Vì chưa phân bổ được nguồn vốn nên dự án bảo tàng trên 11.000 tỷ đồng vẫn
gặp nhiều bế tắc.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ vào chiều ngày 13/8, về dự án Bảo tàng Lịch sử Quốc gia vốn nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hoan nghênh Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng Bộ Xây dựng về việc “tích cực cho việc chuẩn bị đầu tư dự án này”.
Dự án Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được Thủ tường đánh giá cần được xây dựng xứng tầm với lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc.
Theo đó, người đứng đầu Chính phủ cũng đưa ra yêu cầu, từ nay đến năm 2020, Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch cùng Bộ Xây dựng và các cơ quan chức năng có liên quan nâng cao công tác chuẩn bị đầu tư cho dự án để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, tiến tới mục tiêu khởi công dự án vào năm 2021.
Dự kiến, dự án Bảo tàng Lịch sử Quốc gia với tổng diện tích hơn 10 ha sẽ được xây dựng tại ô đất số 7 của KĐT mới Tây Hồ Tây, Hà Nội, có số vốn đầu tư hơn 11.200 tỷ đồng. Dự án bao gồm 4 hạng mục là: Toà nhà chính với diện tích hơn 20.400m2; Khu tưởng niệm danh nhân; Khu trưng bày ngoài trời, phục vụ cho việc trưng bày các hiện vật lớn; Khu tái tạo lại không gian lịch sử; không gian văn hóa, kiến trúc đặc sắc và hạng mục kỹ thuật phụ trợ, cây xanh và cảnh quan.
Dù dự án đã được phê duyệt từ năm 2011 và được đề xuất thời gian thực hiện từ tháng 11/2012 đến tháng 7/2016 sẽ đưa vào sử dụng, tuy nhiên, công trình đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống vì chưa bố trí được nguồn vốn, thông tin từ các bộ, ngành liên quan.
Dự án này đã nhận được khá nhiều sự quan tâm từ dư luận, trong đó, nhiều ý kiến tỏ ra không đồng thuận với nguồn chi phí quá lớn dành cho dự án, trong khi đã có hàng loạt các bảo tàng được xây dựng nhưng không phát huy được hiệu quả, thậm chí là có phần lãng phí, vì công năng không được sử dụng đúng.