Dự án chậm tiến độ, phá vỡ địa giới
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính” (Dự án 513), cho phép TP lập mới, bổ sung, chỉnh lý hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp, UBND TP. Hà Nội cho hay.
Theo quy hoạch được duyệt, dự án chia làm 3 giai đoạn, thực hiện trên địa bàn 30 huyện, quận, thị xã của Hà Nội. Vậy nhưng, trong quá trình triển khai dự án địa giới hành chính tại quận Hà Đông và huyện Thanh Oai, chính quyền TP nhận thấy đường địa giới 364 khu vực giữa xã Cự Khê (Thanh Oai) và phường Kiến Hưng, Phú Lương (Hà Đông) bị phá vỡ bởi quá trình đô thị hóa tại địa phương. Dự án khu đô thị Mường Thanh đã phá vỡ đường địa giới 364.
|
Phần đất thuộc địa phận huyện Thanh Oai sẽ được chuyển về quận Hà Đông. |
Được biết, vào ngày 11/11/2016, Hà Nội đã tổ chức hội nghị hiệp thương giữa UBND xã Cự Khê và UBND các phường Kiến Hưng, Phú Lương, thống nhất xác định lại đường địa giới hành chính đi qua khu vực này.
Cụ thể, theo đường địa giới mới, Khu đô thị Thanh Hà sẽ “lên quận” hoàn toàn. Điều đó có nghĩa là chuyển nốt địa phận thuộc huyện Thanh Oai về quận Hà Đông.
UBND TP. Hà Nội cho biết, bộ hồ sơ bản đồ địa giới hành chính của các huyện, quận, xã, phường nói trên đang được hoàn thiện để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành theo đúng luật định. Chính quyền TP yêu cầu huyện Thanh Oai, quận Hà Đông sớm thực hiện việc quản lý địa giới hành chính theo ranh giới đã được hiệp thương thống nhất.
|
Tập đoàn Mường Thanh đã mua lại phần lớn dự án Khu đô thị Thanh Hà và tiếp tục xây dựng, hoàn thiện. (Ảnh: Hiếu Công) |
Tổng diện tích Khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5 là 416,7 ha, thuộc địa giới hành chính các phường Phú Lương, Kiến Hưng (Hà Đông) và xã Cự Khê (Thanh Oai). Quy mô dân số của dự án vào khoảng 34.000 người.
Có khoảng 386,7 ha trong tổng diện tích dự án là đất dân dụng; 1,52 ha đất ngoài phạm vi dân dụng và khoảng 28,5 ha đất hỗn hợp.
Dự án được Công ty CP phát triển Địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land) chính thức khởi công vào năm 2008. Tuy nhiên, công trình bị đình trệ suốt 8 năm đầu. Đến năm 2016, Tập đoàn Mường Thanh đã mua lại phần lớn dự án và "hồi sinh" công trình.
Đây là một trong những dự án mà Cienco 5 Land đầu tư để hoàn vốn cho dự án đường trục phía nam tỉnh Hà Tây cũ theo hình thức xây dựng chuyển giao (hợp đồng BT). Dự kiến, tổng mức đầu tư dự án là 18.000 tỷ đồng. Sau gần 10 năm xây dựng, công trình mới hoàn thiện.
|
Dự án đang trong cảnh ngổn ngang san nền. (Ảnh: Hiếu Công) |
Nhiều sai phạm
Thanh tra Chính phủ trước đây cũng từng chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án đường trục phía Nam nói trên. Cụ thể, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và tính chi phí lãi vay 920 tỷ đồng trong tổng vốn đầu tư dự án BT là chưa có cơ sở dẫn đến việc xác định giá trị tổng vốn đầu tư để ký hợp đồng sai tăng 920 tỷ đồng. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến việc xác định giá trị để giao đất của các dự án khác đối ứng.
Mặt khác, nhà đầu tư đã chiếm dụng ngân sách Nhà nước trong thời gian dài đối với số tiền chênh lệch phải nộp ngay vào ngân sách là 510 tỷ đồng (tại thời điểm tháng 4/2008). Cùng với đó, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thuộc UBND TP. Hà Nội buông lỏng trong công tác quản lý, giám sát và đôn đốc nhà đầu tư thực hiện việc thu, nộp tiền theo quy định.
Ngoài ra, tại Hà Nội, Khu đô thị Thanh Hà cũng nổi tiếng với việc liên tục xảy ra "sốt đất". Vin vào thông tin dự án, cò đất liên tục thổi giá đất. Chưa kể, cò đất còn “ôm” hàng loạt căn hộ, đất nền tại dự án để bán chênh cho người mua nhà. Giá đất của khu đô thị này rất có thể bị đẩy lên cao trước thông tin dự án được “lên quận”.