Du lịch phục hồi, tạo đà cho BĐS nghỉ dưỡng phát triển
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, cần coi thương mại – dịch vụ là hướng phát triển trong dài hạn. Đây cũng là xu hướng phổ biến trên thế giới hiện nay. Trong cơ cấu GDP Việt Nam, tỷ trọng ngành thương mại – dịch vụ đang tăng liên tục một cách ổn định. Đáng chú ý, trong thương mại – dịch vụ, du lịch có tỷ trọng GDP cao nhất.
Dịch Covid-19 đã đẩy du lịch Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung rơi vào thế khó khăn. Nhưng theo ông Nghĩa, du lịch sẽ sớm phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ sau dịch. Sự cất cánh của du lịch sẽ là nền tảng cho sự bùng nổ của bất động sản nghỉ dưỡng. Lý giải cho nhận định này, ông Nghĩa đưa ra 5 lý do.
Thứ nhất, du lịch là lĩnh vực thế mạnh và còn nhiều dư địa khai thác của Việt Nam. Việt Nam sở hữu tiềm năng du lịch lớn từ hệ thống sinh thái phong phú rừng vàng, biển bạc, núi non hùng vĩ; nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc; các hình thái du lịch rất đa dạng từ du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá - trải nghiệm và du lịch văn hóa - di sản - tâm linh.
Thứ hai, với thành tích kiểm soát dịch bệnh Covid-19, Việt Nam đang được biết đến như một điểm đến không chỉ hấp dẫn mà còn an toàn. Thực tế này đã được thế giới ghi nhận.
Thứ ba, trong những năm qua, bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ. Các khu du lịch, tổ hợp nghỉ dưỡng đa chức năng, mang đẳng cấp quốc tế xuất hiện ngày càng đông đảo. Dòng sản phẩm này đã đón đầu được xu hướng mới, hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của khách quốc tế đến Việt Nam.
Thứ tư, do tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn phức tạp nên du lịch nội địa đang được kích cầu mạnh mẽ với chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch khởi xướng. Sau thời gian cách ly, nhu cầu du lịch nội địa tất yếu gia tăng. Ngoài ra, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt trên thế giới, các chuyến bay quốc tế được nối lại, Việt Nam tiếp tục là điểm ngắm của dòng khách quốc tế.
Thứ năm, nhìn toàn cảnh, triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam là ổn định. Ông Nghĩa cho rằng đại dịch Covid-19 không có khả năng tạo ra những bất ổn về kinh tế vĩ mô. Điều này có nghĩa tỷ giá hối đoái sẽ ổn định và các nhà đầu tư sẽ vẫn yên tâm đổ tiền vào bất động sản nghỉ dưỡng với tầm nhìn dài hạn.
Ông Nghĩa nhấn mạnh,trong trung và dài hạn, du lịch tiếp tục là lĩnh vực có tỷ trọng GDP cao nhất trong khu vực dịch vụ. Hiện du lịch đang chiếm khoảng 10% GDP. Đây cũng là ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững. Vị chuyên gia kinh tế dự báo trong 5-10 năm tới, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tốc độ tăng trưởng có thể đạt khoảng 12-14%/năm. Và dự kiến đến năm 2025, doanh thu du lịch tính thuần vào khoảng 45 tỷ USD.
Sự phục hồi của ngành du lịch sẽ là nền tảng quan trọng, tạo đà cho sự phát triển của bất động sản nghỉ dưỡng.
|
Dù du lịch Việt Nam sớm phục hồi, tạo đà cho bất động sản nghỉ dưỡng phát triển nhưng phân khúc này vẫn còn đối mặt nhiều thách thức. Ảnh minh họa |
Vẫn còn nhiều thách thức
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thì dù du lịch Việt Nam sớm phục hồi, tạo đà cho bất động sản nghỉ dưỡng phát triển nhưng phân khúc này vẫn còn đối mặt nhiều thách thức.
Cụ thể, theo khảo sát, mức chi tiêu của khách du lịch đến Việt Nam vẫn thua xa với các nước. Khách quốc tế đến Việt Nam chi tiêu 96 USD/ngày. Trong khi ở Singapore là 330 USD/ngày, Thái Lan là 115 USD/ngày. So với các quốc gia phát triển mạnh về du lịch trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore… số lượng cơ sở lưu trú và các dịch vụ giải trí của Việt Nam còn rất hạn chế.
Mặt khác, nguồn cung bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng của Việt Nam hiện mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu căn hộ lưu trú cho khách du lịch quốc tế. Trong khi đó, giá bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam đang ở mức thấp so với các quốc gia có cùng tiềm năng phát triển du lịch. Do đó, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng còn nhiều dư địa phát triển.
Thực tế này cũng phù hợp với xu hướng đầu tư vào bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng nhằm vào tầng lớp trung lưu đang ngày càng đông đảo. Trong trung hạn, với trên 20 triệu khách quốc tế tới Việt Nam mỗi năm có thời gian nghỉ trung bình từ 5 - 7 ngày cho mỗi kỳ nghỉ; 85 triệu khách trong nước có thời gian nghỉ từ 3 - 4 ngày, du lịch Việt Nam cần thêm nhiều hơn nữa các dự án đầu tư theo dạng quần thể, tích hợp cả du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng và mua sắm.
An An
>> Bất động sản nghỉ dưỡng hậu Covid-19: Nhiều điểm sáng mới
>> Mở cửa trở lại, khách sạn, khu nghỉ dưỡng giảm giá kích cầu
Link bài viết gốc
http://thanhnienviet.vn/2020/06/16/bat-dong-san-nghi-duong-dang-but-pha-manh-me/
Theo Tạp chí Thanh Niên