết.

Đối với giếng trời trong nhà, bạn nên đặt một tấm lưới ngay dưới miệng giếng phòng trường hợp kính bị vỡ. Mặt khác, để tránh bị đọng nước hay tràn nước vào nhà, bạn hãy kiểm tra hệ thống thoát nước thường xuyên. Chủ nhân nên thiết kế giếng trời khoa học, ngăn được nước mưa tạt vào nhà gây hư hỏng đồ nội thất.

Bạn có thể sử dụng kính hoặc nhựa trong để lợp mái giếng trời, giúp lấy sáng tự nhiên cho ngôi nhà. Tuy rẻ và khó vỡ hơn thủy tinh nhưng nhựa dễ bị xước, bạc màu, mòn cũ theo thời gian. Để đảm bảo an toàn, bạn nên sử dụng vật liệu kính cường lực cho kiểu giếng trời trong nhà. 

Giếng trời sau nhà

Nhiều gia chủ lựa chọn kiểu thiết kế giếng trời sau nhà bởi nó không giới hạn về kiểu dáng, tính thẩm mỹ cũng như các chi tiết nội thất khác của ngôi nhà.

cây trồng giếng trời trong nhà
Gia chủ sẽ tiết kiệm được chi phí xây dựng khi thiết kế kiểu giếng trời sau nhà.

Khả năng lấy gió là điều mà bạn cần quan tâm khi đặt giếng trời sau nhà. So với kiểu giếng trời trong nhà, loại “giếng” này có ưu điểm vượt trội hơn là lấy gió đều, rất tốt cho sức khỏe của cả gia đình. Bạn nên lắp thêm thiết bị phụ trợ giúp điều tiết gió hoặc thu hẹp diện tích lấy gió đối với giếng trời đặt ở hướng có gió mạnh như hướng Tây Bắc. 

giếng trời sau nhà
Giếng trời sau nhà kết hợp hài hòa với tiểu cảnh xanh mát.

Mặt khác, khi thiết kế giếng trời sau nhà sẽ tiết kiệm được chi phí xây dựng bởi bạn có thể tận dụng bức tường cuối nhà. 

Nhiều gia chủ chọn ốp mảng tường giếng bằng các loại đá đẹp, sang trọng nhưng khá tốn kém. Nếu không có điều kiện, bạn có thể sử dụng sỏi, gạch, tranh gốm sứ để trang trí giếng trời sau nhà.

Xem thêm: Cách chọn cây trồng giếng trời trong nhà hợp phong thủy

Một số lưu ý khi thiết kế giếng trời

Về vị trí của giếng trời: Bạn có thể đặt giếng trời ở nhiều vị trí khác nhau trong nhà hoặc sau nhà. Tuy nhiên, nơi thích hợp nhất đề thiết kế giếng trời là trên khu vực cầu thang. Lý do là, cầu thang thường ngự trị ở giữa nhà, liền kề với bếp ăn nên giếng trời đặt ở đây sẽ phân bổ đều ánh sáng cho toàn bộ không gian nhà, nhất là giúp khu vực cầu thang không bị tối.

Dù đặt ở vị trí nào thì giếng trời phải đảm bảo lấy sáng, lưu thông không khí tốt cho nhà ở. Thông thường, người thiết kế sẽ căn cứ vào kích thước của ngôi nhà để lựa chọn vị trí đặt giếng trời phù hợp. Tuy vậy, gia chủ nên tránh đặt giếng trời ở phía trước nhà bởi nơi đây vốn dĩ thoáng sáng, thông khí tốt.

Đối với thiết kế giếng trời: Bạn cần biết rõ nhà mình ở hướng nào để thiết kế mái che giếng trời phù hợp nhất, ngăn mưa hắt vào nhà. Trong trường hợp giếng trời để trống hoàn toàn thì bạn cần xử lý chống thấm cho nền nhà, tường bên hông… Ngoài ra, chủ nhân có thể kết hợp giếng trời với hành lang để làm nơi đặt tiểu cảnh xanh, nghỉ ngơi, thư giãn. 

Bạn cũng cần chú ý tới khả năng chống trộm cho giếng trời. Theo đó, thay vì thiết kế cửa giếng dạng kéo, bạn nên chọn các tấm lưới chắn bền vững. 

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu