1. Vị trí và hướng bếp
Trong phong thủy, hướng bếp được tính theo hướng nhận thao tác từ người nấu. Tức là, hướng bếp sẽ luôn ngược với mặt người nấu hay là hướng lưng của người nấu.
Nguyên tắc đặt bếp theo tài liệu phong thủy cổ xưa là phải “tọa hung hướng cát”, nghĩa là bếp phải nằm ở phương vị xấu, quay về hướng tốt. Trong thời đại văn minh nông nghiệp, con người thường sử dụng những nhiên liệu như rơm rạ, củi, than để đun nấu nên phòng bếp sẽ có nhiều khói, bụi bẩn gây ô nhiễm. Do đó, bếp đặt ở vị trí xấu là hợp lý. Theo phong thủy, những nơi mang năng lượng xấu phải đặt ở cung xấu để “lấy độc trị độc” .
Thế nhưng, hiện nay quan niệm này cần phải có những điều chỉnh cho phù hợp với cuộc sống hiện đại. Khu bếp trong xã hội văn minh đã gọn gàng và sạch sẽ hơn rất nhiều. Vì vậy, gia chủ hoàn toàn có thể đặt bếp ở các phương vị tốt “tọa cát hướng cát”, nơi có nhiều vượng khí giúp mang lại cát lành, thịnh vượng cho gia đình. Nếu có ống khói hay máy hút mùi, chủ nhân nên đặt ở phương vị xấu nhằm “lấy hung chế hung”.
|
Theo phong thủy phòng bếp, vị trí và hướng đặt bếp nấu sẽ quyết định tiền tài của gia chủ. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Phía Nam ngôi nhà là vị trí tốt nhất để đặt bếp nấu. Tuy nhiên, nếu điều kiện không cho phép, bạn có thể đặt bếp ở phía Đông hoặc Đông Nam bởi hai hướng này đều thuộc hành Mộc mà trong ngũ hành Mộc sinh Hỏa, nhờ đó tài vận và sức khỏe của gia đình sẽ được cải thiện. Gia chủ cũng có thể đặt bếp ở hướng Đông Bắc vì hướng này thuộc hành Thổ mà Thổ và Hỏa là hai yếu tố tương sinh nên gia đình sẽ gặp nhiều may mắn. Trong khi đó, gia chủ nên tránh đặt bếp nấu ở hướng Tây, Tây Bắc và hướng Bắc. Lý do là, trong ngũ hành các hướng này tương khắc với phòng bếp.
Giới chuyên gia phong thủy cho rằng, bếp nấu không nên đặt ở vị trí ngược với hướng nhà. Có nghĩa là, gia chủ phải thiết kế sao cho lưng bếp đưa về hướng cửa để tránh khi mở cửa là nhìn thấy bếp ngay. Vậy nhưng, trên thực tế, bếp chung cư thường được thiết kế sẵn không thể thay đổi được. Khi đó, bạn nên sử dụng bình phong, vách ngăn hoặc rèm cửa để giảm các luồng khí xấu từ ngoài đi vào bếp.
2. Bài trí nội thất phòng bếp hợp phong thủy
Màu sắc
Theo phong thủy phòng bếp, những gam màu tươi sáng sẽ giúp thu hút năng lượng tích cực cho không gian nấu nướng. Gia chủ có thể sơn tường bếp màu xanh lá cây (thuộc yếu tố Mộc) giúp thúc đẩy “tương sinh” cho khu bếp. Nếu có thể, bạn nên bài trí thêm một vài chậu cảnh nhỏ xinh trong không gian này.
