Bất động sản nghỉ dưỡng ven biển tại Việt Nam đang là thị trường được các thương hiệu quốc tế đặt kỳ vọng đầu tư cao nhất hiện nay. Rất nhiều dự án tương lai dự kiến sẽ được ra mắt trong vòng một vài năm nữa, đặc biệt là ở các tỉnh Khánh Hòa, Phú Quốc, Nha Trang. Tính đến cuối năm 2015, cả nước có hơn 30 dự án nghỉ dưỡng được cấp phép đầu tư, 13 dự án trong số đó hiện đang trong quá trình xây dựng và dự kiến ra mắt trong một vài năm tới; hầu hết các dự án được phát triển ở ven biển và thuộc phân khúc 4 đến 5 sao. Sự phát triển sôi dộng của Cam Ranh, Phú Quốc. Vũng Tàu đã thu hút được rất nhiều đơn vị quản lý quốc tế như Accor, Carlson Residor và Mövenpick.
Mặc dù phát triển muộn hơn nhưng Phú Quốc hiện là thị trường được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng nhanh chóng. Nguồn cung khách sạn 5 sao tuy còn khá hạn chế trong giai đoạn hiện tại nhưng đã thu hút rất nhiều các khoản vốn đầu tư lớn. Rất nhiều dự án 5 sao được phát triển trong giai đoạn 2016-2017, bao gồm Crowne Plaza Hotel, Novotel Resort, Sonasea Villas & Resort và Sunset Sanato Premium Complex. Trong khi đó, Phan Thiết nổi lên như một khu vực lý tưởng thu hút giới đầu tư trung lưu với Mũi Né là tâm điểm chú ý của thị trường.
Bất động sản nghỉ dưỡng ven biển tiếp tục chiếm ưu thế (ảnh minh họa)
Trong 4 tháng đầu năm, rất nhiều các dự án nghỉ dưỡng cung cấp dòng sản phẩm biệt thự ven biển do các thương hiệu quốc tế quản lý đã mở bán rầm rộ và luôn đi kèm với chương trình cho thuê lại. Mức lợi nhuận cho thuê được các chủ đầu tư cam kết trong thời hạn 3-10 năm là 6-10%/năm. Tình hình kinh doanh của loại hình này khá khả quan nhờ thu hút được sự quan tâm của người mua trong nước lẫn nước ngoài – những người đang tìm kiếm một kênh đầu tư ổn định và tiềm năng. Giá của các căn biệt thự này dao động từ 400 ngàn đến hơn 5 triệu USD.
Trong 5 năm qua, tiềm năng phát triển của BĐS nghỉ dưỡng chủ yếu đến từ sự gia tăng nhu cầu du lịch của khách hàng trong nước và nguồn khách quốc tế. Xu hướng đầu tư xây dựng du lịch bùng nổ mạnh nhất là giai đoạn cuối năm 2015, đầu 2016. Ghi nhận từ Savills cho thấy, số lượng phòng khách sạn 5 sao tăng vọt 37%, đạt mức tăng trưởng 24.000 phòng; trong đó 30% số phòng được khách du lịch đặt ở các khu vực du lịch Đà Nẵng, Khánh Hòa và Phú Quốc. Sự phát triển của các sân bay quốc tế trong năm qua cũng là một yếu tố thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch. Cụ thể, lượng khách đến bằng đường hàng không đạt 6 triệu lượt, chiếm khoảng 80% tổng số khách đến. Các chuyến bay thuê bao của các đơn vị lữ hành từ những thị trường lớn như Trung Quốc và Nga tới Đà Nẵng, Khánh Hòa, và kể cả Phú Quốc ngày càng phổ biến. Tính từ năm 2013, lượng hành khách mỗi năm tăng trưởng lần lượt là 21%, 34% và 45% mỗi năm. Chính sách nới lỏng thị thực cũng góp phần phát triển ngành du lịch. Trong năm 2015, 39% dân số thế giới có thể du lịch mà không cần xin thị thực visa trước, tỷ lệ này năm 2008 chỉ là 23% (theo UNWTO).
Theo đánh giá của giới chuyên môn, Việt Nam là một trong những điểm đến du lịch có tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, nhờ vào nhiều yếu tố thuận lợi như lượng khách du lịch tăng, các thương hiệu khách sạn quốc tế mới gia nhập thị trường, chính sách thị thực được nới lỏng cùng sự phát triển của cơ sở hạ tầng. Việt Nam được UNWTO xếp trong danh sách top 5 các nước ASEAN có lượng khách du lịch quốc tế cao nhất, ước tính đạt 8 triệu lượt, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 9%/năm trong 5 năm vừa qua. Phần lớn lượng khách du lịch này đến từ các nước ôn đới như Hoa Kỳ, châu Âu, Nga và Trung Quốc.
Đông Phong