Phong cách Á Đông là gì?
Nội thất Á Đông là một trong những xu hướng thiết kế được nhiều người ưa chuộng, nhất là những người gốc Á, châu Á bởi vẻ đẹp độc đáo, ấm áp mà nó mang lại. Phong cách này lấy cảm hứng từ sự giao thoa của nhiều nền văn hóa phương Đông nhưng dễ dàng nhận thấy nhất là văn hóa Nhật Bản và Trung Hoa.
Bước vào một ngôi nhà phong cách Á Đông, bạn sẽ thấy gia chủ thường sử dụng những gam màu nhã nhặn làm chủ đạo, điểm xuyết nội thất màu sắc nổi bật để tạo điểm nhấn hút mắt. Không gian sống của người phương Đông luôn có sự hiện diện của những phụ kiện trang trí làm bằng thủ công, chất liệu tự nhiên tạo cảm giác thân thiện, gần gũi.
Phong cách nội thất này rất linh hoạt, không có quy tắc hay khuôn mẫu cố định và tùy biến sao cho phù hợp với từng nền văn hóa, quốc gia và từng thời kỳ cụ thể. Tuy nhiên, nội thất Á Đông vẫn có những nét đặc trưng cơ bản, tiêu biểu để nhận biết trong thiết kế.
Những đặc trưng của phong cách Á Đông
Một ngôi nhà phong cách Á Đông ít nhất phải có những đặc điểm cơ bản sau đây:
Màu sắc ảnh hưởng lớn từ văn hóa Trung Hoa và Nhật Bản
Phong cách Á Đông trong thiết kế nội thất chủ yếu chịu ảnh hưởng từ hai nền văn hóa Trung Hoa và Nhật Bản. Yếu tố minh chứng rõ ràng nhất cho điều này chính là cách lựa chọn màu sắc. Nếu như người Trung Quốc chuộng màu sắc sặc sỡ, nổi bật thì người Nhật lại ưu tiên những gam màu trung tính nhẹ nhàng. Vì thế, các tông màu nhạt, dịu nhẹ được sử dụng chủ đạo trong những ngôi nhà phong cách Á Đông. Trong khi đó, để tạo điểm nhấn ấn tượng, gia chủ sẽ sử dụng điểm xuyết nội thất gam màu đậm như đen, nâu, gỗ tối, vàng, xanh lá và đặc biệt là sắc đỏ rực rỡ.
|
Trên phông nền màu vàng be chủ đạo, sắc màu điểm nhấn từ gối tựa sofa, tranh treo tường, phụ kiện trang trí khiến phòng khách trở nên sinh động hơn nhiều. |
Nội thất tinh tế, bài trí đơn giản, khoa học
Thông thường, đồ nội thất Á Đông có kiểu dáng đơn giản, chú trọng vào công năng sử dụng, nhằm đảm bảo cho gia chủ cuộc sống tiện nghi và thoải mái nhất. Chẳng hạn, người Nhật chuộng sử dụng nội thất đơn giản với nhiều mục đích khác nhau như bộ đệm dày có nhồi bông vừa để ngồi, vừa có thể trải xuống sàn làm đệm ngủ. Rương gỗ không chỉ là nơi lưu trữ đồ mà còn được dùng như một chiếc bàn. Trong khi đó, người Trung Quốc yêu thích nội thất gỗ chạm trổ tinh tế hoặc họa tiết in trên chất liệu tơ lụa mềm mại.
|
Nội thất phong cách Á Đông thường có thiết kế đơn giản, nhỏ gọn và thấp sát với sàn nhà. |
|
Chỉ với một chút biến tấu từ trần nhà, đèn thả trần, phòng khách Á Đông đương đại
trông thật cuốn hút. |
Tuy mộc mạc nhưng nội thất phong cách Á Đông vẫn rất cuốn hút bởi điểm nhấn đến từ những chi tiết nhỏ như họa tiết, hoa văn tinh xảo được chạm trổ ở góc cạnh, khắc trên phần lưng, chân ghế, trên tủ gỗ, đèn bàn, hộp sơn mài... Đặc biệt, trong phòng khách hoặc phòng làm việc, tranh treo tường cỡ lớn được thể hiện trên giấy hoa văn in chìm tinh tế, các bức họa đậm chất cổ điển... với phần khung thiết kế tỉ mỉ, trau chuốt góp phần tạo nên không gian thanh lịch, đầy tính nghệ thuật.
|
Không gian bếp ăn ấm cúng với nội thất gỗ chủ đạo kết hợp ăn ý cùng hệ đèn trang trí. |
Nếu người phương Tây ưa chuộng sự phóng khoáng, hiện đại thì người phương Đông lại yêu thích vẻ đẹp tinh tế, thanh tao. Thế nên, khi thiết kế nội thất, đồ dùng và phụ kiện trang trí thường được sắp xếp, bài trí đơn giản nhưng mọi thứ luôn phải đảm bảo ngăn nắp, khoa học, đặc biệt là với những căn phòng có diện tích khiêm tốn. Bởi lẽ, một không gian sống tuy nhỏ nhưng đầy đủ công năng, gọn gàng, thoáng sạch vừa giúp làm nổi bật các chi tiết trang trí, đồng thời tạo cảm giác dễ chịu, thoải mái nhất cho người dùng.
|
Nội thất phòng ngủ được bài trí theo lối đối xứng, ngăn nắp với thảm trải sàn tông màu xanh pastel tạo điểm nhấn nhẹ nhàng. |
Ưu tiên vật liệu nguồn gốc tự nhiên
Đây là một trong những đặc điểm quan trọng của phong cách Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Lối sống đặc trưng của người phương Đông là ôn hòa, nhã nhặn, thích gần gũi với thiên nhiên nên họ ưu tiên sử dụng nội thất làm bằng chất liệu có nguồn gốc tự nhiên như gỗ, gốm sứ, mây tre, gạch, đất nung, đá sỏi...
