Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năng lực sản xuất của ngành thép đạt khoảng 30 triệu tấn/năm. Trong đó, sản lượng thép cán là 12 triệu tấn/năm, phôi thép đạt 12 triệu tấn/năm, thép ống 3 triệu tấn/năm và tôn mạ phủ màu 5 triệu tấn/năm.
Với những kết quả khả quan đó, ngành thép Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Tuy vậy, hiện ngành này chỉ mới hoạt động khoảng 70% công suất. So với nhu cầu trong nước, nguồn cung đã vượt xa cầu. Đó là chưa kể một lượng lớn thép thành phẩm nhập khẩu.
VSA cho hay, trong 5 tháng đầu năm 2018, hơn 9,67 triệu tấn thép thành phẩm các loại đã được sản xuất. So với cùng kỳ, sản lượng này tăng 24% và bán hàng đạt 6,69 triệu tấn (tính cả xuất khẩu 1,56 triệu tấn), tăng 35,2%.
|
Theo dự báo, sản xuất toàn ngành thép trong năm 2018 sẽ tăng trưởng khoảng 20-22% so với năm ngoái. |
Trong khi sản xuất thép trong nước tăng mạnh thì nhập khẩu thép vẫn tăng 1,9% so với cùng kỳ với hơn 5.68 triệu tấn sắt thép các loại, trị giá trên 4 tỷ USD.
Đáng chú ý, lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm gần 50% với 2,6 triệu tấn, trị giá hơn 1,83 tỷ USD. Trong đó, có những sản phẩm trong nước sản xuất được, thậm chí là dư thừa như tôn mạ màu, thép cuộn cán nguội, thép xây dựng...
Trong 5 tháng qua, xuất khẩu thép cũng tăng mạnh. Sản lượng xuất khẩu đạt 2,36 triệu tấn (1,76 tỷ USD), tăng 57,8% về trị giá và tăng 41,9% về lượng. Vậy nhưng, ngoại tệ thu từ hoạt động xuất khẩu chỉ gần bằng khoản chi để nhập khẩu từ một thị trường.
Trong năm ngoái, xuất khẩu toàn ngành thép đạt 5,5 triệu tấn, so với cùng kỳ năm 2016 tăng 28,5% và tăng 45,4% về trị giá (3,643 tỷ USD). Điều đáng nói là, số tiền chi để nhập nguyên liệu cũng như thép thành phẩm đã vượt 10 tỷ USD.
Trong năm nay, dự báo toàn ngành thép sẽ tăng trưởng sản xuất khoảng 20-22% so với năm trước. Cụ thể, thép cuộn cán nóng tăng 154%, thép ống hàn 15%, thép lá cuộc cán nguội 5%, thép xây dựng 10%, tôn mạ vàng và sơn phủ màu tăng 12%.