Tông màu trắng cũng được nhiều người sử dụng để bài trí bếp nấu bởi nó là phông nền lý tưởng để phối hợp với nội thất, phụ kiện và tạo cảm giác thoáng đẹp, sạch sẽ. Trong khi đó, gam màu vàng mang đến sự tươi mới, trẻ trung giúp kết nối các thành viên gia đình. Tuy vậy, bạn nên sử dụng tông màu này với sắc độ nhẹ nhàng, vừa phải, tránh quá chói chang dễ sinh không khí căng thẳng.
|
Gia chủ nên bài trí phòng bếp với tông màu xanh lá cây, nâu đất, màu be hoặc màu vàng nhạt. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Nhóm màu trung tính như tông be, nâu đất… cũng được khuyến khích sử dụng cho phòng bếp. Phong thủy học cho rằng, những màu này sẽ góp phần mang đến sự thịnh vượng, sung túc cho gia chủ.
Bạn nên hạn chế sử dụng màu đỏ và màu xanh nước biển trong khu bếp. Nếu bạn lạm dụng màu đỏ (thuộc yếu tố Hỏa) sẽ khiến căn bếp mất cân bằng, tạo cảm giác nặng bề, bực bội cho các thành viên. Màu xanh nước biển trong ngũ hành thuộc yếu tố Thủy (Thủy khắc Hỏa) nên nếu bạn sử dụng nhiều có thể sẽ lấn án sự hấp dẫn của thức ăn, người dùng không cảm thấy ngon miệng, ảnh hưởng tới bầu không khí của cả phòng bếp.
Vật liệu
Theo ngũ hành, phòng bếp thuộc Hỏa nên bạn cần chọn vật liệu làm tủ bếp, lát sàn, ốp tường sao cho phù hợp các yếu tố phong thủy. Ví dụ, gạch và đá granite màu đen hoặc xanh nước biển là thuộc Thủy (thêm tính Kim nếu có ánh kim loại); đá trắng, xám thuộc tính Kim; đá granite đỏ thuộc tính Hỏa. Tủ bếp làm bằng inox thuộc tính Kim, lớp sơn phủ bề mặt tủ màu gì thì cộng thêm yếu tố hành đó…
Sau khi xác định được tính chất phong thủy của vật liệu, gia chủ nên lựa chọn sao cho phù hợp với bản mệnh của mình. Chủ nhân thuộc mệnh nào thì chọn loại vật liệu tương sinh (Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim) và tránh vật liệu mang tính tương khắc (Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim).
Ánh sáng
Thông thường, phòng bếp là nơi cả gia đình quây quần ăn uống nên cần phải đảm bảo đầy đủ ánh sáng, tạo hiệu ứng tích cực tới tinh thần của các thành viên. Theo phong thủy phòng bếp, gia chủ nên tận dụng tối đa nguồn sáng tự nhiên cho không gian chức năng này nhằm thu hút nguồn năng lượng tích cực.
Cách bố trí bếp nấu, bồn rửa và tủ lạnh
Để tránh tạo sự xung đột giữa các yếu tố nước - lửa, bạn nên bố trí bếp nấu, bồn rửa và tủ lạnh thành một hình tam giác. Đồng thời, cách bố trí này cũng cho phép bạn di chuyển giữa 3 nơi quan trọng nhất trong bếp một cách dễ dàng, thuận tiện.
Bên cạnh đó, bề mặt nội thất phòng bếp nên có cạnh tròn bởi nếu chọn cạnh sắc nhọn sẽ không tốt về mặt phong thủy, dễ gây căng thẳng, cãi vã giữa các thành viên trong nhà.
Cuối cùng, gia chủ nên đảm bảo cho phòng bếp luôn sạch sẽ, gọn gàng để đảm bảo an toàn vệ sinh cho cả gia đình. Đồng thời, một căn bếp thoáng sạch còn giúp xua tan nguồn năng lượng xấu tích tụ, thu hút năng lượng tích cực, mang đến sức khỏe dồi dào, tài lộc tấn tới.