Sống trong ngôi nhà với phần lớn nội thất và đồ trang trí làm bằng vật liệu nguồn gốc tự nhiên, các thành viên gia đình đều có được cảm giác thư thái, dễ chịu, gần gũi với thiên nhiên. Có thể nói, với phong cách Á Đông, dù ở trong nhà phố, căn hộ chung cư nhỏ hẹp tại các thành phố lớn, gia chủ vẫn cảm thấy thoải mái, thân thiện với môi trường.
|
Điểm nhấn màu đỏ từ thảm trải sàn, chăn mỏng và hộp đựng đồ kết phối kết ăn ý nội thất gỗ tạo cảm giác ấm áp, thân thiện cho không gian tiếp khách. |
Bàn trà thấp
Trong văn hóa của người phương Đông, đặc biệt là hai nước Nhật Bản và Trung Quốc, trà đạo được biết đến như một loại nghệ thuật. Do đó, phòng trà là một phần không thể thiếu trong những ngôi nhà Á Đông trước đây. Căn phòng được bài trí khá đơn giản với một bàn trà thấp cùng những chiếc nệm con đặt xung quanh. Chủ nhân cũng có thể trải chiếu hoặc ngồi trực tiếp lên sàn nhà.
|
Bàn trà thấp là chi tiết đặc trưng riêng biệt của phong cách nội thất Á Đông. |
Kế thừa truyền thống đó, trong thiết kế nội thất Á Đông hiện đại, kiến trúc sư thường sử dụng bàn trà thấp như một chi tiết đặc trưng riêng biệt, gợi nhớ tới nghệ thuật trà đạo. Sự hiện diện của bàn trà trong không gian sống hiện đại tạo cảm giác thanh nhàn, bình yên, hướng con người tới lối sống đẹp.
Ngày nay, nhiều gia đình thường bài trí bàn trà thấp ở phòng khách hoặc đặt trong một phòng nhỏ với một vài chiếc nệm con làm nơi thưởng thức những tách trà ngon, đọc sách, thư giãn... sau những giờ làm việc căng thẳng.
Đồ trang trí đậm văn hóa phương Đông
Khi trang trí nhà theo phong cách Á Đông, gia chủ rất chuộng các sản phẩm đậm chất nghệ thuật truyền thống như tranh thủy mặc, tranh thêu tay, tranh lụa... giàu giá trị thẩm mỹ và mang đến cho không gian sống vẻ bình lặng, gần gũi. Đặc biệt, tranh lụa vẫn phát huy tác dụng mạnh mẽ trong trang trí nhà hiện đại. Bạn có thể kết hợp tranh lụa với một vài món đồ cổ, decal hoặc tranh tường phù hợp để tạo điểm nhấn ấn tượng.
|
Sự hiện diện của bức tranh lụa trong phòng tắm khiến người dùng cảm thấy thoải mái, thư thái hơn. |
|
Tranh hoa đậm chất Á Đông mang đến cái nhìn mới lạ, độc đáo cho phòng tắm hiện đại. |
Trong khi đó, hoa lan là biểu tượng cho vẻ đẹp sang trọng, quý phái trong nền văn hóa phương Đông. Thế nên, đây là loài hoa trang trí phổ biến trong những không gian mang đậm phong cách Á Đông. Chỉ với một lọ hoa lan đặt trên bàn trà phòng khách, bàn ăn hoặc bàn làm việc cũng đủ để khiến không gian phòng trở nên tinh tế hơn.
|
Không gian phòng trở nên sang trọng hơn với chậu hoa lan trang trí. |
Tượng Phật cũng xuất hiện phổ biến trong những ngôi nhà được bài trí theo phong cách này. Lưu ý là, bất kể bạn là người theo đạo Phật hay không, khi muốn bài bày tượng Phật trong nhà ở, gia chủ vẫn nên tìm hiểu kỹ lưỡng một số nguyên tắc nhất định cần phải tuân theo.
|
Chủ nhân dành một khoảng không gian trang trọng của phòng khách đề bài trí tượng Phật. |
Đáng chú ý, màu đỏ thường được sử dụng để tạo điểm nhấn cho không gian nhà phong cách Á Đông. Bởi lẽ, với người phương Đông, tông màu này tượng trưng cho may mắn, sức mạnh, nhiệt huyết, đam mê... là biểu tượng của mặt trời, nguồn năng lượng dồi dào cho cuộc sống. Do vậy, bạn dễ dàng bắt gặp một bình hoa đỏ, đèn lồng đỏ hoặc một vài phụ kiện sắc đỏ trong không gian tiếp khách.
Đề cao yếu tố phong thủy
Thiết kế nội thất nhà ở theo phong cách Á Đông thường chú trọng và đề cao những quy luật phong thủy nhất định. Điều này xuất phát từ đặc trưng văn hóa của người phương Đông vốn coi trọng sự hài hòa của âm - dương, ngũ hành. Theo đó, thiết kế và bài trí nội thất trong các phòng chức năng cũng như tổng thể ngôi nhà nói chung cần đảm bảo hợp hướng, hợp mệnh gia chủ, luân chuyển dòng khí trong lành, hướng tới ý niệm tốt đẹp, mang lại nhiều may mắn và tài vận cho cả gia đình. Tuyệt đối tránh trang trí những vật dụng sắc nhọn như đao, gươm, súng... bởi chúng biểu thị cho sự tranh chấp, xung đột.