Tuy nhiên, tín dụng tiêu dùng lại tăng mạnh, trong đó gần 50% tập trung vào lĩnh vực BĐS cho thấy nguồn vốn vào lĩnh vực này là rất lớn và cần phải theo dõi sát sao.
Theo chuyên gia tài chính, PGS-TS Nguyễn Thị Mùi, tín dụng tiêu dùng tăng trưởng cao, đa số có liên quan đến BĐS sẽ tiềm ẩn rủi ro cho các tổ chức tín dụng. Điều này được lý giải bởi nguồn vốn của các tổ chức tín dụng chủ yếu là ngắn hạn và không kỳ hạn, chiếm gần 90%, trong khi vay tiêu dùng ở lĩnh vực BĐS lại có thời hạn dài.
Vốn thu hẹp, BĐS liệu có gặp khó khăn?
Vị chuyên gia này giải thích, nếu đến hạn, vì nhiều lý do mà chủ đầu tư, cá nhân vay có liên quan đến BĐS không trả nợ đúng hạn thì sẽ gia tăng nợ quá hạn, nợ xấu, do đó sẽ gia tăng rủi ro thanh khoản cho chính các tổ chức tín dụng cũng như nền kinh tế.
Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cũng cho rằng, nguồn vốn tín dụng được xem là có vai trò quyết định để phát triển thị trường BĐS với ước tính cơ cấu vốn chiếm 70%-80% giá trị. Năm nay, nguồn vốn này sẽ gặp khó khăn, thu hẹp hơn nhiều so với giai đoạn năm 2015-2016.
Ông Hiển nhấn mạnh, dù các ngân hàng thương mại vẫn là nơi cung cấp nguồn vốn quan trọng nhất cho thị trường BĐS trong năm nay nhưng với việc siết tín dụng của Ngân hàng Nhà nước cùng với việc các nguồn vốn huy động khác chưa thuận lợi… là những dấu hiệu cho thấy nguồn vốn đổ vào thị trường này sẽ khó khăn.
Hơn nữa, một số chính sách tài chính có liên quan đến BĐS đang được bàn thảo, nếu được áp dụng được cho rằng sẽ gây khó khăn cho sự phát triển của thị trường BĐS nói chung và thị trường nhà ở nói riêng. Việc có thể sẽ đánh thuế căn nhà thứ hai trở đi, hay một số khuyến cáo tăng thuế nhà, đất tại các TP, khu đô thị... là những minh chứng điển hình.
Tuy nhiên, bà Mùi nhận định rằng, thị trường BĐS vẫn có cơ hội phát triển, nhất là phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có giá bán trung bình hay phân khúc nhà ở trung cấp. Những phân khúc này vẫn tăng trưởng khá với điều kiện chủ đầu tư có tiềm lực tài chính, có khả năng quản trị và có uy tín.
Ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (Thủ Đức House) cho rằng, hai phân khúc BĐS là căn hộ giá trên dưới 1,5 tỷ đồng và đất nền sẽ duy trì vị trí dẫn dắt thị trường. Căn hộ giá trên dưới 1,5 tỷ đồng là phân khúc trụ cột của thị trường trong nhiều năm qua. Phân khúc này sẽ đáp ứng nhu cầu thật của phần lớn người tiêu dùng. Nguồn cung đất nền, nhất là những sản phẩm gần với trung tâm TP, thuận tiện cho đi lại ngày càng khan hiếm trong khi nhu cầu thực lại rất lớn.