Chiều qua (1/8), phóng viên tham gia cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ về việc sơ tuyển, đấu thầu đường bộ cao tốc Bắc - Nam đã đặt vấn đề: "Nhiều nhà đầu tư trong nước phản ánh tiêu chí thầu quá cao khiến họ khó tham gia, khả năng các gói thầu sẽ rơi vào nhà thầu nước ngoài; trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng đường bộ cao tốc là trục xương sống quốc gia, cần lưu ý vấn đề an ninh, quốc phòng".
Trước câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Ngọc Đông thông tin, Bộ đã tổng hợp và báo cáo lên Chính phủ xác định các đoạn ưu tiên đầu tư giai đoạn 2020-2021 với 8 dự án, chiều dài 654km. Hình thức đầu tư dự án là đối tác công tư (PPP) nên cần phải xem xét kỹ lưỡng tính hiệu quả, tính kết nối với những tuyến đường hiện hữu, các trung tâm.
|
Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. (Ảnh: Viết Tuân) |
Theo Thứ trưởng Đông: "Trong quá trình phân chia các dự án thành phần, chúng tôi đánh giá rất kỹ mới đưa ra tiêu chí chấm thầu, đảm bảo hiệu quả trong thu hút đầu tư, thu phí hoàn vốn trong trường hợp kêu gọi tư nhân tham gia".
Ông Đông cho biết, văn bản pháp luật nêu rõ quy định đơn vị muốn đủ điều kiện tham gia dự thầu phải có vốn đáp ứng 20% trên tổng mức đầu tư dự án.
Vị này nói: "Theo Luật Đấu thầu, các dự án như cao tốc Bắc - Nam thực hiện theo hình thức đối tác công tư thì phải đấu thầu quốc tế. Nhưng luật cũng quy định, trong trường hợp dự án ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng thì cấp có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định". Hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải đã tổng hợp hồ sơ sơ tuyển dự thầu, báo cáo Chính phủ xem xét.
|
Ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. (Ảnh: Viết Tuân) |
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Mai Tiến Dũng cho biết thêm, cao tốc Bắc - Nam là tuyến đường huyết mạch nên rất được quan tâm.
Ông Dũng xác nhận, việc đấu thầu các dự án của tuyến cao tốc có sự tham gia của nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Đồng thời, việc này sẽ được thực hiện công khai. Theo yêu cầu của Thủ tướng, Bộ Giao thông Vận tải tiến hành rà soát, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia một số tuyến.
"Cơ quan chức năng tiếp tục báo cáo Thủ tướng về vấn đề trên theo tinh thần dự án chất lượng, an toàn lâu dài và đảm bảo an ninh, quốc phòng", Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thông tin.
Được biết, đã có 60 hồ sơ của các nhà đầu tư tham gia vòng sơ tuyển 8 dự án thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP. Trong số đó, có 30 doanh nghiệp trong nước tham gia độc lập hoặc liên doanh với doanh nghiệp ngoại.
Điều kiện để doanh nghiệp được tham gia dự án cao tốc Bắc - Nam là vốn chủ sở hữu phải chiếm 20% tổng vốn đầu tư công trình. Có nghĩa là, doanh nghiệp muốn tham gia dự án từ 5.000-10.000 tỷ đồng thì phải có ít nhất 1.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. Tiêu chí này đối với các doanh nghiệp nội là rất khó đáp ứng.
Trong thông báo mời sơ tuyển dự án cao tốc Bắc - Nam, Bộ Giao thông Vận tải xây dựng mức điểm phương pháp triển khai dự án chiếm 10% tổng điểm (10 điểm); kinh nghiệm chiếm 30%; năng lực tài chính của chủ đầu tư chiếm 60% tổng số điểm.
Riêng với các nhà đầu tư liên danh, năng lực tài chính được tính tổng năng lực của các thành viên liên danh. Mặt khác, từng thành viên phải đáp ứng năng lực tương ứng với phần vốn góp chủ sở hữu theo thỏa thuận liên danh. Trong khi đó, kinh nghiệm của nhà đầu tư liên danh sẽ tính bằng số dự án tương tự và tổng số dự án của thành viên trong liên danh đã thực hiện.