So với cùng kỳ năm 2015, nhập khẩu thép đã tăng khoảng 48% về lượng (cùng kỳ khoảng hơn 5 triệu tấn); tuy nhiên chỉ tăng khoảng 1% về giá trị (cùng kỳ là 3,38 tỷ USD).
Sáu tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 9,6 triệu tấn thép các
loại. (Ảnh minh họa).
Theo nhận định của VSA, trong nửa năm qua, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng có sự tăng trưởng tốt. Qua đó, có thể dự đoán khả năng cả năm 2016, doanh nghiệp trong Hiệp hội Thép đạt mức tiêu thụ 7,5 triệu tấn cộng với các doanh nghiệp ngoài Hiệp hội nữa cũng lên tới 8,1 triệu tấn. Lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, nhất là về cuối năm, khi nhu cầu xây dựng tăng cao.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, ông Nguyễn Văn Sưa đánh giá, tuy tình hình sản xuất, kinh doanh thép trong nước đã có những tăng trưởng trong thời gian qua nhưng Việt Nam vẫn là nước nhập khẩu lượng lớn thép, đứng đầu Đông Nam Á và đứng thứ 7 trên thế giới. Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 18,7 triệu tấn thép thành phẩm và bán thành phẩm các loại trong năm 2015. Đáng chú ý, lượng thép nhập từ Trung Quốc vẫn chiếm tới 60% tổng lượng nhập khẩu của Việt Nam.
Dù phôi thép nhập khẩu đã được khống chế nhưng nhiều loại thép khác vẫn tiếp tục ồ ạt đổ về Việt Nam trong khi Bộ Công Thương đã áp thuế tự vệ tạm thời với các sản phẩm này từ 14,2-23,3%.
Việc để các sản phẩm sắt thép ồ ạt tràn vào Việt Nam khiến các nhà sản xuất trong nước bị mất 26,5% thị phần phôi thép, giảm sản lượng 4,7% so với năm 2014, chỉ đạt 5,64 triệu tấn phôi trong khi sản xuất thép dài tăng tới 26,6%. Không ít nhà sản xuất nhỏ phải sản xuất cầm chừng hoặc thậm chí phải đóng cửa. Hiện chỉ có khoảng 50% nhà máy luyện thép (chủ yếu là các nhà máy lớn) còn hoạt động.
Trước thực trạng này, giới chuyên môn cho rằng, cần có các biện pháp cụ thể để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước. Còn về lâu dài, các doanh nghiệp trong nước vẫn cần sự liên kết với nhau để cùng lớn mạnh, tăng chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh hơn nữa.