3. Những kiêng kị phong thủy phòng bếp
Theo quan điểm phong thủy, phòng bếp không chỉ là nơi nấu nướng, ăn uống mà còn là kho tài vận của cả gia đình. Do đó, khi thiết kế và bài trí bếp nấu, bạn nên tránh những kiêng kị sau đây:
Bếp đối diện cửa chính
Phong thủy học quan niệm, một phòng bếp tốt trước hết phải “tàng phong tụ khí”. Thế nên, việc đặt bếp đối diện với cửa chính là điều tối kị. Sách cổ có viết: “Khai môn kiến táo, tiền tài đa hao”, tức mở cửa nhìn thấy bếp, tiền tài hao hụt nhiều. Theo các chuyên gia phong thủy, để không “lộ táo”, chủ nhân nên bố trí phòng bếp ở gian sau của ngôi nhà. Nếu phạm cấm kị này, bạn có thể hóa giải bằng cách sử dụng rèm che, vách ngăn hoặc thiết kế quầy bar che chắn bếp.
|
Bếp nấu đối diện cửa chính là một trong những cấm kị cần tránh trong phong thủy phòng bếp. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Bếp đối diện với chậu rửa, máy giặt, tủ lạnh
Trong ngũ hành, bếp thuộc hành Hỏa nên gia chủ không nên đặt bếp đối diện bồn rửa, máy giặt, tủ lạnh (yếu tố Thủy). Gia chủ tuyệt đối tránh để tủ lạnh và bồn rửa đối diện hoặc quá gần bếp nấu bởi điều này dễ gây xung đột gia đình, ảnh hưởng tới sức khỏe của gia chủ. Theo các chuyên gia phong thủy, khoảng cách tối thiểu giữa bồn rửa và bếp là 60cm. Tuy nhiên, trong trường hợp bất khả kháng, bạn nên cố gắng tạo ra vách ngăn để hóa giải.
Bếp nấu ngay cạnh hoặc trực diện cửa phòng ngủ
Chúng ta đều biết, bếp là nơi nấu nướng nên thường rất nóng bức. Hơn nữa, khi đun nấu, mùi dầu mỡ và thức ăn tỏa ra không tốt cho sức khỏe. Do đó, gia chủ nên tránh bố trí bếp bên cạnh hoặc đối diện với cửa phòng ngủ, tránh ảnh hưởng tới không gian nghỉ ngơi thư giãn. Riêng với nhà cao tầng, bạn không nên đặt bếp nấu ở vị trí dưới phòng ngủ tầng trên bởi điều này có thể khiến người ngủ trong phòng bồn chồn, không ngon giấc, dễ sinh nóng nảy, về lâu dài không tốt cho sức khỏe.
Bếp nấu đối diện, áp lưng hoặc phía dưới nhà vệ sinh
Việc thiết kế bếp nấu đối diện, áp lưng hoặc phía dưới phòng vệ sinh là cấm kị. Bởi lẽ, nhà vệ sinh là nơi tồn đọng nhiều xú uế sẽ ảnh hưởng đến đồ ăn, không tốt cho sức khỏe của cả nhà. Chưa kể, trong phong thủy, cách bố trí này sẽ khiến Thủy - Hỏa tương xung gây hao tổn tài lộc, nảy sinh mâu thuẫn gia đình. Để hóa giải, gia chủ nên thay đổi hướng cửa phòng vệ sinh hoặc đặt bình phong, treo rèm phân tách hai khu vực chức năng này.
Ngoài ra, gia chủ cần tránh phạm phải những cấm kị như: Xà ngang đè lên bếp hoặc đặt bếp dưới gầm cầu thang, bếp nấu đặt ngược hướng nhà, sau bếp là khoảng không, đặt bếp đối diện ban công, để góc nhọn chiếu thẳng vào phòng bếp…
Hy vọng rằng, với những kiến thức phong thủy phòng bếp mà chúng tôi chia sẻ trên đây, bạn đọc sẽ biết cách thiết kế và bài trí bếp nấu hợp lý giúp mang lại sức khỏe, may mắn và tài lộc cho cả gia đình.
(Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo)