Sau loạt bài về việc sẽ dừng giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng kể từ ngày 1/6/2016, nhiều người mua nhà ở xã hội đã gọi tới đường dây nóng cho biết họ rất lo lắng về quyền lợi của mình.
Cụ thể, có người cho biết, khi làm thủ tục vay vốn, ngân hàng không hề tư vấn, ngay cả trong hợp đồng cũng không một chữ nào nhắc đến thời điểm giải ngân sau ngày 1/6 tới sẽ không được hưởng ưu đãi mà chỉ áp dụng lãi suất thương mại.
Theo Luật sư Bùi Quang Hưng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội): “Ngân hàng khi đưa ra các gói tín dụng, họ chỉ đưa ra những điều kiện hấp dẫn mà người mua nhìn thấy ngay họ sẽ được hưởng. Tuy nhiên, điều kiện người mua phải đáp ứng (điều kiện giải ngân và thời hạn giải ngân) thì các hợp đồng này không nói rõ hoặc nói một cách mập mờ. Do đó, người mua hiểu lầm hoặc không có kiến thức về việc phải đáp ứng điều kiện giải ngân mới được tham gia gói tín dụng ưu đãi”.
Bài học từ gói tín dụng ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng? (Ảnh minh họa).
Ngân hàng Nhà nước cho biết, những hợp đồng mập mờ như trên thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm. Song, câu hỏi đặt ra là trách nhiệm thế nào? Trong trường hợp giải ngân hết trước thời điểm 1/6/2016 thì trái quy định về tiến độ, còn nếu duy trì lãi suất ưu đãi thì ngân hàng không thể bỏ tiền túi ra.
Nhưng để dẫn đến việc người vay không được hưởng ưu đãi do giải ngân sau ngày 1/6/2016 thì nguyên nhân không chỉ đến từ các hợp đồng mập mờ của các ngân hàng. Nguyên nhân khác đến từ các chủ đầu tư chậm tiến độ làm chậm thời gian giải ngân vốn vay sau thời hạn của gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng.
Các chủ đầu tư vi phạm điều gì? Quyền lợi của người mua nhà như thế nào? Luật sư Bùi Quang Hưng cho rằng: "Trong giao dịch ba bên giữa người mua, chủ đầu tư và ngân hàng, các điều kiện ràng buộc lẫn nhau. Trường hợp chủ đầu tư vi phạm tiến độ bàn giao nhà theo hợp đồng đã ký với người mua thì lập tức ảnh hưởng đến quyền lợi khác của người mua. Theo đó, tiền lãi theo gói 30 nghìn tỷ người mua không được hưởng. Khoản thiệt hại này, chủ đầu tư phải bồi thường".